Để học trò không phải ngồi chơi thì giáo viên… tự bơi!

11/04/2020 - 09:19

PNO - Chính qua dịch COVID-19 mới thấy giáo viên lúng túng thế nào khi sử dụng công nghệ thông tin thực hiện các bài giảng trực tuyến.

Câu chuyện ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới giáo dục và việc triển khai mô hình trường học thông minh đã được triển khai và “nhai lại” nhiều lần. Thế nhưng đổi mới ra sao, ứng dụng đến đâu thì vẫn còn là ẩn số cho tới khi học sinh nghỉ học dài ngày vì dịch bệnh thì đã có lời đáp.

Chính qua dịch COVID-19 mới thấy giáo viên lúng túng thế nào khi sử dụng công nghệ thông tin thực hiện các bài dạy trực tuyến. Nếu thầy cô chưa từng dạy online, chưa quen sử dụng các thiết bị công nghệ thì sẽ gặp khó khăn trong quá trình giao tiếp với học sinh qua mạng.

Giáo viên phải chuẩn bị công phu cho một bài giảng qua truyền hình
Giáo viên phải chuẩn bị công phu cho một bài giảng qua truyền hình. Ảnh minh họa

Đầu tư công sức, thời gian, tiền bạc cho một bài dạy online quả thật không nhỏ. Thầy cô giờ đây vừa phải học cách “diễn xuất” trước máy quay, tưởng tượng lớp học không người như đang chật kín học trò; vừa phải biết chọn góc máy đẹp, đủ âm thanh, ánh sáng ở góc nhà nhiều khi còn bề bộn. Hay như việc tìm kiếm tài liệu trên mạng có cô giáo vô tình chọn ngay clip có hình ảnh không phù hợp xuất hiện vài giây trong bài học mà không hề hay biết…

Chỉ một chuyện làm sao quay được cái bảng để viết bài lên đó cũng là vấn đề. Đặt máy quay ở xa thì thấy thầy không thấy chữ, mà để gần thì thấy chữ và cả… bụng thầy. Loay hoay đem hết các chồng sách, hộp nhựa để kê cao máy quay vẫn chưa ổn, cuối cùng quyết định sắm thêm chân đỡ điện thoại. Sau khi cái bảng đã vào được khung hình thì vấn đề làm sao để vừa chiếu bảng, vừa chiếu màn hình khi cần trao đổi với học sinh? Làm thế nào có thể viết trực tiếp lên các tài liệu trên máy tính hay sửa bài cho học sinh ra sao?

Những câu hỏi tưởng chừng quá đơn giản khi dạy trong lớp học truyền thống, nhưng đầy bỡ ngỡ trong môi trường số hóa với những người thầy chưa được trang bị các kỹ năng xử lý công nghệ.

Nhưng, cái khó kỹ thuật làm riết sẽ thành quen, cái khó khăn lớn nhất đối với với giáo viên là vận hành việc dạy online thế nào cho hiệu quả, theo sát được quá trình tương tác trực tuyến và có thể kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh?

Ngần ấy thứ này không chỉ thuộc về kỹ năng mà đó là chuyên môn mới toanh cần được hướng dẫn. Để làm điều này giáo viên không thể tự mình làm từ A tới Z, mà cần một đội ngũ chuyên môn xây dựng hệ thống phần mềm và hạ tầng kết nối dạy học trực tuyến, cho phép tổ chức lưu trữ và chuyển tải nội dung học tập tới học sinh qua Internet, đồng thời tích hợp công cụ biên soạn bài giảng dành cho giáo viên.

Phải mất bao lâu để một người thầy theo kịp 4.0, khi mà trong tay chỉ có viên phấn bảng? Đó chẳng phải là sự hỗ trợ của cấp quản lý sao? Cuối tháng 3 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ và Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã chủ trì lễ công bố cam kết đồng hành, hỗ trợ miễn phí hạ tầng dạy học trực tuyến, truyền hình trong mùa dịch COVID-19.

Dù sao đó cũng là nỗ lực đáng ghi nhận. Trong khi chờ đợi sự đồng bộ toàn ngành thì giáo viên đến giờ phải “tự bơi”. Tìm kiếm nhanh trên mạng, có thể dễ dàng tìm ra hàng loạt phần mềm dạy học trực tuyến miễn phí như: Zoom Meeting, Edubit.vn, Microsoft Teams, Skype, Hangouts meet, Workplace của Facebook, VNPT E-Learning, Kahoot và một số trang web học tập như onluyen.vn, hocmai, 789...

Học cách sử dụng một ứng dụng mới đã khó khăn với giáo viên, huống hồ phải từ mò mẫm, thử sai hết phần mềm này đến phần mềm kia. Muôn kiểu dạy chẳng ai giống ai. Vậy thì công nhận kết quả học trực tuyến một cách khách quan, đánh giá năng lực học sinh đúng chuẩn theo kiểu nào?

Việc đánh giá xếp loại học lực của học sinh vẫn thực hiện theo Thông tư 58 của Bộ GD-ĐT ban hành ngày 12/12/2011, đến nay chưa có một quy định nào đánh giá việc học online. Giáo viên dạy mà cảm thấy hoang mang, mất phương hướng.

Mong rằng học sinh sẽ sớm quay trở lại trường và việc học online vẫn sẽ mở toang cánh cửa tri thức, đem bài giảng đến gần hơn cuộc sống.

Lâm Vũ Công Chính, giáo viên Trường THPT Nguyễn Du, Q.10, TP.HCM

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(3)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI