“Học y giờ không chỉ giỏi mà còn phải giàu”
Sau hai năm dịch bệnh, từ năm học 2022-2023, nhiều trường đại học (ĐH) công lập trọng điểm trên cả nước bắt đầu tăng học phí, trong đó các trường tại TPHCM có mức tăng cao hơn so với khu vực khác. Ở khối ngành sức khỏe, Khoa Y - ĐH Quốc gia TPHCM đã công bố mức thu học phí giai đoạn 1 (2021-2023). Trong đó ngành y khoa năm 2022 là 66 triệu đồng/năm, năm 2023 là 72,6 triệu đồng/năm. Ngành dược học có học phí năm 2022 là 60,5 triệu đồng/năm, năm 2023 là 66,5 triệu đồng/năm. Ngành răng - hàm - mặt học phí năm 2022 là 96,8 triệu đồng và năm 2023 là 106,5 triệu đồng.
Trường ĐH Y Dược TPHCM cũng công bố mức học phí mới lên đến 77 triệu đồng/năm đối với ngành răng - hàm - mặt, kế đến là y khoa với 74,8 triệu đồng/năm, dược học là 55 triệu đồng/năm... Đáng chú ý, mức tăng này áp dụng cả với sinh viên đang theo học hai khóa trước là 2020 và 2021. Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng tăng học phí thêm 12 triệu đồng so với năm ngoái, cao nhất là 44,4 triệu đồng/năm đối với ngành y khoa, dược học, răng - hàm - mặt. So với mức học phí 32 triệu đồng/năm của năm 2021, năm nay, học phí của trường tăng 40%.
|
Nhiều chuyên gia cho rằng các trường đại học cần có giải pháp đa dạng nguồn thu, giảm áp lực tăng học phí (trong ảnh: Sinh viên Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM trong giờ học thực hành) - Ảnh: Trần Huy |
Dù thuộc ngành xã hội nhưng học phí Trường ĐH Luật TPHCM công bố cho năm học mới cũng ở mức cao bất ngờ. Theo đó, ngành có học phí thấp nhất là hơn 31 triệu đồng/năm, ngành cao nhất là 165 triệu đồng/năm. Những năm sau đó, học phí tăng 9-10%/năm. Ở khối ngành kinh tế, Trường ĐH Kinh tế TPHCM năm 2022 có mức học phí tăng hơn 33%, từ 22,5 triệu đồng/năm lên 30 triệu đồng/năm. Đồng thời, dự kiến sẽ tăng thêm 5%/năm.
Em Thái Lâm - học sinh Trường THCS, THPT dân tộc nội trú Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) - cho biết những năm phổ thông em đã rất cố gắng học môn sinh với mơ ước vào Trường ĐH Y Dược TPHCM. Nhưng nhìn mức học phí quá nặng, dù có đậu em cũng phải “quay xe” về Trường ĐH Y Dược Cần Thơ.
Thái Lâm nói: “Với mức học phí 77 triệu đồng/năm, chưa kể những năm sau còn tăng, thì để hoàn thành chương trình sáu năm và thêm 18 tháng thực tập, cũng mất cả nửa tỷ đồng. Rồi tiền trọ, ăn uống, sinh hoạt tại thành phố đắt đỏ nhất cả nước. Nhiều anh chị khóa trước cũng khuyên em nếu gia đình không dư dả thì nên bỏ cuộc. Bởi học y chương trình rất nặng, buổi tối phải đi thực tập, nên sinh viên ngành y không có thời gian làm thêm kiếm chi phí trang trải như các ngành khác. Ai cũng bảo ngày xưa học y phải giỏi, còn hiện nay, học y không chỉ giỏi mà còn phải giàu nữa”.
Còn Huyền Trang - học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi (tỉnh Kon Tum) - cho biết từ lâu đã rất thích Trường ĐH Kinh tế TPHCM và cũng đủ điểm đậu vào trường. Tuy nhiên, trước mức học phí quá cao em không dám đăng ký nguyện vọng mà đang cân nhắc chọn các trường khác có cùng ngành yêu thích nhưng học phí “mềm” hơn.
Nỗ lực không để sinh viên nào bị bỏ lại
Theo các trường, việc tăng học phí gần như là bắt buộc với lộ trình tự chủ của ĐH công lập. Tuy nhiên, các trường luôn cố gắng xây dựng chính sách hỗ trợ học phí, cấp học bổng cho sinh viên với phương châm “không để sinh viên nào bị bỏ lại phía sau”. Từ năm học 2020-2021, ĐH Quốc gia TPHCM đã thành lập Quỹ phát triển phối hợp với ngân hàng triển khai cho sinh viên vay ưu đãi lãi suất 0% để học tập tại các đơn vị thành viên. Quỹ đã vận động được hơn 25 tỷ đồng cho chương trình từ các doanh nghiệp.
Tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, phó giáo sư - tiến sĩ Phạm Tấn Hạ - Phó hiệu trưởng nhà trường - cho hay: Năm học 2022-2023, trường sẽ dành 8% từ nguồn học phí khuyến khích học tập theo cơ chế tự chủ để cấp cho các sinh viên có kết quả học tập, rèn luyện tốt. Các học bổng, chương trình hỗ trợ tài chính có tổng kinh phí hơn 15 tỷ đồng, với mục tiêu lớn nhất là giúp các tân sinh viên an tâm học tập, không để em nào vì khó khăn do học phí mà không thể tới trường.
Trường cần tăng nguồn thu bằng các hoạt động dịch vụ Giáo sư Nguyễn Trọng Hoài - nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TPHCM - nhận xét: Lộ trình tăng học phí năm nay rơi vào thời điểm khó khăn vì vừa mới hết dịch bệnh, các chi phí khác cũng tăng cao. Do đó, nhà trường cần tăng cường chia sẻ với sinh viên thông qua các hình thức hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí. Đi đôi với tăng học phí, nhà trường phải có trách nhiệm công khai, giải trình về vấn đề sử dụng kinh phí và đảm bảo nâng cao chất lượng giảng dạy, cơ sở vật chất. Về lâu dài, việc tự chủ ĐH cần hiểu đầy đủ là tự chủ về nhiều mặt như tổ chức, quản trị, học thuật, chứ không chỉ về tài chính. Đối với tự chủ tài chính, bên cạnh học phí, các trường cần đẩy mạnh tìm nguồn thu từ mạnh thường quân, cựu sinh viên, các hoạt động dịch vụ, chuyển giao công nghệ, hợp tác công tư... Trong bối cảnh hiện nay, nguồn thu chính của các trường vẫn là từ học phí. Tuy nhiên tương lai, nguồn thu từ các dịch vụ cung cấp khoa học công nghệ của các trường phải tăng lên để có thể bù đắp một phần trách nhiệm của trường với sinh viên. |
Tiến sĩ Trần Đình Lý - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM - chia sẻ: Trường luôn nỗ lực đa dạng hóa nguồn quỹ để hỗ trợ sinh viên trong học tập. Hằng năm, có hơn 40 loại học bổng được trao cho sinh viên nghèo vươn lên trong cuộc sống, học tập, nghiên cứu khoa học; con em thuộc đối tượng chính sách, dân tộc ít người, biên giới, hải đảo… Ngoài ra, còn có các học bổng du học nước ngoài dành cho sinh viên đáp ứng được tiêu chuẩn. Mỗi năm, có khoảng 11 tỷ đồng học bổng được trao cho gần 2.000 sinh viên.
“Không chỉ tìm nguồn hỗ trợ từ các doanh nghiệp, tập đoàn, mà trường còn có các học bổng do hội đồng hương ở các tỉnh tài trợ; học bổng doanh nghiệp cấp cho các ngành đào tạo đang thiếu nguồn nhân lực. Chẳng hạn, Tập đoàn giấy Tân Mai vừa đề nghị hợp tác với trường cấp 100 suất học bổng toàn phần cho tân sinh viên và sinh viên ngành lâm nghiệp vốn đang thiếu trầm trọng nguồn nhân lực”, tiến sĩ Trần Đình Lý thông tin. Ông nhấn mạnh không chỉ hỗ trợ học bổng, mà nguồn lực huy động từ cựu sinh viên, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân… còn để nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị của trường, tránh phụ thuộc hoàn toàn vào học phí.
Với mức học phí tăng cao, thạc sĩ Trương Văn Đạt - Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Y Dược TPHCM - cũng cho hay năm học 2022-2023, trường dành kinh phí khoảng 18 tỷ đồng trao học bổng cho tân sinh viên, trong đó có các loại học bổng toàn phần 100% học phí, 75% học phí, 50% học phí và 25% học phí.
Tín dụng sinh viên: nên giảm lãi suất, tăng thời gian vay Theo ông Bùi Văn Sổn - Phó giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội TPHCM - từ ngày 19/5/2022, mức vay vốn của sinh viên đã được nâng lên tối đa 4 triệu đồng/tháng, thay cho mức 2,5 triệu đồng/tháng như trước kia. Tuy nhiên, dù là thời điểm khó khăn sau dịch nhưng số lượng sinh viên vay vốn thời gian qua không nhiều. Trong bảy tháng đầu năm nay, chỉ có hơn 600 lượt sinh viên vay vốn, trung bình 85 lượt vay/tháng. Con số này thấp hơn năm 2021 có 115 lượt vay/tháng và năm 2020 có 145 lượt vay/tháng. Giáo sư Phạm Tất Dong - Phó chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học Việt Nam - cho rằng sinh viên chưa mặn mà với vay tín dụng bởi đây là một khoản đầu tư chưa biết có sinh lời hay không. Với nhiều ngành học phí rất cao như y, luật, kinh tế nhưng người học cũng chưa biết tốt nghiệp ra trường có kiếm được việc làm hay không, và nếu có việc thì lương cũng không cao. Như vậy, học ra trường có khi không xin được việc mà còn “ôm cục nợ”. Bên cạnh đó, chi phí học tập bình quân hiện nay của một học sinh, sinh viên rơi vào khoảng 6,5-9,5 triệu đồng/tháng. Như vậy, mức cho vay tối đa 4 triệu đồng/tháng cũng chỉ đáp ứng được một phần. Chưa kể, đối tượng cho vay khá hạn chế, thời gian vay vốn ngắn, trong vòng 12 tháng sau khi kết thúc khóa học, sinh viên phải trả nợ gốc và lãi lần đầu tiên. Hiện nay, lãi suất cho người thu nhập thấp vay mua nhà xã hội chỉ 4,8%/năm, trong khi sinh viên chưa làm ra tiền mà lãi suất lên đến 6,6%/năm thì quá cao. Ông Dong cho rằng cần hoàn thiện chính sách cho sinh viên vay bằng cách mở rộng đối tượng được vay, lãi suất thấp và thời gian lâu hơn. |
Phương Thanh