Để hình ảnh, tư tưởng Bác Hồ luôn hiện hữu trong trái tim người dân TPHCM

06/11/2024 - 05:15

PNO - Hôm nay, 6/11, Thành ủy TPHCM tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện chương trình hành động số 44-CTrHĐ/TU về xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Qua 1 năm, hình ảnh, tư tưởng, phong cách của Bác Hồ ngày càng gần gũi, lan tỏa trong đời sống cộng đồng.

10g trưa 5/11, công viên Võ Liêm Sơn (phường 4, quận 8) vẫn còn lác đác người tập thể dục. Thấy nhiều người tập trung bên tấm pa nô đặt dưới tán cây muồng, ông Triệu Minh Quý - bảo vệ công viên - cũng tới đứng xem: “Nhờ có Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, công viên sinh động hẳn lên”.

Bà Huỳnh Nga - hội viên phụ nữ người Hoa ở phường 11, quận 8 - giới thiệu Không gian văn hóa Hồ Chí Minh khi khách đến nhà chơi
Bà Huỳnh Nga - hội viên phụ nữ người Hoa ở phường 11, quận 8 - giới thiệu Không gian văn hóa Hồ Chí Minh khi khách đến nhà chơi

Giống như ông Quý, gần 1 năm nay, người dân sống quanh công viên Võ Liêm Sơn đã dần quen với những câu nói, hình ảnh về Bác Hồ bởi ở đó, có Không gian văn hóa Hồ Chí Minh với chủ đề “Bác Hồ với biển đảo”. Công trình được UBND quận 8 thực hiện từ tháng 1/2024. Vào công viên, người dân dễ dàng nhìn thấy cụm 12 pa nô với bản đồ Việt Nam, 100 hình ảnh, tư liệu về chứng cứ chứng minh chủ quyền biển đảo Việt Nam, 12 bộ pa nô có 60 hình ảnh, tư liệu về Bác Hồ với biển đảo.

Chị Nguyễn Thị Phương Linh chia sẻ, mỗi ngày vào công viên tập thể dục, đi dạo, hít thở không khí trong lành, hình ảnh biển đảo và Bác Hồ khiến chị chú ý hơn. Nhờ vậy, chị thuộc nằm lòng nhiều câu nói của Bác Hồ.
Ngoài công viên Võ Liêm Sơn, UBND quận đã triển khai xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở các trung tâm văn hóa, thể thao, nhà thiếu nhi, đài liệt sĩ. Đầu năm 2024, khi cải tạo, mở rộng và nâng cấp trụ sở bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ, UBND quận 8 đã dành khoảng không gian khá rộng để trưng bày tài liệu, hình ảnh liên quan đến Bác Hồ để người dân tiếp cận và đọc những mẩu chuyện về Bác Hồ trong thời gian chờ đợi giải quyết hồ sơ hành chính.

Theo UBND quận 8, toàn quận hiện có 272 Không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở các trụ sở cơ quan, cơ sở tôn giáo, khu nhà trọ, xưởng sản xuất, cơ sở kinh doanh, điểm sinh hoạt cộng đồng, công viên, trường học, nhà dân. Hưởng ứng chủ trương này, Hội LHPN quận 8 vừa xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở trụ sở, vừa kêu gọi cán bộ, hội viên, phụ nữ cùng hưởng ứng xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Sau hơn 1 năm, Hội LHPN quận đã xây dựng 73 Không gian văn hóa Hồ Chí Minh.

Trong ngôi nhà 22m2 có 3 thế hệ cùng sinh sống ở phường 11, quận 8, chị Saly Gia cố gắng dành phần lớn không gian của phòng khách để trưng bày hình ảnh, sách về Bác Hồ. Chị cho biết, là người yêu kính Bác Hồ, chị hưởng ứng ngay các chương trình phát động. Từ ngày nhà có không gian này, đứa cháu nhỏ của chị có rất nhiều chuyện về Bác Hồ để nói cho mọi người nghe.

Theo Thành ủy TPHCM, qua hơn 1 năm triển khai thực hiện, có 4.580 mô hình Không gian văn hóa Hồ Chí Minh đã được hình thành trên khắp thành phố, tập trung trưng bày nhiều sản phẩm sách, tranh, ảnh, hiện vật có liên quan đến thân thế, sự nghiệp, cuộc đời của Bác Hồ, các điển hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đặc biệt, các địa phương, đơn vị đã tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức về xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh bằng nhiều hình thức.

Song song đó, các cơ quan, đơn vị đã tích cực bảo tồn, trùng tu, tôn tạo và phát huy các di tích liên quan đến sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong năm qua, nhà tưởng niệm Bác Hồ (458/25 Huỳnh Tấn Phát, khu phố 2, phường Bình Thuận, quận 7) đón nhiều đoàn du lịch về nguồn của các địa phương, đoàn thể, cơ sở. Đối với di tích lịch sử Nhà số 5 đường Châu Văn Liêm, nơi người thanh niên Nguyễn Tất Thành ở trước khi ra đi tìm đường cứu nước, Sở Văn hóa và Thể thao đã phối hợp, hướng dẫn UBND quận 5 nghiên cứu xây dựng đề án mở rộng và phát huy giá trị di tích bằng việc sưu tầm, bổ sung các tư liệu, hiện vật, tài liệu thuyết minh, hướng dẫn cho khách tham quan nhằm giáo dục, tuyên truyền việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Lan tỏa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên nền tảng số

Xác định không gian mạng ngày nay trở thành không gian xã hội mới với tốc độ lan truyền thông tin nhanh, tiếp cận rộng đến từng tổ chức, cá nhân người dùng, là công cụ để thực hiện công tác tuyên truyền hiệu quả, phù hợp với xu thế thời đại, UBND TPHCM đã chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp nghiên cứu thực hiện đề án “Số hóa không gian Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TPHCM” để tích hợp, chia sẻ các dữ liệu có liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phát huy thế mạnh các trang thông tin điện tử, tận dụng các nền tảng mạng xã hội, các địa phương, cơ quan, đơn vị đã xây dựng nhiều chuyên mục về Chủ tịch Hồ Chí Minh, đăng tải nhiều video, infographic, bài viết về các gương tiêu biểu học và làm theo Bác; các bài viết về không gian văn hóa, con người TPHCM; những câu chuyện kể về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…

Những hoạt động trên đã góp phần đẩy mạnh tuyên truyền việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hiện hữu trên không gian mạng, từng bước thấm sâu vào người dân TPHCM.

Nhiều đơn vị cũng đã chủ động cập nhật kho tư liệu số trên không gian mạng nhằm đáp ứng nhu cầu, thói quen đọc, tiếp cận thông tin của người dân. Từ đầu năm 2024, hội viên phụ nữ quận 7 dù ở nhà hay ở bất cứ nơi đâu, chỉ cần kết nối internet là có thể dạo xem những bộ sách di sản Hồ Chí Minh, các tác phẩm tiêu biểu của Bác và các video về Người. Chỉ cần vài thao tác đơn giản, các dì, các chị đã có thể “ghé thăm” Bảo tàng Hồ Chí Minh, khu di tích Kim Liên bằng những hình ảnh 3D sống động.

Bà Lê Thị Hảo - Phó chủ tịch Hội LHPN quận 7 - chia sẻ, để “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên nền tảng số” thực sự lan tỏa đến đông đảo cán bộ, hội viên và nhân dân, hội đã triển khai sâu rộng đến đông đảo hội viên, phụ nữ, người dân thông qua nhiều hoạt động. Ngoài ra, hội còn chia sẻ ứng dụng trên nền tảng mạng xã hội thông qua các đội nhóm, câu lạc bộ trên Zalo, Facebook, Instagram.

Chú trọng giá trị tinh thần trong xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Cho đến nay, chính quyền và các ban ngành, đoàn thể ở các cấp quận huyện, phường xã, các trường học... đã xây dựng được khá nhiều Không gian văn hóa Hồ Chí Minh dưới dạng các phòng trưng bày, triển lãm các hình ảnh, sách vở, hiện vật… về cuộc đời, hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là cách thức vật thể hóa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, là những hoạt động thể hiện tấm lòng kính yêu vô biên đối với lãnh tụ của người dân thành phố. Song nếu vì vậy mà gây nên ấn tượng rằng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh chỉ là như thế thì e rằng chưa đủ.

Không gian văn hóa của một lãnh tụ không phải là một phép cộng các phòng trưng bày, triển lãm về cuộc đời, hoạt động của vị lãnh tụ ấy, mà phải là một không gian văn hóa thống nhất lấy các giá trị tinh thần (nói rộng hơn là phi vật thể) làm gốc; có sự đồng nhất giữa các giá trị văn hóa của lãnh tụ và giá trị văn hóa của vùng lãnh thổ.

Áp dụng vào việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TPHCM, có thể chọn ra 4 cặp giá trị phi vật thể chung nổi bật: Năng động và sáng tạo; Đi đầu và dám chấp nhận thử thách; Phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa; Khoan dung và nhân ái.

Sở Văn hóa và Thể thao thành phố nên lập dự án xây dựng một bảo tàng ảo, một thư viện ảo thống nhất với chất lượng cao nhất để mọi người có thể tiếp cận từ mọi nơi, vào mọi lúc. Tất cả các bức ảnh đen trắng và phim tài liệu đen trắng cần được phục hồi dưới dạng ảnh màu, phim màu với độ phân giải cao và chất lượng chân thực nhất. Cần tổ chức viết các loại sách, làm các loại phim và các loại hình nghệ thuật khác về Bác theo các chủ đề giá trị của Không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở TPHCM.

Giáo sư Trần Ngọc Thêm - nhà nghiên cứu văn hóa

Nhóm phóng viên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI