Để hạn chế tình trạng xâm hại trẻ em, luật pháp phải được thực thi nghiêm

06/06/2016 - 16:31

PNO - Tôi rất tâm đắc với bài viết “Trẻ bị xâm hại, chất chồng bi kịch” đăng trên báo Phụ Nữ số ra ngày 3/6/2016.

Tuy nhiên, tôi không hoàn toàn nhất trí với nhận định tất cả cán bộ điều tra “không ai thờ ơ” trước vấn nạn xâm hại trẻ em.

Có những vụ án kéo dài không khởi tố làm mệt mỏi người trong cuộc. Cụ thể như trường hợp cô bé N.V.A., 12 tuổi, ở Q.9, TP.HCM - một trường hợp XHTDTE bị phát hiện gần như là phạm tội quả tang với đầy đủ nhân chứng, vật chứng, kết quả giám định pháp y cũng như sự thừa nhận của cả phía nạn nhân lẫn nghi can vụ án. Thế nhưng phải mất bốn tháng trời, hồ sơ chuyển lòng vòng từ Q.9 (nơi cư trú của nạn nhân) qua Q.Bình Tân (nơi bắt quả tang cô bé đang bị kẻ dụ dỗ dắt bỏ nhà, trốn trong khách sạn) rồi mới về đến Công an Thành phố. Mãi đến khi chúng tôi cầu cứu báo Phụ Nữ thì vụ việc mới có kết quả bước đầu.

De han che tinh trang xam hai tre em, luat phap phai duoc thuc thi nghiem
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Trong khi đó, Bộ luật Hình sự 1999 cũ (ban hành năm 1999 sửa đổi năm 2009) và Bộ luật Hình sự mới (ban hành năm 2015, có hiệu lực ngày 1/7/2016) đã quy định khá đầy đủ về những tội danh liên quan đến lĩnh vực xâm hại trẻ em. Cụ thể như điều 112 quy định về tội hiếp dâm trẻ em, điều 114 quy định về tội cưỡng dâm trẻ em, điều 115 quy định tội giao cấu với trẻ em, điều 116 quy định về tội dâm ô đối với trẻ em… Căn cứ vào những điều luật trên, người nào XHTDTE, bất kể là nam hay nữ đều phạm vào một trong những tội danh này.

Trong bài báo, các điều tra viên đã viện dẫn nhiều lý do vô cùng chính đáng để gia hạn điều tra. Tuy nhiên, trong thực tế, không phải bao giờ gia đình các bé gái là nạn nhân trong các vụ án XHTDTE cũng tường tận lý do này. Đa phần, các điều tra viên (không hiểu vì lý do gì) thường im lặng, né tránh, không giải thích cho người đại diện theo pháp luật của các nạn nhân được hiểu rõ vấn đề. Thậm chí, đã từng có vụ việc chỉ vì không có tiền mà gia đình một bé gái không thể đưa con đi giám định pháp y.

Trong khi pháp luật quy định rõ số tiền này là do bên trưng cầu giám định pháp y - ở đây là cơ quan cảnh sát điều tra nơi ra quyết định trưng cầu - phải trả. Sau hơn ba tháng, bé gái ấy đã được đưa đi trưng cầu. Chắc chắn kết quả giám định đã có, nhưng tôi cũng chắc chắn rằng kết quả ấy cũng chỉ để tham khảo cho vui, bởi ai cũng biết tinh trùng sẽ mất sau 72 giờ , còn tầng sinh môn của một đứa trẻ thì rất mau lành.

Vì không tuân thủ luật một cách triệt để và quyết liệt, nên nhiều vụ án XHTDTE bị kéo dài không cần thiết và gây mỏi mệt cho các bên đương sự. Đó cũng chính là một trong những nguyên nhân vì sao gia đình nạn nhân cứ chần chừ, không đưa vụ việc ra pháp luật sớm hơn. Trong quá trình tư vấn, chúng tôi ghi nhận không ít gia đình lao động nghèo sau khi phát hiện chuyện đau lòng này, mang con gái đi thương lượng cốt chỉ để lấy một khoản tiền nhỏ để “giải quyết cái thai” (nếu có), còn không thì dùng tiền đó để trả tiền phòng trọ, đủ để chuyển cả nhà đi môi trường khác sinh sống, làm lại cuộc đời và giúp con quên chuyện cũ. Người dân nghèo nghĩ rằng làm như vậy hơn là “đáo tụng đình”, bởi “đáo tụng đình” sẽ làm khổ cả đời mẹ lẫn đời con, khi kẻ thủ ác đi tù thì chẳng ai bồi thường thiệt hại cho họ - một thực tế vẫn xảy ra nhan nhản trong cuộc sống.

Thiết nghĩ, để việc thực thi pháp luật thật nghiêm thì ngay từ khâu điều tra phải tiến hành chặt chẽ và tuân thủ đúng thời gian. Trong quá trình đó, điều tra viên phải cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác với gia đình bị hại (đa phần là người lao động nghèo, ít học) để họ an tâm và biết cách bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của bản thân và con cái. Có như vậy, khi xảy ra chuyện, dân mới tin và mạnh dạn cầu cứu công an, gõ cửa chính quyền và thiết thực hơn trong bảo vệ trẻ em khi tình trạng XHTD xảy ra ngày càng tăng như hiện nay.

LS Mai Lâm Phương (Công ty luật An Phú An Khánh)

Diễn đàn "Làm thế nào để bảo vệ trẻ thơ?"

Sau bài viết “Trẻ bị xâm hại, chất chồng bi kịch” (báo Phụ Nữ ngày 3/6/2016), nhiều bạn đọc đã gửi thư phản hồi và cùng trăn trở phải làm sao bảo vệ trẻ trước vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em (XHTDTE) gia tăng. Từ số báo này, báo Phụ Nữ mở diễn đàn “Làm thế nào để bảo vệ trẻ thơ?” để bạn đọc cùng đóng góp ý kiến, chung tay hành động vì trẻ em.

Bài tham gia diễn đàn vui lòng gửi về địa chỉ: bandocphunu@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI