Để giữ niềm tin

03/03/2015 - 05:53

PNO - PN - Tháng Giêng, cả nước nơi nơi đều là lễ hội. Người ta đi hội cầu may, cầu an, cầu lộc, cầu duyên, cầu xin cả chức tước, tiền tài, danh vọng...

edf40wrjww2tblPage:Content

Nhân gian trăm ngàn điều mong ước, không ai giống ai, nên khách thập phương kéo đến cửa chùa, sân đình... đông như thế cũng đồng nghĩa với những ước vọng của con người dồn tụ về một nơi, một chỗ, xung đột là điều tất yếu. Đã có những lễ hội hỗn loạn bởi tranh giành, xô xát, cướp lộc cầu may, sân đình cửa chùa nơi diễn ra lễ hội nổi sóng tựa bể trầm luân, không thể kiểm soát.

De giu niem tin
Lễ hội chém lợn đang bị dư luận phản ứng gay gắt

Người đi hội về kể chuyện, ví như Bắc Ninh năm nay có mấy lễ hội không biết, nhưng ở Hội Lim, tiếng hát quan họ vẫn ngân lên qua micro, qua loa ồn ã, phản cảm hơn nữa là hình ảnh các liền anh liền chị trên thuyền ngửa tráp nhận tiền, các liền anh liền chị khác thì ngửa nón, ngả đĩa nhận tiền thưởng của khách. Quan họ có hát giao duyên, có “ngồi tựa mạn thuyền”, có “xe chỉ luồn kim” hay “giã bạn” cũng phải liếc mắt trông chừng những đồng tiền thưởng của khách thập phương, nghe vừa khôi hài vừa chua xót.

Cũng ở Bắc Ninh, lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng nhắc nhớ tục lệ ngày xưa thành hoàng làng từng chém lợn khao quân. Nhưng nay thì giữa sân lễ, khi con lợn bị chém, máu me bê bết, hàng người đông đặc đã ùa vào chen lấn quyết liệt để quệt lấy chút máu lợn cho dính vào đồng tiền trên tay mình, tin rằng cả năm tài lộc đến!

Chất vụ lợi trong lễ hội đã lấn át đi những biểu tượng tín ngưỡng truyền thống, khiến lễ hội bị biến tướng thành cuộc tranh thủ cầu khấn, tranh thủ hối lộ và cả tranh thủ cướp giật. Cái lợi ở đây không chỉ là phù du hư ảo trong ngưỡng vọng mong muốn của con người, mà đã định hình thành những con số rất cụ thể.

Lớn, đó là con số từ lễ hội khai ấn Đền Trần: năm 2013, lễ hội này mang lại cho địa phương gần 14 tỷ đồng. Nhỏ, năm nay, là con số giá tiền cho thuê thang gỗ trèo tường vào chùa Bái Đính để đi lễ: nếu trèo một lượt, giá 2.000đ/người, nếu trèo “khứ hồi”, giá 5.000đ/người.

Ai cũng thấy việc trèo tường là khôi hài, là bất hợp pháp, là chẳng phải tâm thế đi chùa cúng Phật cầu an. Nhưng ai cũng mừng rỡ, may mắn khi cái thang gỗ tạm bợ kia xuất hiện. Vì người ta đã đợi chờ mòn mỏi mà không có xe, cũng không có lối đi bộ để vào chùa. Thôi thì trèo tường, vượt rào, đường ngang ngõ tắt mà đến được chân Phật, để còn thời gian mà cầu khấn, chứ đứng mãi ngoài cổng chùa, phúc lộc thiên hạ người ta giành hết cả, thì biết có còn chút gì mà vét nữa không...

Các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý đã lên tiếng về việc một trong những nguyên nhân của tình trạng biến tướng lễ hội là vì tính hám lợi của một bộ phận người dân, vì một xã hội phân hóa giàu nghèo ngày càng rõ rệt. Song để đi đến cùng, phải nói đến nguyên nhân là sự giàu lên một cách không mấy chính đáng, minh bạch.

Người ta đã và đang chứng kiến những người giàu lên một cách phi lý, chứng kiến chuyện có được quyền chức, danh vọng một cách mờ ám, chứng kiến chuyện có thể mua quan bán chức, có thể hối lộ, có thể bắc chiếc cầu bằng tiền đi qua mọi cửa, chỉ cần dán tiền vào đâu đó là mọi việc trôi chảy êm đẹp thông suốt... Vậy nên người ta mới dán tiền vào tượng Phật, mới quệt tiền vào máu lợn (để “dây máu ăn phần”?!), mới tin tưởng, cầu xin một cách phi lý và mù quáng đến thế.

Bản thân lễ hội và những người tổ chức lễ hội cũng không hoàn toàn vô can trong chuyện này. Mặt bản chất của lễ hội đang bị coi nhẹ, trong khi mặt hình thức, bề nổi, theo kiểu “sân khấu hóa” cùng với những cung cách thổi phồng tính quyền lực của lễ hội, cường điệu hóa quyền năng của lễ hội và nhân vật... lại đang được chú trọng.

Mặt văn hóa của lễ hội chưa được đầu tư. Những quy định về cách hành xử, về những nghi thức thanh tẩy tâm thế con người trước khi đến với lễ hội cũng chưa được chú ý mấy. Tâm thế đi hội và đi lễ không phân biệt rõ ràng, đến lúc nào đó, mọi chuyện linh thiêng nơi cửa đền, cửa chùa cũng nhuốm màu hội hè, trở nên dễ dãi và dung tục. Làm sao giải thích được chuyện đến đền xin lộc thánh thần, mà cả gan trèo lên cả đỉnh đồng, đu cả lên xà nhà, dẫm đạp lên đầu lên vai đồng loại để tranh cướp?

Không thể phủ nhận sức ảnh hưởng của truyền thông, vậy nên, có thể hy vọng vào truyền thông để duy trì một lòng tin thanh sạch và bền vững vào lễ hội? Việc giới truyền thông lên tiếng quyết liệt về những biến tướng của lễ hội là một nét mới. Không ít người trước khi đi hội đã mở mạng xem thông tin, chọn cách mình đi cho an toàn, hợp lý.

Niềm tin vào những thế lực siêu nhiên vốn là một niềm tin rất khó lý giải, nhưng nền tảng thông tin của thế giới phẳng hôm nay cũng là một sức mạnh có thể điều chỉnh hành vi và nhận thức của con người. Khi thoát khỏi những ảo tưởng dị đoan tăm tối và mù quáng, con người ta sẽ bình tĩnh hơn, hiền minh hơn trong cách hành xử với thánh thần và cư xử với nhau - chỉ có cách cung cấp đầy đủ thông tin, bền bỉ giáo dục con người, thì mới có thể gìn giữ được một truyền thống đẹp đẽ của dân tộc, gìn giữ được nguồn sức mạnh tâm linh ấy.

 LẬP PHƯƠNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI