Để giữ lại người tài

02/11/2022 - 06:12

PNO - Hai lý do hàng đầu khiến cán bộ, công chức xin nghỉ việc là chế độ đãi ngộ, thu nhập chưa tương xứng trong khi áp lực công việc ngày càng tăng.

Trong kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV (diễn ra từ ngày 20/10 - 18/11), khi nói về tinh giản biên chế, bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội - nhận định, có “giản” nhưng chưa “tinh”. Theo bà, trong khu vực công, vẫn còn một bộ phận “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” trong khi những người làm được việc phải chịu áp lực làm việc cao, khó phát huy năng lực, thiếu cơ hội thăng tiến.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa: Trong khu vực công, vẫn còn một bộ phận “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” trong khi những người làm được việc  phải chịu áp lực làm việc cao, khó phát huy năng lực, thiếu cơ hội thăng tiến
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa: "Trong khu vực công, vẫn còn một bộ phận “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” trong khi những người làm được việc phải chịu áp lực làm việc cao, khó phát huy năng lực, thiếu cơ hội thăng tiến"

Trong bối cảnh cả nước lần đầu vượt chỉ tiêu tinh giản biên chế sau gần hai thập niên, TPHCM được xem là địa phương “đi ngược xu hướng” vì dôi dư hơn 5.700 biên chế. Song, theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đây không phải cán bộ dôi dư, mà là số biên chế thực tế, cần thiết nhưng chưa có sự phê duyệt chính thức của Trung ương. Trên thực tế, với khối lượng công việc ngày một tăng, công chức, viên chức, cán bộ không chuyên trách và người lao động làm việc tại TPHCM chịu rất nhiều áp lực.

Từ ngày 1/1/2020 - 30/6/2022, TPHCM có 6.177 cán bộ, công chức, viên chức thôi việc theo nguyện vọng, tức trung bình mỗi tháng, có hơn 200 người xin nghỉ. Trước thực trạng đáng lo ngại này, trong tháng 9/2022, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM đã tổ chức khảo sát nhanh qua mạng để tìm hiểu những khó khăn, thuận lợi liên quan đến môi trường làm việc, tiền lương, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, công chức, viên chức nhằm đề ra giải pháp phù hợp.

Cuộc khảo sát trên thu hút hơn 50.500 lượt ý kiến. Theo ghi nhận ban đầu, hai lý do hàng đầu (chiếm hơn 80%) khiến cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ việc là chế độ đãi ngộ, thu nhập chưa tương xứng trong khi giá cả hàng hóa, dịch vụ và áp lực công việc ngày càng tăng. 

Xếp liền sau hai nguyên nhân thu nhập và áp lực công việc là khu vực tư nhân hấp dẫn hơn, chế độ và thu nhập tốt hơn; cơ chế phát huy, sử dụng nhân tài trong khu vực công phụ thuộc nhiều vào người đứng đầu cơ quan; môi trường làm việc không phù hợp, không cơ hội thăng tiến, không có điều kiện để phát huy hết năng lực, chuyên môn.

Theo phó giáo sư, tiến sĩ Đinh Phương Duy - nguyên Phó Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM - nhiều người làm trong cơ quan nhà nước mong muốn thăng tiến theo nghĩa có điều kiện để nâng cao năng lực, tay nghề nhằm khẳng định được giá trị cá nhân. Trong khi đó, khu vực công chưa biết cách làm cho nhân sự của mình phát triển các giá trị cá nhân…

Về tinh giản biên chế, đây là chủ trương đúng đắn, nhưng dường như đang được hiểu và thực thi theo nghĩa cắt giảm số lượng theo chỉ tiêu. Nếu chỉ “cắt” theo kiểu này, nhiều người tài có thể đã bị gạt ra ngoài khu vực nhà nước và người kém tài, kém đức vẫn tồn tại trong cơ quan nhà nước. Điều này đi chệch mục tiêu thực sự của tinh giản biên chế, đó là giảm sự cồng kềnh, giảm chi ngân sách, tăng chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Khi tham gia cuộc khảo sát của Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, nhiều cán bộ, công chức, viên chức đề nghị nên quản lý hiệu quả công việc thay vì quản lý về mặt thời gian; tăng cường các hoạt động nhằm tạo môi trường làm việc thân thiện, vui vẻ, kích thích sự sáng tạo; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để giảm áp lực cho người thực thi nhiệm vụ; tiết giảm chế độ báo cáo để tập trung hơn vào chuyên môn, nghiệp vụ. 

Tinh giản biên chế là làm cho bộ máy gọn nhẹ, hiệu quả, tức là giảm người dở, giữ người giỏi. Khi đó, ngân sách nhà nước sẽ đỡ đi một khoản chi lương hằng tháng cực lớn để trả cho những người “ngồi chơi xơi nước”.  

Trong khi chờ sự thay đổi đột phá về chính sách tiền lương cho cán bộ công chức, viên chức, việc tinh giản biên chế cần được thực hiện hợp lý, khoa học hơn để những người có đức có tài không phải bị loại ra chỉ vì “dôi dư” theo cách tính cơ học, đổ đồng.

Quốc Ngọc 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI