edf40wrjww2tblPage:Content
Tại các nước châu Á, có rất nhiều tổ chức từ thiện tặng miễn phí hoặc bán suất ăn giá thấp, nhưng chỉ có ở Việt Nam, việc bán cơm giá rẻ lại được tổ chức bài bản, giám sát tài chính chặt chẽ với dấu ấn “Ernst & Young” trong công tác quản trị kế toán.
Đã có hơn 800.000 suất cơm giá rẻ được bán ra, mỗi ngày hệ thống năm quán cơm 2.000 đồng Nụ Cười thuộc Quỹ TTTT cung cấp từ 2.000 - 3.000 suất ăn như một nhà hàng quy mô lớn.
Ông Fabrice Mauriès, Tổng lãnh sự Cộng hòa Pháp tại TP Hồ Chí Minh tìm hiểu quán cơm 2.000
Tấm lòng người Sài Gòn
Bộ máy điều hành hệ thống giám sát và quản trị Quỹ TTTT đều là những người trẻ thế hệ 8x và 9x. Họ lãnh lương nơi khác rồi làm việc không công nơi đây. Tôi nhiều lần hỏi họ: “Làm từ thiện để làm gì?”. Chỉ nghe câu trả lời cứ tưởng như… đùa: “Để… gió cuốn đi”.
Vâng, những người trẻ sinh ra và lớn lên ở đất Sài Gòn, những người trẻ nhập cư mưu sinh ở đất Sài Gòn dù là không lâu, cũng đều thấm cái tính cách trượng nghĩa, hào phóng, cái tình mộc mạc ưa giúp đỡ, cưu mang người khác của người dân nơi đây. “Kiến nghĩa bất vi vô dõng giả” là tinh thần, tính cách của những người mở mang bờ cõi trên vùng đất mới từ vài trăm năm trước.
Chỉ có ở Sài Gòn mới có chuyện người dân khoác áo ấm lên người kẻ trộm mới bị bắt vì đào tẩu không thoát, có chuyện trà đá miễn phí cho người cơ nhỡ dọc đường…
Nhiều lần đến Quán cơm Nụ Cười, tôi đã gặp những hình ảnh khó quên: bạn Thái, sinh viên, mỗi ngày lặng lẽ đến quán từ sớm, chỉ "xin" làm công việc lau chùi bàn ghế thật sạch sẽ để những người nghèo khi đến quán sẽ cảm nhận mình được đón tiếp như thượng khách. Bạn ấy lau từng chiếc bàn, chiếc ghế thật chậm, thật kỹ lưỡng như để hết thương yêu vào đó. Không có lương, không thù lao, cũng không mệnh lệnh nào sai khiến bạn ấy…
Một cô bé tật nguyền bán vé số đều đặn mỗi tuần ba lần đến quán xin đóng góp 10.000 đồng. Chỉ 10.000 đồng thôi mà sao lấp lánh những xúc động dịu ngọt như dòng nước mát giữa sa mạc cằn khô những nghi ngờ, ích kỷ.
Các điều phối viên làm công việc thu ngân rất vất vả với những nhà hảo tâm “gió thoảng”. Rất nhiều, có khi là chú công nhân với bao gạo chở trên chiếc xe máy cũ, xẹt ngang quán, đặt xuống, rồi bỏ đi, không cần phiếu thu, không cần tên tuổi. Có khi chị tiểu thương với 10 chai nước mắm, xua tay: “Khỏi cần giấy tờ gì hết”…
“Cực lạc” là… tuy cực mà vui
Có rất nhiều điều thuộc về tấm lòng mà ta không thể đo đếm, không thấy được bằng mắt. Học tập những quán cơm 2.000 đồng trước đó như quán cơm Ngô Quyền, quán cơm Lữ Gia, anh Lê Văn Chính Chủ tịch Quỹ TTTT rút ra quy tắc: “Làm từ thiện là việc làm ít cần sáng tạo nhất. Chỉ cần cúi đầu học hỏi, thấy ai làm hay thì xin phép bắt chước mà làm, miễn là làm bằng sự rung cảm chân thành”.
Tuy nhiên, anh bổ sung: “Chỉ xin điều chỉnh chút xíu: Thiết lập hành lang pháp lý cho các quán cơm từ thiện, xây dựng bộ máy quản trị tài chính, giám sát và kiểm toán cùng hệ thống công nghệ thông tin để công khai tài chính nhanh chóng, minh bạch”. Đó là lý do bán cơm 2.000 đồng mà anh và các cộng sự cho ra đời một tổ chức xã hội có giấy phép của UBND thành phố.
Những nhà báo tâm huyết: Nam Đồng, Phan Thị Châu, Trần Trọng Thức… cùng đứng ra gánh các trách nhiệm chủ nhiệm quán, Quỹ TTTT trở thành nơi quản trị chuỗi quán cơm từ thiện theo kiểu nhượng quyền quản trị và thương hiệu. Các quán Nụ Cười hạch toán độc lập, vận động quyên góp trong cộng đồng, từ đó 5 quán cơm Nụ Cười ra đời. Họ miệt mài điều hành vất vả nhưng không một đồng lương, không chút thù lao. Họ định nghĩa “cực lạc” là tuy cực thiệt nhưng rất vui.
Suất cơm đỡ lòng người cơ nhỡ
Lan tỏa
“Chúng tôi không chỉ bán suất ăn 2.000 đồng, chúng tôi đang bán hương vị của lòng tốt”. Đó là chủ trương của Quỹ TTTT và các quán cơm 2.000 đồng. Giả như có người lợi dụng (làm sao tránh khỏi) làm nghề cho vay nặng lãi, vàng đeo đỏ tay vào quán ăn cơm, họ cũng sẽ được tiếp đón với niềm tin rằng từ đó, họ hiểu lòng tốt trên đời là có thật, và mong rằng, sau này, dần dà họ sẽ bớt làm điều ác.
Tôi cắc cớ hỏi: “Nếu có người lợi dụng việc làm từ thiện để đánh bóng tên tuổi, thí dụ cô chân dài đến xin bưng cơm, chụp hình thì sao?”. Anh Chính mỉm cười: “Trong sâu xa, có thể một phần ngàn thôi, cô chân dài đó vẫn có chút ít hạt giống thương yêu. Nó chưa nảy mầm, chưa lan tỏa nhưng có vẫn còn hơn không, và tin rằng, mai này lòng tốt sẽ vươn lên, điều tốt sẽ lan tỏa”.
Để kết thúc bài viết, chúng tôi xin trích dẫn từ facebook của Quỹ TTTT về cái nhìn với đồng tiền bá tánh đóng góp: “…Tiền thiêng liêng mà chúng tôi đang giữ không phải từ nghĩa vụ đóng góp mà từ trái tim nhân ái, từ tấm lòng thơm thảo của nhà hảo tâm. 8.000 đồng của ông bà cụ bán vé số, 20.000 đồng từ anh chạy xe ôm, hoặc chỉ 2.000 đồng từ một cháu học sinh lượm ve chai... Nhận tiền đóng góp tuy ít nhưng cảm động như vậy, chúng tôi nỡ nào vung tay xài tiền bừa bãi được. Chúng tôi thường nói với nhau, cũng như với người cầm tiền đi chợ hàng ngày cho quán cơm rằng tiền này có linh hồn đấy - nó rất thiêng liêng!”.
Tôi nghĩ, đồng tiền đó thiêng liêng vì ngoài giá trị vốn có, nó còn có một tấm lòng. Sực nhớ ca từ Trịnh Công Sơn: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”, “Gió cuốn đi…”, vẫn tin gió sẽ cuốn đi những tấm lòng thơm thảo ấy đến nhiều nơi chốn khác nữa. Những hạt mầm nhân ái đã lan tỏa từng ngày, tôi tin các anh chị chung tay thực hiện chuỗi quán cơm 2.000 đồng Nụ Cười đã tin và đã hành động như thế…
HUYỀN SƯƠNG