Giảm áp lực học hành, cần hành động ngay - Bài cuối:

Để giảm tải phải thay đổi cách dạy, cách thi

16/05/2024 - 06:18

PNO - Làm sao để học sinh vượt qua được áp lực học tập trong bối cảnh hiện nay? Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng cần thay đổi mục tiêu giáo dục, cách dạy và nhất là thay đổi thi cử một cách mạnh mẽ.


Giáo sư Phạm Tất Dong - Trưởng tiểu ban Giáo dục thường xuyên và Học tập
suốt đời, Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực:
Cần đổi mới thi cử mạnh mẽ hơn nữa
Hiện nay có nhiều trường học dạy học sinh theo hướng nhồi nhét kiến thức. Cách dạy này phải được điều chỉnh từ nhiều năm trước nhưng do quá trình đổi mới của giáo dục vẫn chậm nên chương trình vẫn nặng lý thuyết, xa thực tế, thi cử nặng nề tạo áp lực học tập lên học sinh. Chương trình mới được xây dựng theo hướng chuyển từ tiếp cận nội dung sang phát triển năng lực người học. Tuy nhiên đến nay, chương trình còn tạo thêm nhiều áp lực mới cho học sinh với nhiều điều đáng bàn.

Ngành giáo dục cần phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, trong đó cần đổi mới thi cử. Thi cử là phương tiện đánh giá thực trạng học của học sinh chứ không quyết định chất lượng học. Thi cử không phải là giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học mà chỉ làm tâm lý học sinh thêm nặng nề, dẫn tới những tiêu cực trong xã hội. Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo yêu cầu phải đổi mới thi cử theo hướng đánh giá năng lực của người học. Nhưng thực tế hiện nay, các kỳ tuyển sinh đầu cấp vẫn nặng về đánh giá kiến thức.

Về phía gia đình, cha mẹ không nên ép con học, tạo nên tâm lý quá tải cho đứa trẻ. Nhưng cũng không phải là cha mẹ không kèm cặp con, để con học tùy ý. Học là quá trình từ không tự giác đến tự giác. Cha mẹ nên dạy con có ý thức học như một nghĩa vụ lao động. Khi con hình thành tính tự giác học thì cha mẹ sẽ giảm bớt được việc quản lý con; dần dần con tự học là chính. Ở trường, thầy cô cũng cần quan tâm hơn tới các em, giúp các em biết cách học và tự học. Đây là yếu tố cần trong cuộc sống hiện đại. Khi đó, các em sẽ học một cách thoải mái dưới sự hỗ trợ của công nghệ.

Phó giáo sư Chu Cẩm Thơ - Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, đánh giá kết quả giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam:

Nên tập trung đánh giá về quá trình học tập

Hầu hết giáo viên đang phải dạy để đáp ứng kỳ thi tập trung, trong đó “nỗi khổ” dễ thấy nhất là tâm lý sợ kết quả không tốt. Vì thế chính giáo viên cũng cảm thấy rất áp lực. Các em học sinh thì luôn thấy ám ảnh khi phải học để thi. Chúng ta cần tập trung đánh giá quá trình học tập thay vì đánh giá kết quả đầu ra dựa trên các kỳ thi. Hiện nay, nhiều nơi vẫn đang tổ chức kiểm tra định kỳ như những kỳ thi, càng khiến học sinh phải chịu áp lực học tập.

Giáo viên cần quan sát, thu thập thông tin về việc học, thái độ học cũng như hành vi, sản phẩm học tập của học sinh để kịp thời điều chỉnh yêu cầu học tập, thay đổi cách dạy. Quá trình này đòi hỏi thực hiện thường xuyên, bám sát vào việc học nên sẽ đi liền với việc cải thiện nội dung và cách dạy, cách học. Đó cũng chính là tinh thần đổi mới kiểm tra, đánh giá từ nhiều năm nay.

Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT:

Cần có sự thay đổi từ hiệu trưởng

Tình trạng chạy theo điểm số, thành tích đã tạo nên những áp lực khiến chất lượng giáo dục vẫn chưa được nâng cao. Trường học vẫn chưa phải là nơi mà học sinh, giáo viên cảm thấy hạnh phúc. Nguyên nhân này phần lớn đến từ lãnh đạo nhà trường. Có những trường vì thành tích mà luôn cố gắng tập trung luyện học sinh giỏi, tạo mọi điều kiện để các em có thời gian tập trung học môn thi nhằm đạt kết quả cao, “xem nhẹ” các môn học khác. Nhà trường tìm mọi cách để giữ vững danh hiệu, tạo áp lực học tập, giảng dạy rất lớn đối với học sinh, giáo viên.

Để tháo gỡ rào cản, áp lực tâm lý cho cả học sinh và giáo viên cần có sự thay đổi từ các cấp lãnh đạo nhà trường, cơ quan quản lý. Không nên đưa ra các tiêu chí thi đua thiếu hợp lý như các chỉ tiêu quá cao về số lượng học sinh xuất sắc, học sinh giỏi trong từng lớp, từng khối, từng trường. Đó chỉ là những con số vô hồn, không phản ánh đúng thực chất. Các tiêu chí thi đua cũng cần dựa vào đặc thù của từng bộ môn, từng lớp, từng trường, từng vùng miền và mang tính khuyến khích, động viên đúng tinh thần thi đua chứ không phải chạy đua.

Xã hội nào cũng cần nhân tài, nhưng không phải ai cũng có thể trở thành nhân tài. Cho nên cha mẹ đừng áp lực con phải thành nhân tài, nhà trường đừng đòi hỏi học sinh của mình phải trở thành nhân tài mà cần xác định cũng như để các em hiểu học tập và rèn luyện để trở thành công dân tốt. Nếu các em có tố chất, thì đó cũng chính là tiền đề để phấn đấu, rèn luyện thành nhân tài.


Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa - nhà sáng lập hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội):

Mục tiêu giáo dục cần thay đổi, không phải vì điểm số

Trước đây, tôi và trường Nguyễn Bỉnh Khiêm đã áp dụng những biện pháp, quy chế ngặt nghèo. Giai đoạn đó, nhiều thầy cô đã phải bỏ nghề vì không chịu được áp lực. Dần dần tôi nhận ra, càng đặt nhiều quy định, càng khó quản lý học sinh, càng khiến các em tìm cách phá vỡ quy định. Chúng tôi đã thuyết phục thầy cô không áp dụng kỷ luật hà khắc khi các em phạm lỗi hay bị điểm kém mà chỉ áp dụng một “hình thức” duy nhất là yêu thương học trò, kiên nhẫn giúp các em tiến bộ.

Mục tiêu của giáo dục cần thay đổi, không phải vì điểm số và thành tích mà vì sự tiến bộ và phát triển của học sinh. Nhà trường, thầy cô - nếu đặt nặng thành tích, chạy theo điểm số sẽ khiến học sinh mất đi sự độc lập, tự tin; đồng thời không thể đào tạo các em thành những con người sáng tạo. Cũng không nên dùng điểm số để nhìn rồi phân loại học sinh. Bởi học tập chỉ là một trong số các năng lực của con người nên không có học sinh nào yếu kém.

Nhiệm vụ và sứ mệnh của nhà giáo là phát lộ, phát huy năng lực của học sinh để trở thành điểm sáng. Thầy cô nên trở thành người truyền cảm hứng - dạy làm sao để học sinh thấy hứng thú, thích đi học, muốn khám phá. Có như vậy, việc học tập mới không là nỗi khiếp sợ, là áp lực nặng nề đối với học sinh. Khi các em thấy vui mỗi khi đến trường, các em sẽ thích học, chịu khó học và dần tiến bộ.

Kinh nghiệm giảm tải từ một hiệu trưởng

Ông Đào Chí Mạnh - Hiệu trưởng Trường tiểu học Hội Hợp B, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc (1 trong 20 cá nhân toàn cầu được trao giải thưởng Gusi Hòa Bình năm 2023 tại Philippines) - kể: “Trước năm 2016, tôi là người thầy của nền giáo dục nặng truyền thụ kiến thức. Bên cạnh việc là giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi, tôi còn có 10 năm đảm nhiệm đội tuyển toán tuổi thơ Vĩnh Phúc. Không thể phủ nhận việc dạy học theo hướng tập trung luyện kiến thức cho học sinh cũng là một cách giúp các em tôi luyện ý chí. Tuy nhiên sau nhiều năm, tôi nhận ra điều đó chỉ giúp ích cho một số em có năng khiếu, trong khi rất nhiều học sinh khác cũng cần có cơ hội để phát triển.

Khi đang là Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Ngọc (TP Vĩnh Yên), tôi còn nhận ra, nếu tôi cau có, căng thẳng (vì nhiều lý do, trong đó có thành tích) thì giáo viên cũng sẽ bị áp lực căng thẳng. Đó chính là nguồn cơn truyền áp lực đến học sinh theo cấp số nhân, khiến sự sáng tạo của các em bị giết chết. Do đó, tôi bắt đầu giảm bớt các công việc hành chính để lắng nghe giáo viên, học sinh, phụ huynh. Sự chia sẻ dù nhỏ ấy lại chính là động lực lớn lao để các thầy cô làm việc sáng tạo, hiệu quả.

Sau đó, tôi cùng các thầy cô trao đổi và định hướng cho ngôi trường mới thành lập của chúng tôi với rất nhiều hoạt động để học sinh rèn luyện năng lực, phẩm chất. Thay vì phải làm bài tập về nhà, học sinh được khuyến khích chơi thể thao, dành trọn vẹn buổi tối bên gia đình. Thay vì “đọc, chép”, chúng tôi tạo không gian học thoải mái để kích thích sự sáng tạo của các em; những bài tập đưa ra cũng thú vị, gần gũi. Qua đó, chính tôi và các thầy cô cũng giảm bớt áp lực từ việc dạy học.

8 năm qua, tôi cùng các thầy cô, các em học sinh ở Trường tiểu học Kim Ngọc, Trường tiểu học Hội Hợp B đã thực hành trường học hạnh phúc và nhận thấy điều đó đã và đang giúp chúng tôi đến gần hơn với mục tiêu của giáo dục - không chỉ cung cấp kiến thức mà còn phát triển năng lực, kiến tạo văn hóa và bồi dưỡng tâm hồn cho các em”.

Minh Tuệ (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI