Để giá trị văn hóa của Bác ngày càng lan tỏa

15/06/2022 - 06:03

PNO - Không gian văn hóa Hồ Chí Minh đang được triển khai tại các cơ sở Hội Phụ nữ. Mục đích hoạt động trên không gì khác hơn là làm cho những giá trị tinh thần của Bác thường xuyên hiện hữu trong cuộc sống.

Những mảnh ghép 
Đến Hội LHPN Q.Gò Vấp (TP.HCM)trong những ngày này, mọi người sẽ phải đi qua một khoảng sân rộng với màu xanh của cây và hoa được sắp xếp đẹp mắt trên những chiếc kệ. Ai yêu cây và có nhu cầu trồng cây có thể lấy một chậu cây, hoặc một nhánh non được giâm sẵn mang về. Ngược lại, ai có sẵn cây, muốn chia sẻ với mọi người, thì có thể mang đến đây. Các chị ở Hội Phụ nữ Q.Gò Vấp gọi những kệ cây xanh này là “Kệ xanh yêu thương”.

Một góc nhỏ trong “thư viện mở” tại Hội LHPN Q.Gò Vấp góp phần giúp mọi người hiểu thêm về Bác Hồ
Một góc nhỏ trong “thư viện mở” tại Hội LHPN Q.Gò Vấp góp phần giúp mọi người hiểu thêm về Bác Hồ

Qua khỏi khoảng sân, một không gian triển lãm như một thư viện mở xuất hiện với các loại sách, báo, các tác phẩm văn học nghệ thuật, những công trình nghiên cứu, hình ảnh về Bác được trưng bày một cách trân trọng. Bà Nguyễn Thị Lan - Chủ tịch Hội LHPN Q.Gò Vấp - chia sẻ: “Chúng tôi muốn xây dựng một không gian gợi nhớ về Bác Hồ, qua đó muốn duy trì và phát huy văn hóa đọc đối với mọi người khi đến Nhà văn hóa Phụ nữ Q.Gò Vấp tập luyện thể dục thể thao, học nghề, tìm sự hỗ trợ về pháp lý, vay vốn… Chúng tôi bố trí nhiều chỗ ngồi để mọi người có thể tự nhiên đọc sách trong lúc chờ đợi hoặc nghỉ ngơi giữa quãng”. 

Cũng theo bà Lan, gần một tháng qua, không gian “thư viện mở” mỗi ngày đều đón đông đảo chị em tìm hiểu và đọc sách. Không gian được trưng bày xen vào với những cây và hoa nên còn được gọi là “Thư viện xanh” và trở thành một góc chụp hình “sống ảo” đối với nhiều bạn trẻ.

“Chỉ cần người ta chịu ghé vô thư viện ngồi, theo thời gian, tôi tin, không gian ấy sẽ trở thành quen thuộc với đông đảo chị em. Từ đó, những tư tưởng và những bài học giản dị của Bác sẽ lan tỏa” - bà Lan nói. Cũng với niềm tin đó, ngoài các quyển sách, bài báo về Bác Hồ, Hội Phụ nữ Q.Gò Vấp còn tìm kiếm những quyển sách hay về thường thức gia đình mang đến phục vụ bạn đọc. Để cho không gian này sống động, hấp dẫn, Hội Phụ nữ Q.Gò Vấp dự định sẽ tổ chức nói chuyện, giao lưu mỗi quý một lần giữa những người am hiểu về tác phẩm với các đọc giả. “Tất cả hoạt động học tập, vui chơi, giải trí của hội viên, phụ nữ, chúng tôi sẽ cố gắng kết nối với không gian văn hóa này. Cụ thể, vào ngày 26/6, tại đây, Hội sẽ kết hợp với các đoàn thể trong quận tổ chức ngày hội văn hóa đọc kết hợp với ngày hội gia đình Việt Nam”.
Tại trụ sở Hội LHPN Q.Bình Thạnh, một Không gian văn hóa Hồ Chí Minh khác cũng đã hình thành. Trong một khuôn viên khiêm tốn, từng khoảng trống đã được tận dụng để xây dựng nhiều khu vực triển lãm gồm: hành trình lịch sử của Bác, Bác với phong trào phụ nữ Việt Nam, chân dung Bác với tạo hình 3D hoa sen, “Góc xanh” học tập, sách về Bác. 
Tổng hòa các yếu tố để hình thành lối sống cao đẹp

Khu vực triển lãm ảnh Bác Hồ tại Hội LHPN Q.Bình Thạnh
Khu vực triển lãm ảnh Bác Hồ tại Hội LHPN Q.Bình Thạnh

Ông Lâm Hữu Đức - Trưởng phòng Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM - nhận định hoạt động ở cơ sở trong thời gian qua như những mảnh ghép, bước đầu kết nối, hình thành nên Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Trong buổi tọa đàm về giải pháp xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh diễn ra tại Nhà văn hóa Phụ nữ thành phố vừa qua, trung tá - tiến sĩ Hoàng Việt Lâm (Trường đại học An ninh Nhân dân) cho rằng, mục đích của việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh không gì khác hơn là làm cho những giá trị tinh thần của Bác hiện hữu thường xuyên. Do vậy, theo ông Lâm, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh không chỉ là một vài bức tượng ngoài không gian công cộng, những tác phẩm văn học nghệ thuật, những câu khẩu hiệu tuyên truyền mà là tổng hòa nhiều yếu tố về lối sống, phong cách, ứng xử nghĩa tình hướng đến hình thành lối sống cao đẹp, nhân nghĩa nơi con người, mang đậm chất văn hóa Hồ Chí Minh. 

Hình thức là cần để nhắc nhở chúng ta phải học tập và làm theo Bác, nhưng không nên chạy theo hình thức mà lơ là chuyện học tập rèn luyện nhân cách nơi mỗi người. Học Bác là sống tốt, làm tốt những điều nhỏ nhặt mỗi ngày, như việc “nuôi heo đất” để có vốn giúp đỡ các chị em nghèo mà các chi tổ Hội đang làm. Học Bác là làm sao để những tấm gương hy sinh thầm lặng hằng ngày trở thành niềm cảm hứng để mỗi người cùng hướng đến. Như bà Lê Thị Tố Hoa (Q.8) - người hơn 13 năm cưu mang và yêu thương một đứa trẻ tâm thần bị bỏ rơi như ruột rà, máu mủ. Hay bà Nguyễn Thị Thiện - Bí thư chi bộ khu phố ở P.17, Q.Bình Thạnh - sống bình dị, gần dân, thân dân, luôn có mặt ở những “điểm nóng” để hòa giải mâu thuẫn, để cảm hóa những cuộc đời lầm lỡ, biến một “ngã ba bụi đời” thành “ngã ba 
yêu đời”…
Việc xây dựng văn hóa Hồ Chí Minh không nên và không thể là chuyện một sớm một chiều mà cần có lộ trình. Chị Chung Mỹ Duyên, Phó Chủ tịch Hội LHPN H.Bình Chánh, nhìn nhận xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trước hết là xây dựng văn hóa trong cán bộ lãnh đạo của Hội gắn với đạo đức công vụ. Mỗi cán bộ Hội phải gắn bó, nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ và kịp thời giải quyết nguyện vọng chính đáng của họ để từ đó, mỗi cơ sở Hội, mỗi chi, tổ Hội là một Không gian văn hóa Hồ Chí Minh thu nhỏ. 

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI