Để “em ấy” thơm tho

06/11/2016 - 12:18

PNO - Mỗi tháng một lần chỗ ngã ba của con bị bốc mùi sau mấy “ngày mưa”. Con đã chăm chỉ vệ sinh và thay quần nhỏ liên tục mà vẫn không thoát khỏi cảnh đó.

Tuổi dậy thì với con chẳng có gì đáng phàn nàn, ngoài việc mỗi tháng một lần chỗ ngã ba của con bị bốc mùi sau mấy “ngày mưa”. Con đã chăm chỉ vệ sinh và thay quần nhỏ liên tục mà vẫn không thoát khỏi cảnh đó. Điều này khiến con mặc cảm không dám đi qua đám đông hoặc thậm chí ra ngoài chơi với các bạn trong giờ giải lao. Con phải làm sao bác sĩ ơi?

(Một nữ sinh trường cấp II - Q.Gò Vấp, TP.HCM)

De “em ay” thom tho

Cháu gái thân mến!

Tuổi dậy thì, ngoài những thay đổi về vóc dáng, cơ thể các thiếu nữ còn tăng cường hoạt động bên trong dẫn đến việc khu “tam giác mật” tiết ra ít hay nhiều huyết trắng. Da cũng tăng tiết tuyến bã nhờn khiến mặt nổi mụn và mồ hôi có thể nặng mùi hơn vào những ngày thay đổi hormone như rụng trứng hoặc hành kinh. Điều này hoàn toàn bình thường, cháu không nhất thiết phải thay quần nhỏ và vệ sinh liên tục.

Cách xử lý mùi hôi

Việc đầu tiên khi “có biến” là truy tìm nguyên nhân, từ đó mới có phương pháp xử lý thích hợp cháu nhé. “Cô bé” bị dơ bẩn là nguyên nhân thường gặp nhất. Việc thiếu chăm sóc cộng với những giọt nước tiểu còn sót lại sau khi “đi thủy lợi” tạo nên mùi khó ưa. Vì vậy khi tắm, nên vệ sinh “ngã ba” từ trong ra ngoài, kỳ cọ các khe kẽ để tẩy sạch những cặn bẩn đọng trong những nếp gấp dưới da và niêm mạc, kể cả rốn.

Còn nhiều lý do khiến chỗ ấy có mùi khó chịu, ngay cả khi đã vệ sinh sạch sẽ:

- “Cô bé” bị bí bách: Vùng nhạy cảm có chứa một tuyến gọi là apocrine luôn tiết dịch. Nếu gặp phải mồ hôi do tuyến bài tiết tiết ra sẽ tạo nên mùi hăm, rất khó chịu, nhất là khi “em ấy” bị ẩm thấp. Vì vậy, nên mặc quần áo thoải mái, chất liệu thấm hút tốt, chọn loại quần lót đúng size, không nhỏ quá hay rộng quá.

- “Em ấy” đang ốm: Đôi khi mùi hôi cũng là triệu chứng cảnh báo bệnh viêm nhiễm phụ khoa. Nếu thấy xuất hiện thêm những dấu hiệu bất thường như huyết trắng nhiều (màu vàng hoặc xanh, đục, lợn cợn như yaourt, có bọt), kèm theo ngứa rát, mọc mụn… cháu đừng ngần ngại nói với cha mẹ để được đưa đi bệnh viện sớm, để khám và điều trị kịp thời.

Quy tắc chung trong vệ sinh vùng kín

- Không ngồi bệt xuống chỗ công cộng thiếu vệ sinh (ghế đá, bãi cỏ, bậc thềm cầu thang…) để tránh nhiễm bụi bẩn, nấm mốc, vi khuẩn hoặc bị côn trùng đốt.

- Khi tiêu tiểu xong nên chùi rửa từ đằng trước ra sau để tránh việc lây nhiễm vi khuẩn từ hậu môn sang cửa mình.

- Vệ sinh “em ấy” mỗi ngày hai lần vào sáng và tối bằng nước sạch, nếu vào mùa lạnh nên sử dụng nước ấm:

● Dùng gáo dội hoặc xả bằng vòi nước (tránh xịt thẳng tia nước mạnh vào âm đạo). Không ngâm vào thau nước để rửa.

● Cho xà bông loại có độ kiềm nhẹ vào tay rồi xoa vào toàn bộ vùng ngã ba, cả “đám cỏ dại” ở phía trên gò mu, chà rửa sạch sẽ từ lông cho tới các khe kẽ bên ngoài bộ phận sinh dục, sau đó mới rửa ra đằng hậu môn. Tuyệt đối không cho ngón tay vào rửa bên trong âm đạo vì nếu không cẩn thận sẽ làm nước rửa hoặc chất bẩn vào theo.

● Xả lại bằng nước sạch cho hết bọt xà bông rồi lấy khăn sạch thấm khô, tránh để ẩm ướt gây nhiễm nấm.

Trong mấy ngày “đèn đỏ”, khoảng 4-6 giờ cháu thay băng vệ sinh một lần. Chọn loại “đôi cánh” chất lượng tốt, thấm hút nhanh giúp giữ khô vùng kín trong vài giờ. Loại có màu hoặc ướp nhiều hương thơm có thể gây ngứa do dị ứng với hóa chất.

Kinh nguyệt không phải là “máu dơ” như người ta tưởng, nó chỉ gây cho cháu cảm giác khó chịu. Thế nên vào những ngày này không cần phải dùng những miếng khăn ướt có tẩm dung dịch sát khuẩn hoặc các loại gel, vì chúng chứa nhiều axít có thể gây mất cân bằng môi trường bên trong âm đạo và lại… gây mùi.

Lúc ở nhà, trong phòng riêng hoặc khi đi ngủ, cháu nên để “em ấy” thoáng mát và được hít thở không khí trong lành, cháu nhé.

Bác sĩ Hoa Tiêu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI