Để du lịch thắng lớn dịp cuối năm

25/10/2023 - 05:52

PNO - Trong 9 tháng đầu năm 2023, đã có khoảng 8,9 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, vượt chỉ tiêu mà ngành du lịch đặt ra cho cả năm (8 triệu lượt). Trong khi đó, lúc này, mùa cao điểm đón khách du lịch quốc tế của năm chỉ mới bắt đầu.

“Quả ngọt” từ chính sách thị thực mới

Sau khi chính sách thị thực (visa) điện tử mới có hiệu lực thi hành (từ ngày 15/8/2023) cho phép tăng thời gian lưu trú của du khách nước ngoài từ 1 tháng lên 3 tháng, cảng Chân Mây đón thêm nhiều chuyến tàu du lịch hạng sang. Tàu của các hãng du lịch đường biển nổi tiếng như Royal Caribbean, Celebrity Cruise, Tui Cruise, Costa Criere, Vinking Ocean Cruise, Smaill Cruise, Princess Cruise, Ovation of the seas, Mary Queen 2 xuất hiện thường xuyên hơn. 

Nhiều khách quốc tế đến Việt Nam sau ngày 15/8/2023 - thời điểm áp dụng chính sách visa nhập cảnh mới. Trong ảnh: Khách nước ngoài đến phố đi bộ Bùi Viện (quận 1, TPHCM) Ảnh: Chí Hùng
Nhiều khách quốc tế đến Việt Nam sau ngày 15/8/2023 - thời điểm áp dụng chính sách visa nhập cảnh mới. Trong ảnh: Khách nước ngoài đến phố đi bộ Bùi Viện (quận 1, TPHCM) - Ảnh: Chí Hùng

Ông Nguyễn Văn Phúc - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế - ước tính, trong năm 2024, cảng Chân Mây sẽ đón 30 lượt tàu với gần 48.000 hành khách và gần 19.000 thuyền viên; năm 2025, sẽ đón 26 lượt tàu với gần 30.000 hành khách và gần 13.000 thuyền viên. Theo ông, chính sách visa thoáng hơn giúp du khách ở các nước xa Việt Nam không còn chịu rào cản về thời gian lưu trú như trước, yên tâm chọn đến Việt Nam. Năm nay, du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế được dự đoán bội thu nhờ đưa vào hoạt động nhà ga T2 của sân bay quốc tế Phú Bài. 

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2023 đã vượt chỉ tiêu cả năm, giúp doanh thu dịch vụ lữ hành của nhiều địa phương tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước: TP Đà Nẵng tăng 139,9%, tỉnh Quảng Ninh tăng 98,8%, TPHCM tăng 91,3%, TP Hà Nội tăng 67,4%, TP Hải Phòng tăng 50,9%, TP Cần Thơ tăng 39,6%. 

Nhiều du khách trong và ngoài nước chọn ấp đảo Thiềng Liềng, huyện Cần Giờ, TPHCM là nơi trải nghiệm du lịch trong năm 2023 - Ảnh do khu du lịch cộng đồng Thiềng Liềng cung cấp
Nhiều du khách trong và ngoài nước chọn ấp đảo Thiềng Liềng, huyện Cần Giờ, TPHCM là nơi trải nghiệm du lịch trong năm 2023 - Ảnh do khu du lịch cộng đồng Thiềng Liềng cung cấp

Do mùa cao điểm đón khách du lịch quốc tế trong năm hiện chỉ mới bắt đầu, nên với kết quả khả quan như trên, Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam cho rằng, ngành du lịch có thể nâng chỉ tiêu đón khách quốc tế cả năm 2023 lên 10-12 triệu lượt.

Ông Lê Trương Hiền Hòa - Phó giám đốc Sở Du lịch TPHCM - cũng kỳ vọng, ngành du lịch TPHCM sẽ đón đông du khách quốc tế trong 3 tháng cuối năm 2023. Trong 3 tháng này, TPHCM diễn ra các sự kiện như giải marathon quốc tế, lễ hội khinh khí cầu, sở cũng có 2 đợt quảng bá du lịch ở Mỹ và Singapore. Sở cũng tăng cường liên kết với sở du lịch các tỉnh Tây Bắc để đón nguồn khách từ khu vực này và cả Bắc Lào đến TPHCM.

Ông cho hay, Sở Du lịch TPHCM đã cùng lãnh đạo các doanh nghiệp du lịch, hàng không, lưu trú soạn kế hoạch “liên minh kích cầu” để có mức giá các loại dịch vụ tốt nhất nhằm hút khách quốc tế. Nếu UBND TPHCM thông qua, kế hoạch này sẽ được triển khai ngay cuối năm nay và đầu năm 2024.

Phải quan tâm đến giá, làm mới sản phẩm 

Ông Trần Lê Bảo Châu - Giám đốc Công ty cổ phần Nam Quốc Group, Chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ Việt Nam (VTF) - cho rằng, để thu hút và giữ chân du khách quốc tế, bên cạnh chất lượng tour, tuyến, dịch vụ, cần quan tâm đến giá.

Nhiều khách nước ngoài chọn cách đến du lịch tại Phú Quốc bằng đường biển - Ảnh: Phú Hữu
Nhiều khách nước ngoài chọn cách đến du lịch tại Phú Quốc bằng đường biển - Ảnh: Phú Hữu

Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) - cho biết, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng nhưng lượng khách đặt các dịch vụ ở Việt Nam lại rất ít. Đó là do Việt Nam thiếu các chương trình, sản phẩm có sức cạnh tranh về giá so với các điểm đến trong khối ASEAN. Bên cạnh đó, thời hạn visa dài hơn trước nhưng khâu thủ tục vẫn còn làm khó du khách.

Ông Trần Quang Duy - Giám đốc Công ty Dịch vụ lữ hành Chim Cánh Cụt - cho hay, kinh tế nhiều nước đang suy thoái nên du khách quốc tế chi tiêu dè sẻn hơn. Họ vừa muốn được trải nghiệm dịch vụ tốt, lại vừa muốn giá rẻ. Ông nói: “Có ít nhất 3 đoàn khách châu Âu đưa ra yêu cầu cho chúng tôi khi họ chọn đến TPHCM: điểm đến đậm chất văn hóa - lịch sử, được các đoàn khách trước đó đánh giá cao; giá sản phẩm phải tốt, có nhiều trải nghiệm về đêm ngoài các nhà hàng, quán bar. Chúng tôi đang cố gắng tìm kiếm dịch vụ phù hợp để thuyết phục khách đến TPHCM cuối năm nay”.

TPHCM là địa phương mạnh tay phát triển các sản phẩm du lịch mới, trong đó mở thêm nhiều điểm tham quan ở quận, huyện. Tuy nhiên, theo lãnh đạo các doanh nghiệp du lịch, họ gặp khó khăn trong việc khai thác các điểm này. Chẳng hạn, việc các điểm này tự bán vé khiến tour do doanh nghiệp thiết kế bị phá sản. Ví dụ, Bảo tàng Biệt động là một trong các điểm được doanh nghiệp đưa vào tour Biệt động Sài Gòn nửa ngày, giá 400.000 đồng/khách (bao gồm thuyết minh, xe đưa đón, bảo hiểm du lịch). Khi khách tự đến Bảo tàng Biệt động với chi phí tham quan và uống cà phê chỉ 100.000 đồng, họ sẽ không mua tour nữa.

Một số di tích ở TPHCM được Sở Du lịch TPHCM giới thiệu để doanh nghiệp đưa vào tour nhưng thực tế vẫn chưa sẵn sàng phục vụ khách, như địa đạo Phú Thọ Hòa (quận Tân Phú), công viên phần mềm Quang Trung (quận 12), cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè)…

Theo ông Lê Trương Hiền Hòa, chương trình phát triển các sản phẩm du lịch - trong đó có các sản phẩm của quận, huyện - được chia thành nhiều giai đoạn: năm 2022 giới thiệu, khảo sát, xây dựng; năm 2023 tổng hợp, phân loại di tích, địa điểm phù hợp để đón khách. Nhiều địa điểm, di tích giàu tiềm năng nhưng cần đầu tư về hạ tầng, nhân lực mới thu hút được khách. Trong giai đoạn tiếp theo, Sở Du lịch TPHCM sẽ sớm hoàn thành bộ sản phẩm để có hướng kêu gọi đầu tư và bắt đầu khai thác. 

Ngay khi chính sách visa cho khách du lịch quốc tế được nới lỏng, Vietravel và các công ty du lịch cũng làm mới các sản phẩm, như kéo dài tour, thêm sự trải nghiệm văn hóa, ẩm thực. Chúng tôi xem việc Micheline gắn sao cho nhiều nhà hàng ở Việt Nam là cơ hội để quảng bá ẩm thực của Việt Nam với khách quốc tế.

Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng - Phó tổng giám đốc Vietravel

TPHCM đẩy mạnh liên kết để thu hút du khách 

Trong tháng 10/2023, Sở Du lịch TPHCM chủ trì tổ chức nhiều chương trình quảng bá du lịch ở nước ngoài và khảo sát, đánh giá các địa điểm du lịch ở vùng đồng bằng sông Cửu Long để xây dựng các tour du lịch hấp dẫn, đa dạng nhằm thu hút khách.

Từ ngày 18 - 22/10/2023, sở tổ chức chương trình khảo sát du lịch 13 tỉnh, thành với chủ đề “Kết nối hành trình đất phương Nam”. Ngày 13/10, sở tổ chức chương trình quảng bá du lịch ở Trung tâm Fort Mason ở TP San Francisco, bang California, Mỹ. Ngoài quảng bá, sở còn giúp kết nối 11 doanh nghiệp hàng không, du lịch, khách sạn của TPHCM và các tỉnh, thành trên cả nước với gần 100 doanh nghiệp lữ hành ở bang California nhằm giới thiệu các điểm đến, các sản phẩm mới của du lịch Việt Nam và TPHCM, giới thiệu các dự án du lịch ở TPHCM cần thu hút nhà đầu tư Mỹ. 

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TPHCM - Mỹ là một trong những thị trường khách quan trọng đối với du lịch Việt Nam, có nhiều tiềm năng đóng góp vào dòng khách du lịch đến Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng. Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, năm 2019, Việt Nam đón khoảng 746.171 lượt khách Mỹ; riêng TPHCM đón 561.862 lượt. Năm 2022, TPHCM cũng đón 265.047 lượt khách Mỹ. Mỹ luôn nằm trong nhóm 10 nước có đông người đến Việt Nam và TPHCM du lịch.

Quốc Thái

Quan tâm sản phẩm mang lại cảm xúc 

Để hút khách quốc tế, TPHCM cần có các sản phẩm mang lại cảm xúc cho du khách. Chẳng hạn, mô hình đưa du khách tham quan thành phố bằng xe buýt 2 tầng rất hay nhưng đây không phải là mô hình mới. Do đó, trên mỗi chuyến đi, cần lồng ghép các câu chuyện về văn hóa, lịch sử TPHCM hoặc có quầy bán hàng lưu niệm trên xe. 

Ông Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch danh dự Hiệp hội Du lịch Việt Nam

Kiên Giang tăng cường quảng bá du lịch 

Theo báo cáo của Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, trong 9 tháng đầu năm 2023, TP Phú Quốc đón khoảng 4,7 triệu lượt khách du lịch, chiếm hơn 64% tổng lượt khách du lịch đến tỉnh Kiên Giang, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, có 470.538 lượt khách quốc tế, tăng 276% so với 9 tháng đầu năm 2022. Tổng doanh thu từ du lịch của TP Phú Quốc ước khoảng 12.225 tỉ đồng, chiếm hơn 84% tổng doanh thu du lịch của tỉnh Kiên Giang và tăng 117,7% so với cùng kỳ năm trước.

Để tiếp tục thu hút du khách đến với Kiên Giang nói chung, Phú Quốc nói riêng, ông Lâm Minh Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - yêu cầu Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch tỉnh Kiên Giang xây dựng kế hoạch quảng bá các khu du lịch trọng điểm để thu hút khách; nghiên cứu, mở rộng thị trường, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch để không phụ thuộc vào một vài thị trường nhất định; chủ trì phối hợp với Sở Du lịch, UBND TP Phú Quốc và các doanh nghiệp du lịch tổ chức sự kiện du lịch thường niên như tuần du lịch Phú Quốc, lễ hội nước mắm… UBND tỉnh Kiên Giang cũng yêu cầu Sở Du lịch tỉnh xây dựng chương trình thu hút khách du lịch, phối hợp các doanh nghiệp tăng cường quảng bá hình ảnh, các điểm đến hấp dẫn của tỉnh và của TP Phú Quốc. Phú Hữu 

Giá tham quan, lưu trú ở Huế kém sức cạnh tranh

Theo giám đốc một công ty du lịch thường đưa khách Thái Lan đến miền Trung, giá cả là rào cản lớn trong việc xây dựng sản phẩm, thu hút du khách đến Huế. Chẳng hạn, giá vé tham quan Đại Nội 200.000 đồng/người, tham quan một số lăng tẩm đẹp của các vua Triều Nguyễn 150.000 đồng/người là quá cao, rất khó để thiết kế tour. Giá phòng khách sạn ở Huế cao hơn giá phòng khách sạn cùng hạng sao ở TP Đà Nẵng 300.000-400.000 đồng nên đã có trường hợp doanh nghiệp dẫn khách đến Huế tham quan nhưng cho khách ngủ nghỉ ở Đà Nẵng. Thuận Hóa 


Quốc Thái - Thuận Hóa 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI