Theo Sở Du lịch TPHCM, trong 7 ngày nghỉ tết Nguyên đán (từ ngày 8 - 14/2, tức từ 29 tháng Chạp đến mùng Năm tháng Giêng), có khoảng 75.000 lượt khách quốc tế đến TPHCM, tăng 15,4% so với tết trước; các khu, điểm du lịch, vui chơi giải trí của TPHCM đón khoảng 1,8 triệu lượt khách. Tết này, ngành du lịch các tỉnh, thành khác trong nước cũng “được mùa”.
Doanh nghiệp du lịch “được mùa”
Mùng Một tết, nhiều đoàn du khách từ TPHCM đã theo tour của Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) đến các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long (Việt Nam), Thái Lan, Campuchia.
|
Du khách chụp hình lưu niệm trên xe buýt hai tầng ở TPHCM ngày mùng Ba tháng Giêng - Ảnh: Quốc Thái |
Ông Trần Đoàn Thế Duy - Tổng giám đốc Vietravel - cho hay, trong 7 ngày nghỉ tết, công ty phục vụ khoảng 139.000 lượt khách, tỉ lệ lấp đầy chỗ các tour, tuyến đạt hơn 92%. Đây là những tín hiệu tốt từ thị trường trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.
Ông Nguyễn Minh Mẫn - Giám đốc truyền thông Công ty cổ phần Dịch vụ du lịch và thương mại TST - cũng cho hay, có trên 2.000 khách đăng ký tour của TST, khởi hành từ cuối tháng 1/2024 đến cuối tháng 3/2024. Đây là tín hiệu khả quan của du lịch trong năm 2024. Hiện TST đã khởi động nhiều tour đến các nước châu Á, châu Âu với trên 50% số chỗ đã được đặt.
Theo ông Phạm Quý Huy - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Kiwi - từ mùng Ba tết đến rằm tháng Giêng, khách đi du lịch tự túc theo diện cá nhân, gia đình đổ về các thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) rất đông. Tết năm nay, lượng khách đăng ký đi tour nước ngoài của Kiwi tăng khoảng 30% so với tết năm 2019, lượng người đăng ký đi tour trong nước cũng đông hơn hẳn.
|
Du khách check-in tại cầu Ba Son trước khi trải nghiệm buýt đường sông trong ngày mùng Hai tháng Giêng - Ảnh: Quốc Thái |
Theo Sở Du lịch TPHCM, doanh thu du lịch của TPHCM trong 7 ngày nghỉ tết Giáp Thìn khoảng 6.550 tỉ đồng, tăng 4% so với tết Quý Mão.
Lãnh đạo các doanh nghiệp lữ hành ở TPHCM đánh giá, do kỳ nghỉ tết Nguyên đán năm nay dài nên lượng khách tăng hơn nhiều so với kỳ nghỉ tết dương lịch 2024. Tết năm nay, khách du lịch ưu tiên lựa chọn đến Phú Quốc, Đà Lạt, Phan Thiết, Nha Trang, Đà Nẵng và các tỉnh miền Bắc. Các công ty du lịch, lữ hành đã khai thác nhiều tour tham quan TPHCM. Điều đáng mừng là dù khách đông hơn năm ngoái nhưng không xảy ra tình trạng chặt chém, cắt xén dịch vụ.
Vẫn còn nhiều việc phải làm
Ông Trần Thế Dũng - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Lữ hành Vietluxtour - cho rằng, dịp tết Giáp Thìn, đa số du khách chọn đi tour gần; khách cũng thích chọn các dịch vụ riêng lẻ dạng phòng khách sạn - vé máy bay (free and easy) hơn là các chương trình trọn gói.
|
Khung cảnh yên bình ở phố đi bộ Nguyễn Huệ trong những ngày đầu năm mới khiến nhiều người thích thú - Ảnh: Tam Nguyên |
Theo ông, trong năm 2024, hoạt động kinh doanh du lịch sẽ không dễ dàng, nhất là việc thu hút khách quốc tế. Do đó, Chính phủ cần có các chính sách kích cầu du lịch, như mở rộng đối tượng miễn thị thực nhập cảnh. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý du lịch, UBND các tỉnh, thành phố cần đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, tập trung quản lý chất lượng dịch vụ, ưu tiên bảo tồn các cảnh quan du lịch. Hiện nhiều địa phương đang bê tông hóa, dựng cảnh quan giả quá nhiều. Các doanh nghiệp du lịch cũng cần mở nhiều kênh hơn, có ngách đi riêng, có chương trình tour mới.
Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương - Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch xã hội (thuộc Hiệp hội Đào tạo du lịch Việt Nam) - nhận định, du lịch nội địa dịp tết năm nay sôi động hơn mọi năm, nhu cầu thuê resort, vi la, thuê xe tự lái, đi tour tự túc đều tăng cao. Ngoài việc các tour đi nước ngoài đắt đỏ, việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng du lịch trong nước (các tuyến đường cao tốc, khách sạn, điểm tham quan) đã tạo điều kiện cho người dân trong nước đi du lịch thuận tiện hơn.
|
Du khách đến khu du lịch Suối Tiên vào dịp tết |
Tuy nhiên, ông cho rằng, việc tăng trưởng của lượng khách nội địa cũng đặt ra yêu cầu cải thiện hơn nữa cơ sở hạ tầng, dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của du khách mùa cao điểm. Dễ thấy là tết này, một số đường cao tốc, điểm vui chơi đã bị quá tải. Hiện nguồn nhân lực du lịch nhiều nơi còn thiếu và yếu, khó đảm bảo chất lượng phục vụ khi vào mùa cao điểm du lịch.
Theo ông Nguyễn Trần Hoàng Phương, cấp quản lý vĩ mô cần coi trọng tài nguyên du lịch, phải xác định tài nguyên này là hữu hạn để từ đó không chỉ biết khai thác mà còn phải bảo tồn. Chẳng hạn như các bãi san hô ở biển Bình Hưng, Bình Tiên (tỉnh Ninh Thuận) nếu không được bảo tồn thì vài năm nữa sẽ mất khi lượng du khách đổ về nhiều; văn hóa bản địa ở các tỉnh Tây Bắc, Đông Bắc sẽ mất dần khi những người làm du lịch cộng đồng quá chú trọng doanh số.
|
Loại hình tham quan TPHCM bằng xe buýt 2 tầng thu hút khách trong dịp tết |
Nhiều địa phương tăng lượng khách và doanh thu du lịch Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, từ ngày 8/2 - 14/2, ngành du lịch cả nước đón và phục vụ khoảng 10,5 triệu lượt khách nội địa và trên nửa triệu lượt khách quốc tế. Theo Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong 7 ngày nghỉ tết, có khoảng 100.000 lượt khách đến tỉnh này, tăng khoảng 17,64% so với tết Quý Mão 2023. Đặc biệt, khách hạng sang đến TP Huế qua cảng Chân Mây ngày càng nhiều. Đến nay, đã có khoảng 40 lượt tàu du lịch đăng ký cập cảng Chân Mây trong năm 2024, mỗi chuyến có hàng ngàn hành khách và thuyền viên. Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho biết, khoảng 402.000 lượt khách đến TP Đà Nẵng trong dịp tết Giáp Thìn, tăng 37% so với tết trước, trong đó có gần 177.000 lượt khách quốc tế, tổng doanh thu du lịch ước đạt khoảng 1.580 tỉ đồng. Còn theo ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam - trong 7 ngày nghỉ tết Giáp Thìn, tỉnh này đón 305.000 lượt khách tham quan và lưu trú, tăng 35% so với tết trước, trong đó có 97.000 lượt khách quốc tế, tăng 42%. Cùng dịp, tỉnh Nghệ An đón khoảng 315.000 du khách, doanh thu du lịch đạt khoảng 400 tỉ đồng. Nhóm phóng viên |
Thủ tướng yêu cầu xem xét, mở rộng đối tượng miễn thị thực Theo Chỉ thị số 06 ra ngày 15/2 về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ tết Giáp Thìn, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Ngoại giao khẩn trương tổng kết, đánh giá việc áp dụng chính sách miễn thị thực đơn phương cho công dân của 13 nước trong thời gian qua; chủ động phối hợp với Bộ Công an đề xuất mở rộng các nước có công dân được đơn phương miễn thị thực nhập cảnh Việt Nam. Được biết, Việt Nam đang miễn thị thực cho công dân 25 nước, trong đó có 13 nước được miễn thị thực đơn phương, gồm Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Anh và Bắc Ireland, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan, Belarus. Từ giữa tháng 8/2023, Việt Nam cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước và nâng thời hạn tạm trú từ 30 ngày lên 90 ngày với số lần xuất nhập cảnh không giới hạn. Công dân của các nước được đơn phương miễn thị thực vào Việt Nam được tăng thời gian tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày. |
Buýt 2 tầng, buýt sông đều đông khách Ông Nguyễn Khoa Luân - Giám đốc Công ty Ảnh Việt Hop on Hop off Việt Nam, đơn vị vận hành tuyến tham quan thành phố bằng xe buýt 2 tầng - cho hay, lượng khách đi xe buýt 2 tầng trong 7 ngày nghỉ tết tăng khoảng 20% so với ngày thường, trung bình mỗi ngày có hơn 1.000 lượt, chủ yếu là khách lẻ, tự đặt dịch vụ. Giá đi xe buýt 2 tầng không đổi so với ngày thường. Ông Nguyễn Kim Toản - Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật (Saigon Waterbus) - cho biết, dịp tết, công ty có 2 chương trình chủ lực là Saigon waterbus và SaigonwaterGo. Saigon waterbus phục vụ du lịch theo lộ trình cố định, đi từ bến Bạch Đằng (quận 1) tới bến Linh Đông (TP Thủ Đức), mỗi ngày chạy hơn 60 chuyến, phục vụ 5.000-6.000 lượt khách, nhiều gấp đôi ngày thường. SaigonwaterGo chuyên đưa du khách tham quan, ngắm cảnh trên sông Sài Gòn từ 16g tới 23g, mỗi ngày phục vụ 500 khách đi du lịch. Giá cả dịp tết cũng không đổi so với ngày thường. |
Phải nhanh chóng khắc phục những hạn chế Qua nắm bắt hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch, lữ hành tại TPHCM, chúng tôi nhận thấy, các đơn vị đón được rất nhiều đoàn du khách, nhất là các đoàn khách quốc tế đến TPHCM trước và trong tết. Các đoàn khách cũng đi tham quan, du lịch ở các tỉnh, thành lân cận rồi quay trở lại TPHCM mua sắm trước khi về nước. Dịp tết vừa rồi, TPHCM đón khoảng 75.000 lượt khách quốc tế, tăng 15,4% so với tết trước và các khu, điểm vui chơi, giải trí của TPHCM đón 1,8 triệu lượt khách, doanh thu du lịch ước đạt 6.550 tỉ đồng. Kết quả này có được là nhờ các hoạt động, sự kiện lễ hội, đồng thời các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch ở nước ngoài trong năm 2023 đã tạo điều kiện cho các đơn vị lữ hành bán được nhiều tour, tiếp cận nhiều khách hàng hơn. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy, vẫn còn những hạn chế, trong đó hạn chế lớn nhất là tính liên kết chưa cao giữa các đơn vị du lịch, dịch vụ, vận chuyển dẫn đến giá các sản phẩm, dịch vụ khá cao. Do đó, trong thời gian tới, Sở Du lịch TPHCM sẽ chủ trì, đẩy nhanh kế hoạch liên minh kích cầu, kết nối các đơn vị cung ứng dịch vụ, hàng không, lữ hành, khách sạn để có giá tour, tuyến, dịch vụ tốt hơn. Ông Lê Trương Hiền Hòa - Phó giám đốc Sở Du lịch TPHCM |
Tăng trưởng sẽ mạnh hơn nếu kiểm soát tốt giá dịch vụ Năm nay, lượng khách du lịch nội địa tăng mạnh. Sự tăng trưởng khá tốt của nguồn khách nội địa dịp tết là tiền đề để các dịch vụ, điểm đến tập trung hơn cho nguồn khách này vào mùa cao điểm lễ 30/4 và hè. Trong năm 2024, các cơ quan quản lý cần tăng cường hơn nữa việc kiểm soát giá cả dịch vụ bởi giá thường bị đẩy lên rất cao trong mùa cao điểm, trong khi lại hạ giá sâu vào mùa thấp điểm. Chẳng hạn, việc tăng trần giá vé hàng không từ ngày 1/3 tới là không theo quy luật cung cầu, mà có sự định hướng giá cả dịch vụ. Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương - Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch xã hội |
Xây dựng sản phẩm du lịch tết đậm bản sắc, giá rẻ Cần có sản phẩm du lịch tết đa dạng cho khách hàng trong nước và ngoài nước, từ loại hình tour trọn gói tới combo vé máy bay và phòng khách sạn hay các dịch vụ lẻ như vé máy bay, phòng khách sạn, hoặc tour xe tự lái dành cho các nhóm gia đình. Cần xây dựng các sản phẩm du lịch tết mang đậm bản sắc văn hóa ở những đất nước có tết cổ truyền hoặc các nước có lễ hội trong giai đoạn này với nhiều hoạt động thú vị, mới lạ, ẩm thực phong phú, mang đặc trưng vùng miền. Các đơn vị lữ hành, hàng không, nhà hàng, khách sạn cần có sự hợp tác chặt chẽ để đưa ra mức giá hợp lý với chất lượng dịch vụ tốt, để giá tour tết không còn quá cao so với ngày thường. Ngành du lịch nên đẩy mạnh thông điệp tết hiện đại, tức là gia đình vẫn sum vầy, quây quần bên nhau nhưng thay vì chỉ bên mâm cỗ thì cùng nhau khám phá những vùng đất mới, có thêm nhiều trải nghiệm ý nghĩa. Ông Phạm Văn Bảy - Phó giám đốc Vietravel Hà Nội |
Quốc Thái