Diễn đàn: “Văn minh đô thị: Mỗi người cùng góp một tay”

Để du khách không còn ám ảnh về giao thông Việt Nam

29/08/2022 - 06:26

PNO - Người điều khiển phương tiện giao thông, nhất là ở nơi đô thị đông người, liên quan trực tiếp đến yếu tố an toàn của bản thân và người khác. Cho nên rất cần phải tuân thủ pháp luật về giao thông.

 

Tại TPHCM, những hành vi phóng nhanh vượt ẩu, lấn tuyến, đi ngược chiều, đi vào làn đường dành cho loại phương tiện khác, không tuân thủ đèn tín hiệu, chạy lên vỉa hè… là rất phổ biến. Nó có sự pha trộn giữa vi phạm pháp luật và yếu tố văn minh đô thị về giao thông, nhưng các biện pháp chế tài thường không đầy đủ. Chẳng hạn, theo quy định, chạy xe ngược chiều là hành vi nguy hiểm cho người tham gia giao thông, có thể bị xử phạt nghiêm khắc, nhưng hành vi đó thường được cho qua. Các vi phạm khác như đi xe đạp, xe máy, trên vỉa hè thì hiếm khi bị phạt.

Những biểu hiện nêu trên đã tác động trực tiếp đến mỹ quan đô thị và xâm phạm lợi ích của nhiều người khác. Chẳng hạn, chạy xe máy trên vỉa hè sẽ làm hư hỏng bề mặt vỉa hè và làm mất sự an toàn của người đi bộ, ảnh hưởng đến các hoạt động dịch vụ được phép sử dụng một phần vỉa hè của một số người. Một số biểu hiện khó đánh giá về tính chất và mức độ vi phạm pháp luật nhưng thể hiện rõ sự chưa phù hợp về văn minh, như dùng đèn, còi có cường độ ánh sáng và âm thanh quá lớn...

Dù rằng, có rất nhiều thứ để hình thành văn hóa, nhưng những biểu hiện vừa nêu là thứ rất dễ nhìn thấy. Những biểu hiện nói trên gây ra nhiều hệ lụy, tạo ra bộ mặt giao thông lộn xộn, không đẹp và không văn hóa trong mắt của du khách trong và ngoài nước khi đến TPHCM, do đó cần phải được chấn chỉnh. Trước hết cần thực hiện nghiêm các quy định về an toàn giao thông, trong đó cần bảo đảm việc tổ chức giao thông sao cho khoa học, hiệu quả, như phân luồng, phân tuyến, cắm biển báo, lắp đặt đèn tín hiệu… hợp lý. Cần bố trí người điều tiết, xử lý các biểu hiện chưa an toàn giao thông và các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông; bổ sung thêm một số hình thức xử phạt như lao động công ích, buộc tham gia tuyên truyền về an toàn giao thông… bên cạnh việc phạt tiền.

Bên cạnh đó, báo chí, truyền thông cần đẩy mạnh hơn nữa việc biểu dương các hành vi văn hóa, văn minh trong tham gia giao thông, cũng như phê bình, lên án mạnh mẽ những trường hợp thể hiện sự kém an toàn, kém văn hóa của người đi đường. Nên có chuyên mục đăng ảnh, clip nêu rõ những hành vi vi phạm.

Nhớ năm nào khi sang Việt Nam, diễn viên điện ảnh, ngôi sao phim hành động Hồng Kông Dương Tử Quỳnh có phát biểu, đại ý: đi đường ở Việt Nam còn khó hơn diễn các cảnh trong phim hành động, để nói về tình trạng giao thông ở nước ta. Nhận xét hài hước trên cũng là một lời phê bình ý nhị.

Trúc Giang

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI