Để doanh nghiệp vượt ải thành công

10/11/2022 - 05:57

PNO - Ngoài thiếu hụt đơn hàng, lãi suất tăng, các ngân hàng siết chặt cho vay cũng là nguyên nhân khiến hàng loạt doanh nghiệp không thể duy trì hoạt động sản xuất, buộc phải cắt giảm lao động.

Theo số liệu do Tổng cục Thống kê vừa công bố, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước 10 tháng qua đạt hơn 616 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 313 tỷ USD, nhập khẩu đạt 303,35 tỷ USD. Như vậy, cả nước xuất siêu 9,65 tỷ USD. Tổng giá trị xuất nhập khẩu trong 10 tháng đã gần bằng cả năm 2021 (668,54 tỷ USD). Đây là kết quả khá tích cực đối với nền kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu như Việt Nam.

Dù vậy, nhiều nhóm hàng xuất khẩu chủ lực, sử dụng lực lượng lao động đông đảo đã bắt đầu giảm sút từ tháng 10/2022. Chẳng hạn, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 8%, chỉ đạt 4,74 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 3,9 tỷ USD, giảm 5,7%; dệt may đạt 2,7 tỷ USD, giảm 0,8%. Đi kèm với đà giảm sút này, gần đây, nhiều doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lượng lớn nhân công. 

Thực ra, từ cuối tháng 9/2022, lãnh đạo các doanh nghiệp may mặc, chế biến gỗ đã cho biết, bắt đầu có sự sụt giảm đơn hàng. Nguyên nhân chính là do nhiều thị trường nhập khẩu chủ lực của Việt Nam như các nước châu Âu, Mỹ gia tăng lạm phát, người dân các nước này thắt chặt chi tiêu khiến nhu cầu tiêu dùng giảm. Ngoài ra, chuỗi cung ứng nguyên liệu của nhiều ngành hàng chưa thể khôi phục do ảnh hưởng của cuộc chiến Nga - Ukraine, giá nguyên liệu, nhiên liệu tăng cao khiến một số nhà máy ở Việt Nam vẫn gián đoạn sản xuất.

Tại TPHCM, theo thống kê sơ bộ, từ nay đến sau tết Quý Mão 2023, chỉ tính trong 17 khu chế xuất, khu công nghiệp, đã có 51 doanh nghiệp báo cáo giảm đơn hàng khiến gần 6.000 công nhân bị ảnh hưởng. Trên thực tế, số doanh nghiệp gặp khó khăn có thể nhiều hơn, số người lao động bị ảnh hưởng có thể nhiều hơn con số trên. Tại tỉnh Đồng Nai, nhiều doanh nghiệp đã quyết định kéo dài kỳ nghỉ tết cho công nhân một tháng hoặc lâu hơn do thiếu đơn hàng để sản xuất…

Các chuyên gia kinh tế, chủ doanh nghiệp đều cho rằng, giai đoạn khó khăn chỉ mới bắt đầu. Tại cuộc họp về tình hình kinh tế, xã hội 10 tháng đầu năm do UBND TPHCM tổ chức cách đây vài ngày, tiến sĩ Trần Du Lịch - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia - nhận định, từ quý IV/2022 đến đầu năm 2023, kinh tế toàn cầu sẽ rất khó khăn, xu hướng suy thoái sẽ ngày càng rõ ràng hơn.

Trong khi đó, chia sẻ với chúng tôi, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cho hay, họ đã phải vay mượn tiền từ bạn bè, người thân, thậm chí từ nguồn tín dụng “đen” để duy trì sản xuất do không thể vay vốn từ các ngân hàng. Mới đây, đại diện Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA), Hiệp hội Dệt may thêu đan TPHCM đều cùng lên tiếng, cho rằng, các doanh nghiệp có thể giải quyết được việc thiếu hụt đơn hàng bằng cách tìm kiếm khách hàng từ các khu vực ngoài Âu Mỹ như Trung Đông, Đông Nam Á và khai thác mạnh thị trường nội địa. 

Thế nhưng, để làm được điều này, các doanh nghiệp cần phải có vốn để sản xuất, xúc tiến thương mại… Trong khi đó, theo tiến sĩ Trần Du Lịch, việc dòng vốn của nền kinh tế chững lại không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế trong hiện tại, trong năm 2023 mà cả năm 2024. 

Trước tình cảnh trên, nhiều chuyên gia kinh tế đề nghị cần thúc đẩy gói hỗ trợ cấp bù lãi suất 2% để doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn. Ngoài ra, cũng cần có thêm các biện pháp kích cầu đầu tư và kích cầu tiêu dùng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khai thác tốt thị trường nội địa… Khi những vấn đề này được giải quyết, doanh nghiệp mới có thể vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt để ổn định lâu dài.

Hoàng Anh 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI