Để đô thị đại học thực sự là trung tâm trí tuệ

21/03/2024 - 06:23

PNO - Chỉ khi việc xây dựng hanh thông, đúng tiến độ, đô thị đại học mới thực sự phát huy được vai trò là trung tâm trí tuệ của cả vùng, góp phần kích thích tăng trưởng kinh tế, mang lại giá trị phát triển bền vững.

Trên thế giới, đô thị đại học được xem là mô hình phát triển cao của nền giáo dục đại học. Đô thị đại học có đầy đủ các công trình hạ tầng kỹ thuật (đường sá, trạm cấp điện, cấp nước…), công trình hạ tầng xã hội (bệnh viện, siêu thị, khách sạn, bến xe…), công trình phục vụ nghiên cứu, giáo dục (giảng đường, thư viện, trung tâm thí nghiệm, ký túc xá sinh viên, nhà ở cho giảng viên…).

Tất cả các công trình này nhằm tạo điều kiện, môi trường để giáo dục đại học phát triển cả về quy mô lẫn chất lượng. Với các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến, đô thị đại học thực sự là trung tâm trí tuệ của cả vùng, góp phần kích thích tăng trưởng kinh tế và thu hút đội ngũ làm khoa học.

Nước ta có tốc độ đô thị hóa nhanh. Việc xây dựng đô thị đại học ở các thành phố lớn - đặc biệt là TP Hà Nội và TPHCM - không chỉ nhằm phát triển trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực với chất lượng cao mà còn từng bước hiện thực hóa khát vọng trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu ở tầm châu lục, hội tụ hiền tài, lan tỏa văn hóa và tri thức Việt. Bên cạnh đó, các đô thị đại học còn giúp giảm mật độ lưu thông ở trung tâm thành phố.

Hiện nay, vẫn còn một khu nhà lụp xụp nằm trong khu đô thị Đại học Quốc gia TPHCM  - Ảnh: Minh Huy
Hiện nay, vẫn còn một khu nhà lụp xụp nằm trong khu đô thị Đại học Quốc gia TPHCM - Ảnh: Minh Huy

Việc phát triển đô thị đại học ở nước ta phù hợp với cả xu thế phát triển đại học trên thế giới lẫn đặc điểm đô thị hóa nhanh. Khu đô thị Đại học Quốc gia TPHCM được đánh giá là có quy hoạch tổng thể rõ ràng, cơ sở hạ tầng giao thông thuận lợi. Khu này có ga metro Suối Tiên và bến xe Miền Đông mới. Tuy nhiên, do bị ách tắc ở khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng, việc thực hiện dự án bị kéo dài từ năm 1998 đến nay.

Tương tự, với dự án khu đô thị Đại học Quốc gia Hà Nội, nhiều hộ dân không nhận đất tái định cư để trả mặt bằng, nhiều loại đất chồng lấn nên khó xác định nguồn gốc, quá trình thu hồi đất vướng nhiều đơn vị quản lý. Dự án làng đại học Đà Nẵng bị “treo” suốt 27 năm cũng do vướng trong khâu đền bù, giải phóng mặt bằng.

Do nhu cầu phát triển kinh tế, khoa học, kỹ thuật và giáo dục, do tốc độ đô thị hóa nhanh, từ thập niên 1990, Trung Quốc bắt đầu xây dựng đô thị đại học. Nhiều mô hình của họ đã bộc lộ không ít bất cập khi đưa vào hoạt động. Nhưng họ đã nhanh chóng rút kinh nghiệm và chỉ trong thập niên 2000, họ đã có những đô thị đại học tiêu biểu, như Quảng Châu, Trùng Khánh, Côn Minh… Đặc biệt, riêng ở TP Thượng Hải, từ năm 2001 đến nay, đã có 5 đô thị đại học được xây dựng, trong đó Tùng Giang là một trong những đô thị đại học tiêu biểu.

Cần nhìn sang các nước để thấy đô thị đại học của ta đang thiếu và yếu ở đâu, để từng bước tháo gỡ, điều chỉnh và hoàn thiện. Có như vậy, các đô thị đại học sau này mới tránh được nguy cơ xây dựng ì ạch, kéo dài hay “giữa đường đứt gánh”.

Chỉ khi được thiết kế khoa học, đúng chức năng, mục đích, có sự liên thông, liên kết và đồng bộ với quy hoạch chung của vùng và địa phương, chỉ khi việc xây dựng hanh thông, đúng tiến độ, đô thị đại học mới thực sự phát huy được vai trò là trung tâm trí tuệ của cả vùng, góp phần kích thích tăng trưởng kinh tế, mang lại giá trị phát triển bền vững.

Minh Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI