Sau những sự cố này, không ít người trở nên e dè và mang cảm giác căng thẳng khi phải di chuyển bằng máy bay. Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Ngọc Quang - Giám đốc Trung tâm Giám định pháp y tâm thần khu vực TP.HCM - sẽ đưa ra giải pháp giúp mọi người tìm được cách khắc phục nỗi ám ảnh đó.
Phóng viên: Bác sĩ đã từng điều trị tâm lý cho một số trường hợp mắc hội chứng sợ đi máy bay. Câu chuyện của họ như thế nào?
Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Ngọc Quang: Tôi từng điều trị cho một số trường hợp mắc hội chứng sợ đi máy bay. Bệnh nhân thứ nhất tên T., giám đốc một công ty xuất khẩu nông sản. Do công việc, anh T. thường xuyên phải đi công tác ở Lào, Campuchia và Trung Quốc.
Có một điều lạ là anh chỉ đi bằng ô tô theo cung đường bộ. Một lần, có việc gấp bắt buộc phải đi máy bay, T. đề nghị được đưa vợ theo, chọn ghế gần cửa thoát hiểm. Trước khi lên máy bay, anh uống thuốc an thần. Tuy nhiên, máy bay vừa lăn bánh, T. đã run bần bật, vã mồ hôi, hai tay bám chặt vào ghế, đòi quay trở lại. Đỉnh điểm bệnh nhân này la hét luôn miệng và đòi trở lại sân bay. Kể từ sau chuyến bay đó, T. dứt khoát không bay thêm chuyến nào nữa.
Trường hợp thứ hai là một đồng nghiệp của tôi, ngoài 50 tuổi. Có điều lạ, mỗi lần được cử đi công tác hay du lịch nước ngoài, anh đều từ chối. Tìm hiểu mới biết, anh sợ độ cao, nhất là sợ đi máy bay. Chỉ nhắc tới tiếng gầm rú của máy bay hay nghe đồng nghiệp cho biết vừa xảy ra tai nạn hàng không ở nơi nào đó trên thế giới, anh lại bồn chồn, lo âu ra mặt. Đến nay, anh vẫn chỉ đi xa bằng ô tô và xe lửa.
* Thưa bác sĩ, nguyên nhân dẫn tới nỗi ám ảnh này là gì? Bệnh nhân thường được điều trị bằng phương pháp nào? Hiệu quả điều trị ra sao?
- Hội chứng sợ máy bay (Pteromerhanophobia) được xếp loại là một nỗi ám ảnh đặc hiệu trong rối loạn lo âu. Những người mắc hội chứng này thường có nỗi sợ hãi dai dẳng vì phải di chuyển bằng máy bay.
Nỗi sợ hãi này thường xuất hiện ở phụ nữ, bắt đầu chủ yếu ở trẻ nhỏ hoặc giai đoạn 20 tuổi. Sợ máy bay có thể là một hội chứng độc lập nhưng đôi khi cũng là sự kết hợp hoặc ảnh hưởng gián tiếp từ hội chứng sợ không gian hẹp hay sợ độ cao ở người.
Bên cạnh đó, nhiều người còn cảm thấy sợ hãi và muốn hạn chế di chuyển bằng máy bay vì bị ảnh hưởng từ hội chứng sợ khoảng trống (agoraphobia), với biểu hiện luôn lo lắng về một vụ tấn công sẽ xảy ra khi ở trên máy bay.
Chúng ta cần biết rằng trong một chuyến bay, một người có thể trải qua cảm giác bất an, sợ các âm thanh lớn hay bị đau vì thay đổi áp suất. Tất cả những điều này có thể là tác nhân kích thích tạo ra sự lo lắng hay kết hợp với các yếu tố khác khiến hành khách cảm thấy sợ hãi.
Nếu một cá nhân có xu hướng hình dung hay tưởng tượng quá nhiều đến khả năng xảy ra các viễn cảnh thảm khốc trên máy bay dựa trên các yếu tố này, người đó sẽ dễ mắc hội chứng sợ máy bay. Ngoài ra, khả năng khó kiểm soát ở một số cá nhân, việc tiếp nhận thông tin sai lệch về tính an toàn của máy bay, đặc tính sinh học hay các biến cố gây sốc từng trải qua ở người cũng là các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển hội chứng này.
Đối với những ca mắc hội chứng sợ máy bay như trên, phương pháp điều trị tâm lý áp dụng ở đây là liệu pháp hành vi nhận thức (với các hoạt động tiếp xúc, thư giãn và điều chỉnh hành vi để có thể hạn chế nỗi sợ hãi này ở người bệnh). Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể cho bệnh nhân phối hợp điều trị bằng thuốc chống trầm cảm. Tôi biết một số trường hợp sau khi điều trị đã không còn sợ đi máy bay nữa.
|
Không ít người mắc phải hội chứng sợ đi máy bay. Thế nhưng, tới nay máy bay vẫn là phương tiện an toàn nhất thế giới |
* Bác sĩ có thể hướng dẫn vài phương pháp để khống chế nỗi ám ảnh sợ đi máy bay?
- Nếu mắc hội chứng sợ đi máy bay, bạn có thể thực hành các biện pháp như sau, trước mỗi chuyến bay:
Cố gắng thả lỏng các cơ
Bạn có thể bắt đầu bằng việc xác định nhóm cơ đang bị căng cứng, ví dụ như bờ vai. Thông thường, khi bồn chồn hoặc lo âu, chúng ta thường rụt cổ và căng cơ bắp tại vai. Bởi vậy, khi đang trong tình trạng này, bạn nên hít thở sâu và thả lỏng cơ vai. Bạn có thể sử dụng phương pháp này cho các nhóm cơ khác, chẳng hạn như mặt và chân.
Sử dụng phương pháp tưởng tượng có hướng dẫn
Hãy suy nghĩ về nơi khiến bạn hạnh phúc và thoải mái. Hình dung rằng bạn đang ở nơi đó. Tập trung vào từng chi tiết của địa điểm mà bạn lựa chọn.
Hít thở sâu
Đặt một tay lên bụng. Hít sâu bằng mũi. Hít vào càng nhiều không khí càng tốt, sao cho vùng bụng của bạn căng lên. Thở ra từ miệng, chầm chậm đếm đến 10. Co cơ bụng vào để đẩy toàn bộ không khí ra ngoài. Cần thực hiện bài tập này từ 4-5 lần để thư giãn. Hãy nhớ rằng, bài tập hít thở có thể sẽ không xoa dịu hoàn toàn nỗi lo lắng của bạn.
Đánh lạc hướng bản thân
Hãy suy nghĩ về một điều nào đó khiến bạn hào hứng hoặc ít nhất giúp tâm trí của bạn ngừng suy nghĩ về nỗi sợ hãi của bản thân.
Cho đến nay, máy bay vẫn là phương tiện di chuyển an toàn nhất. Trong cuộc sống, có vô số rủi ro nguy hiểm hơn đi máy bay. Hiểu biết về những mối nguy này không phải để bạn có thể bắt đầu lo lắng về chúng. Thay vào đó, chúng sẽ cho bạn biết rằng nỗi sợ hãi của bạn về việc đi máy bay hoàn toàn vô căn cứ.
|
Thanh Huyền (thực hiện)