Để danh hiệu hoa hậu thật sự xứng đáng

15/08/2024 - 06:20

PNO - Mỗi năm, Việt Nam có hàng chục cuộc thi hoa hậu. Số hoa hậu, á hậu nhiều đến nỗi người đời khó nhớ nổi mặt, tên. Các cuộc thi sắc đẹp cũng thường đi kèm với những điều tiếng về khâu tổ chức, về tính công bằng, minh bạch.

1 đêm, thêm 2 hoa hậu

Tốp 5 Miss Grand Vietnam 2023 tham gia hoạt động thiện nguyện vào tháng 8/2023 Ảnh do ban tổ chức cuộc thi cung cấp
Tốp 5 Miss Grand Vietnam 2023 tham gia hoạt động thiện nguyện vào tháng 8/2023 - Ảnh do ban tổ chức cuộc thi cung cấp

Đêm 3/8, có thêm 2 hoa hậu và 6 á hậu được trao vương miện từ 2 cuộc thi Miss Grand Vietnam 2024 và Hoa hậu Du lịch Việt Nam 2024. Trước đó, đêm 2/8, ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân hoàn vũ Việt Nam 2024 đã trao danh hiệu cho 1 hoa hậu, 5 á hậu và 2 hoa hậu phụ.

Chỉ trong vòng 6 ngày của tháng 8/2023, Việt Nam có thêm 3 hoa hậu, 12 á hậu từ 3 cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023, Hoa hậu Đại dương Việt Nam, Hoa hậu Quý bà hòa bình Việt Nam. Hồi tháng 10/2022, trong 1 đêm, Việt Nam có thêm 2 tân hoa hậu từ 2 cuộc thi Hoa hậu Hoàn cầu Việt Nam và Hoa hậu Biển đảo Việt Nam. Chỉ riêng năm 2023, cả nước có khoảng 30 cuộc thi hoa hậu.

Với 2 hoa hậu mới vào đêm 3/8 vừa rồi, Việt Nam sẽ còn có thêm nhiều hoa hậu trong năm 2024 bởi từ đây đến cuối năm, sẽ còn diễn ra các cuộc thi Hoa hậu Du lịch Việt Nam toàn cầu, Miss Universe Vietnam, Hoa hậu Lụa - di sản Việt Nam… Đây là những cuộc thi được khán giả biết đến do có quy mô tương đối lớn, được truyền thông rầm rộ. Ngoài ra còn có vô số cuộc thi hoa hậu khác nhưng ít được biết đến do quy mô nhỏ hoặc ít được truyền thông.

“Loạn hoa hậu” là chủ đề được bàn tán liên tục trên mạng xã hội trong hơn 2 năm qua. Trong đó, có không ít lời bình luận giễu cợt: “Bây giờ, ra đường gặp người đẹp, phải hỏi xem đó có phải là hoa hậu, á hậu hay không”, “Phấn đấu vài chục năm sau, mỗi gia đình có 1 hoa hậu”…

Theo Nghị định 79/2012/NĐ-CP về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ cấp phép tổ chức 2 cuộc thi hoa hậu/năm. Từ ngày 1/2/2021, Nghị định 144/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, thay thế Nghị định 79/2012/NĐ-CP. Theo nghị định mới, thẩm quyền cấp phép tổ chức các cuộc thi hoa hậu được trao cho UBND cấp tỉnh.

Với sự ra đời của Nghị định 144/2020/NĐ-CP, chỉ riêng năm 2022, cả nước đã có 25 cuộc thi hoa hậu. Mỗi cuộc thi không chỉ “khai sinh” thêm 1 mà có thể 2 hoặc nhiều hoa hậu nếu ban tổ chức tách cuộc thi thành nhiều bảng.

Những “game show” gây tai tiếng

Tốp 5 người đẹp đoạt giải cao nhất cuộc thi Miss Grand Vietnam 2024 - Ảnh do ban tổ chức cuộc thi cung cấp
Tốp 5 người đẹp đoạt giải cao nhất cuộc thi Miss Grand Vietnam 2024 - Ảnh do ban tổ chức cuộc thi cung cấp

Sau đêm 3/8 với sự xướng danh 2 hoa hậu và 6 á hậu, khán giả Hoàng Tùng đã đăng ý kiến trong một nhóm cộng đồng trên Facebook: “Hoa hậu thời nay là người chiến thắng một game show (trò chơi truyền hình) chứ không đại diện cho điều gì của phụ nữ Việt Nam cả”. Ý kiến này đã nhận được nhiều lời tán đồng của cộng đồng mạng.

Nhìn dưới góc độ game show, các cuộc thi hoa hậu đã phần nào thành công khi có lượng người quan tâm rất lớn. Trên mạng xã hội Facebook, có rất nhiều hội, nhóm về hoa hậu quy tụ rất đông thành viên, như “Thế giới hoa hậu” (323.000 thành viên), “Chuyện hoa hậu” (135.000 thành viên), “Chuyên đàn hoa hậu” (149.000 thành viên) và hàng chục hội, nhóm khác có từ 10.000-50.000 thành viên.

Có những cuộc thi hoa hậu mà nếu không gặp sự cố, sẽ chẳng ai biết nó từng diễn ra. Chẳng hạn, hồi tháng Bảy, mưa lớn khiến đêm chung kết kéo dài đến tận 3g sáng, người ta mới biết có cuộc thi mang tên Hoa hậu Thần tượng Việt Nam. Một số cuộc thi hoa hậu khác cũng chỉ được biết đến khi có lời xì xào về việc mua bán giải.

Đêm chung kết các cuộc thi Hoa hậu Thế giới Việt Nam, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, Miss Grand Vietnam đều có hàng ngàn khán giả dự khán, cả triệu người theo dõi qua fanpage (trang trên Facebook) và YouTube của ban tổ chức.

Mục đích của các cuộc thi hoa hậu rất tốt đẹp. Trước hết là nhằm tôn vinh vẻ đẹp và tài năng của phụ nữ, và người chiến thắng thường trở thành biểu tượng cho sắc đẹp và văn hóa của quốc gia, thậm chí là người truyền cảm hứng cho phụ nữ tự tin trong cuộc sống, phấn đấu vươn lên. Bên cạnh đó còn góp phần thúc đẩy các hoạt động xã hội, từ thiện và cuối cùng là giải trí và văn hóa.

Nhưng việc có quá nhiều cuộc thi hoa hậu lại có tác dụng tiêu cực: làm giảm giá trị của danh xưng hoa hậu, chất lượng thí sinh không cao nên người đoạt vương miện thường gây tranh cãi. Và cái mất lớn nhất chính là các cuộc thi hoa hậu đang dần trở thành công cụ thương mại, mất đi ý nghĩa tốt đẹp ban đầu.

Các cuộc thi hoa hậu những năm gần đây gây nhiều ồn ào, tai tiếng. Cứ sau mỗi cuộc thi hoa hậu, lại có những ồn ào về việc mua bán giải, chèn ép thí sinh, gây ra cái nhìn không mấy đẹp đẽ của cộng đồng với các cuộc thi này. Ngoài những lùm xùm liên quan đến việc chọn ra người để trao vương miện, các cuộc thi hoa hậu còn ồn ào bởi những vụ kiện cáo liên quan đến khâu tổ chức, như tranh chấp hợp đồng quảng bá thương hiệu, quyền và nghĩa vụ đại sứ thương hiệu, tranh chấp về tên gọi cuộc thi...

Sự ra đời của Nghị định 144/2020/NĐ-CP là nhằm trả các cuộc thi nhan sắc cho cơ chế thị trường, nghĩa là cuộc thi nào được thị trường chấp nhận thì sẽ tồn tại, còn không thì sẽ “tự sản tự tiêu”. Tuy nhiên, với sự ra đời ồ ạt, các cuộc thi hoa hậu đang quá bát nháo, hỗn loạn, ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội. Trả lời báo chí gần đây, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết, trong năm nay, bộ sẽ sơ kết việc thực hiện nghị định này để có những đánh giá cụ thể những điều được và chưa được, điều gì cần điều chỉnh.

Các cuộc thi uy tín vẫn có những tác động tích cực

Ban tổ chức các cuộc thi hoa hậu có quy mô lớn thường có những hoạt động vì cộng đồng như tặng nhà, xây cầu, đường, hỗ trợ phương tiện làm ăn, tặng học bổng, phương tiện đi học… cho người dân các vùng khó khăn.

Hoa hậu H’Hen Niê trồng rừng tại vườn quốc gia Bến En (Thanh Hóa) vào tháng 3/2024. Cô là người được công chúng mến mộ và đánh giá là người truyền năng lượng tích cực cho cộng đồng - Nguồn ảnh: Facebook H’Hen Niê
Hoa hậu H’Hen Niê trồng rừng tại vườn quốc gia Bến En (Thanh Hóa) vào tháng 3/2024. Cô là người được công chúng mến mộ và đánh giá là người truyền năng lượng tích cực cho cộng đồng - Nguồn ảnh: Facebook H’Hen Niê

Tính đến năm 2022, Tổ chức Hoa hậu Thế giới đã đóng góp cho công tác thiện nguyện trên toàn cầu hơn 1 tỉ USD. Các hoa hậu thường đi đến nhiều quốc gia kêu gọi sự chung tay của cộng đồng cho công tác thiện nguyện. Tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ cũng tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện lớn, như phẫu thuật miễn phí sứt môi, hở hàm ếch cho trẻ em, tạo việc làm và phát triển khả năng lãnh đạo cho những người khuyết tật, cải thiện sức khỏe và hạnh phúc của đàn ông, phụ nữ, trẻ em nhiễm HIV/AIDS, ung thư và các bệnh nghiêm trọng khác… trên toàn cầu.

Các cá nhân đoạt danh hiệu trong những cuộc thi sắc đẹp uy tín vẫn có sức ảnh hưởng xã hội và có những tác động tích cực đến cộng đồng. Chẳng hạn, trong năm 2023 và nửa đầu năm 2024, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 H’Hen Niê đã vận động và tham gia trồng được 7ha rừng; trong năm 2023, Hoa hậu Môi trường Việt Nam năm 2022 và Hoa hậu Môi trường thế giới năm 2023 Nguyễn Thanh Hà đã thực hiện 3 dự án hỗ trợ đào tạo kỹ năng cho phụ nữ, thanh niên và trẻ em. Thùy Tiên - Miss Grand International 2021 - cũng vận động, xây được nhiều khu vui chơi cho bệnh nhi trong các bệnh viện trên cả nước.

Sức hút của những cuộc thi nhan sắc dần giảm
Theo NBC, vào năm 1954, khi nhiều gia đình ở Mỹ chưa có ti vi, cuộc thi Miss America (Hoa hậu Mỹ) vẫn thu hút đến 27 triệu khán giả xem đêm chung kết. Nhưng năm 2017, lượng khán giả xem chung kết cuộc thi này trên truyền hình chỉ còn 5,6 triệu người.

Cuộc thi Miss Universe (Hoa hậu Hoàn vũ) từng có 35 triệu người xem chung kết năm 1984 ở Mỹ, nhưng đến năm 2023, chỉ còn 1,12 triệu người xem chung kết, theo công ty chuyên nghiên cứu về truyền thông Nielsen. Hoa hậu Hoàn vũ từng được phát sóng trên những kênh lớn như FOX, NBC, CBS… nhưng do số người xem liên tục giảm nên các đài này đã ngưng phát sóng.

Từ sau vụ tai tiếng mua bán giải vào năm 2012, cuộc thi Miss Earth (Hoa hậu Trái đất) đã không còn được công chúng quan tâm. Năm ngoái, cuộc thi này được tổ chức ở Việt Nam, được đầu tư khá tốt về hình ảnh, sân khấu nhưng vẫn không gây được sự chú ý.

Theo Tạp chí Hindustan Times, các tổ chức như Miss Universe, Miss World đưa cuộc thi đến thị trường mới ở châu Á, châu Phi, Mỹ Latin bởi khán giả ở những nơi sản sinh ra chúng như Mỹ, Anh không còn ưa chuộng. Khi các cuộc thi này đang diễn ra, phần đông khán giả tham gia bình chọn cho thí sinh là ở các khu vực như Đông Nam Á, Mỹ Latin, một số nước châu Phi hay Ấn Độ.

Vẻ đẹp ngoại hình không còn là lợi thế
Các cuộc thi hoa hậu từng được xem là nơi đề cao vẻ đẹp hoàn hảo của phụ nữ nhưng chúng đã trở nên lỗi thời với chuẩn mực xã hội hiện đại vốn đề cao sự tự do, vẻ đẹp đa dạng.

Trên The Guardian, Hilary Levey Friedman - tác giả cuốn sách Here she is: The complicated reign of the beauty pageant in America (viết về những thay đổi trong các cuộc thi sắc đẹp) - cho rằng, phụ nữ hiện nay có nhiều cơ hội hơn để phát triển mà không cần thông qua các cuộc thi sắc đẹp. Mọi người không còn chú ý nhiều đến các cuộc thi sắc đẹp như trước nữa, nhưng điều đó không có nghĩa là không xem nữa, mà là xem theo những cách khác.

Trên thực tế, các cuộc thi sắc đẹp đang có xu hướng đề cao tri thức, trình độ chuyên môn, khả năng truyền cảm hứng hơn là đề cao vẻ đẹp ngoại hình. Chẳng hạn, cuộc thi Miss Universe hiện nay không giới hạn độ tuổi, cho phép người chuyển giới, phụ nữ đã lập gia đình và có con tham gia. Trong 1 năm qua, ở Venezuela, Colombia, Philippines, Canada, đã xuất hiện nhiều thí sinh lớn tuổi, thậm chí 60-70 tuổi và có thí sinh đã có con vẫn đăng quang ngôi vị cao nhất.

Trung Sơn

Ý kiến:

Không nên tùy tiện với danh xưng hoa hậu
Qua phản ánh của báo chí, năm 2023, cả nước có đến 30 cuộc thi hoa hậu. Như thế là “loạn”.

Theo tôi, danh hiệu cao nhất trong cuộc thi người đẹp cấp quốc gia gọi là hoa hậu, còn ở cấp liên tỉnh, vùng thì nên gọi là hoa khôi, thấp hơn nữa là người đẹp. Bây giờ, cuộc thi nào cũng đánh đồng danh xưng hoa hậu, vậy thì còn đâu giá trị của danh xưng này nữa.

Khi bắt đầu tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, chúng tôi đặt ra 3 mục tiêu lớn: tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ Việt Nam; định hướng cái đẹp cho công chúng, cho thế hệ trẻ; tạo môi trường giao lưu học hỏi, để các bạn trẻ giao lưu văn hóa. Nếu vẫn bám sát các tiêu chí này thì mỗi năm, chỉ cần 2-3 cuộc thi là đủ.

Nhưng qua thời gian, các cuộc thi hoa hậu không còn bám vào các mục tiêu này mà đề cao tính thương mại quá mức. Số cuộc thi quá nhiều, lại tổ chức không tốt, không có đóng góp thiết thực cho xã hội thì sẽ làm tổn thương đến công chúng yêu cái đẹp. Hiện tại, có nhiều cuộc thi không rõ quy mô, mục đích tổ chức những vẫn được gọi là hoa hậu.

Theo tôi, không cần thiết có quá nhiều cuộc thi hoa hậu.
Trước đây, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam diễn ra định kỳ 2 năm/lần là để công tác tổ chức, chuẩn bị được tốt nhất, thí sinh cũng có điều kiện chuẩn bị. Còn hiện tại, các cuộc thi liên tục ra đời thì làm sao có thể tổ chức tốt, kiếm được thí sinh chất lượng được. Hoa hậu phải là sự hài hòa của vẻ đẹp bên ngoài với tâm hồn, trí tuệ, sự hiểu biết, khả năng ứng xử… Tôi lấy ví dụ, hoa hậu Bùi Bích Phương, thành thạo nhiều ngoại ngữ, sau hơn 30 năm đăng quang vẫn xinh đẹp, thành đạt…

Thiết nghĩ, cần ban hành lại quy chế về thi người đẹp để đảm bảo sự văn minh, tiến bộ. Chẳng hạn, ngoài việc siết chặt khâu cấp phép, còn phải tăng cường hậu kiểm, xử phạt. Đơn vị nào vi phạm, làm không tốt thì sẽ không được cấp phép nữa. Việc giao cuộc thi cấp quốc gia cho địa phương cấp phép là không nên. Quy định cần thông thoáng nhưng cũng phải chặt chẽ.

Nhà thơ Dương Kỳ Anh - nguyên Tổng biên tập Báo Tiền Phong,
Trưởng ban tổ chức kiêm Chủ tịch Hội đồng giám khảo
các cuộc thi Hoa hậu Việt Nam từ năm 1988-2008

Trung Sơn (ghi)

Thành Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI