Để cuộc mưu sinh ngoài trời bớt nhọc nhằn

09/11/2024 - 06:14

PNO - “Kiếm được miếng cơm bây giờ chua lắm” là tâm sự của “bác tài” xe ôm truyền thống. Đây không chỉ là lời cám cảnh của riêng ông mà là tiếng lòng của nhiều người lao động ngoài trời ở các đô thị lớn.

Thực trạng này được phản ánh rõ nét qua kết quả nghiên cứu mới nhất của Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (SocialLife). Kết quả khảo sát cho thấy, thu nhập của người lao động sụt giảm 40 - 50% trong vòng 5 năm qua, trong khi chi phí sinh hoạt ở các đô thị tăng 25 - 30%. Trong số những người được khảo sát, 85% là lao động phi chính thức, 78% không có bảo hiểm xã hội, 65% không có bảo hiểm y tế.

Tình trạng biến đổi khí hậu đang tạo ra những thách thức không nhỏ cho nhóm lao động này. Có tới 70% người thường xuyên phải làm việc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt với nhiệt độ trung bình trong mùa hè có thể lên tới 35-40 độ C, chịu ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe lẫn năng suất lao động và thu nhập.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo thống kê từ các trung tâm y tế, số ca cấp cứu do say nắng, cảm nắng trong nhóm lao động ngoài trời tăng 30% trong 5 năm gần đây. Các triệu chứng phổ biến bao gồm chóng mặt, mệt mỏi, nhức đầu và một số trường hợp còn ngất xỉu. Đáng chú ý, chi phí điều trị các bệnh liên quan đến nghề nghiệp chiếm trung bình 15 - 20% thu nhập hằng tháng của người lao động, tạo thêm gánh nặng tài chính đáng kể cho họ.

Theo kinh nghiệm từ các nước trong khu vực, đã có những tín hiệu tích cực khi áp dụng mô hình hỗ trợ tổng thể: số vụ tai nạn lao động giảm 45%, chi phí y tế giảm 35%, thu nhập của người lao động tăng trung bình 25%.

Mô hình này thường bao gồm việc thiết lập các điểm trú chân tạm thời, cung cấp nước uống miễn phí, tổ chức các đội y tế lưu động ở các khu vực tập trung đông người lao động. Ngoài ra, việc quy định thời gian nghỉ ngơi bắt buộc trong những ngày nắng nóng và trang bị các dụng cụ bảo hộ phù hợp cũng góp phần quan trọng vào việc bảo vệ sức khỏe người lao động.

Để bảo vệ toàn diện người làm việc ngoài trời, chúng ta cần thực hiện đồng bộ 3 nhóm giải pháp then chốt. Trước hết là công nhận đầy đủ vai trò và đóng góp của người lao động ngoài trời trong nền kinh tế đô thị, từ đó xây dựng mô hình hỗ trợ tổng thể, gồm tập huấn về an toàn lao động, trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ, có các chính sách bảo hiểm y tế và bảo hiểm tai nạn, giám sát thường xuyên việc thực hiện các quy định về an toàn lao động.

Thứ hai là đảm bảo tiếng nói đại diện thông qua việc thành lập các nghiệp đoàn vững mạnh. Đây sẽ là cầu nối quan trọng giữa người lao động với các bên liên quan, qua đó chia sẻ và tháo gỡ kịp thời những khó khăn trong công việc, góp phần xây dựng môi trường làm việc tốt đẹp hơn. Các nghiệp đoàn cũng cần được lắng nghe để có thể tham gia vào quá trình hoạch định chính sách về điều kiện làm việc.

Cuối cùng là xây dựng cơ chế phân bổ nguồn lực hợp lý và công bằng. Trong thời đại số, việc phát triển các ứng dụng thông minh là không thể thiếu - từ hệ thống cảnh báo thời tiết đến việc dự báo rủi ro sức khỏe hay ứng dụng định vị - nhằm giúp người lao động làm việc an toàn và hiệu quả hơn. Đồng thời, cần có cơ chế phân bổ ngân sách hợp lý để duy trì các điểm trú chân, trạm y tế lưu động và các dịch vụ hỗ trợ thiết yếu khác.

Cuộc mưu sinh của người lao động ngoài trời chắc hẳn sẽ còn nhiều thách thức, nhưng với những giải pháp đồng bộ và tấm lòng của toàn xã hội, hy vọng họ sẽ bớt đi phần nào gian truân. Điều này không chỉ cần đến nỗ lực của các cơ quan quản lý mà còn đòi hỏi cả cộng đồng cùng chung tay, góp sức, bởi lẽ không thành phố nào có thể phát triển bền vững nếu thiếu đi sự quan tâm đến đời sống của những người lao động bình dân nhất.

Phó giáo sư, tiến sĩ NGUYỄN ĐỨC LỘC - Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI