Đề cử Nobel Hòa bình 2019: Cô gái gốc Việt tìm công lý cho 25 triệu nạn nhân tình dục

21/07/2018 - 06:00

PNO - Cô sinh viên gốc Việt theo học Đại học Harvard quyết bẻ lái số phận từ khúc quanh tăm tối, biến nỗi ám ảnh thành động lực tạo nên những thay đổi tích cực.

Biến cố bị hãm hiếp đã không chôn vùi được ý chí và nghị lực của Amanda Nguyễn. 

Amanda Nguyễn soạn dự luật Sexual assault survivors' Bill of Rights (Quyền của người sống sót sau khi bị tấn công tình dục) và cô đã được đề cử cho giải Nobel Hòa bình 2019.

De cu Nobel Hoa binh 2019: Co gai goc Viet tim cong ly cho 25 trieu nan nhan tinh duc
Amanda Nguyễn nhận được đề cử giải Nobel Hòa bình

Người đồng hành của những phụ nữ yếm thế

Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa - Mimi Walters là một trong hai người đã đề cử Amanda Nguyễn sau khi cô giúp bà hoàn thiện dự luật trên. Dự luật đã đi vào lịch sử tố tụng Mỹ khi được Quốc hội Mỹ thông qua và sau đó được Tổng thống Barack Obama ký ban hành năm 2016. Đạo luật được ví như “chiếc phao cứu sinh” dành cho 25 triệu nạn nhân các vụ tấn công tình dục trên toàn lãnh thổ Mỹ.

Không phải ngẫu nhiên mà từng câu chữ của cô sinh viên đại học Harvard khi ấy thật chặt chẽ, logic, sắc bén và đầy thuyết phục như thế. Hành trình của Amanda kéo dài qua những ngày tháng chờ đợi làm thủ tục gia hạn hồ sơ vụ cưỡng hiếp của cô (theo quy định của Mỹ, hồ sơ sẽ tự động bị hủy sau mỗi sáu tháng). Cứ đến đợt gia hạn hồ sơ, Amanda Nguyễn lại bị những cơn ác mộng giày xéo. Bao vết thương trong tâm trí trỗi dậy, nhấn cô trở lại hố sâu chán chường, tuyệt vọng.

Ngồi cùng Amanda ở hàng ghế chờ làm thủ tục gia hạn hồ sơ là những gương mặt phụ nữ mệt mỏi. Hệ thống tố tụng dường như đã bỏ quên số phận của họ. Khoảnh khắc đối diện với thực tế trần trụi ấy đã thôi thúc Amanda Nguyễn. Cô quyết định phải hành động, vì mình và hàng triệu số phận yếm thế chẳng thể cất tiếng nói.

Nghị sĩ Mimi Walters, trong thư đề cử Amanda Nguyễn, viết: “Điều cô ấy làm chính là chiến dịch mang tính cách mạng nhằm mang lại các quyền cơ bản cho những nạn nhân bị cưỡng bức và truyền cho họ sức mạnh đi tìm công lý”.

Khi thế giới vẫn còn quá nhiều định kiến, nghi ngờ phẩm giá của các nạn nhân bị tấn công tình dục, thậm chí xem họ là nguyên nhân tội ác… thì những điều Amanda Nguyễn làm được càng cho thấy đây là nỗ lực phi thường. Nỗ lực và lòng kiên trì ấy đã mở cánh cửa cho khoảng 35% phụ nữ trên thế giới (theo thống kê của Cơ quan Phụ nữ Liên Hiệp Quốc) từng bị tấn công tình dục.

De cu Nobel Hoa binh 2019: Co gai goc Viet tim cong ly cho 25 trieu nan nhan tinh duc
Amanda Nguyễn đã truyền niềm tin và động lực vươn lên cho các thành viên tổ chức Rise

“Sự bất lực của họ là nỗi hổ thẹn trong chúng ta”

Khi quyết định dốc sức vì cuộc chiến giành công lý, Amanda Nguyễn nhận ra cô không hề đơn độc. Tổ chức Rise do cô sáng lập có hàng ngàn nạn nhân - những người từng chẳng biết bấu víu vào ai. Họ tiếp sức cho nhau, tạo thành vòng tròn lan tỏa niềm tin vào lẽ phải. Những câu chuyện người thật việc thật là chất liệu quý giá giúp Amanda hoàn thành dự luật lịch sử. Phong trào Rise hiện đang hoạt động mạnh mẽ ở 38 bang của Mỹ và Nhật Bản, Mexico, Canada. Ngoài đạo luật liên bang năm 2016, Rise còn gây ảnh hưởng để 13 tiểu bang của Mỹ ban hành đạo luật tương tự.

Bị xâm hại năm 2013, ở thời điểm trước khi tốt nghiệp Đại học Harvard, Amanda Nguyễn không né tránh ký ức đau buồn này. Cô nỗ lực học hỏi, chứng tỏ năng lực qua nhiều vị trí ở Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) rồi những vị trí đòi hỏi chuyên môn cao ở Nhà Trắng. Từ những kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn đó, Amanda đã ấp ủ dự luật “Quyền của người sống sót sau khi bị tấn công tình dục”.

Khi nhắc đến đề cử Nobel Hòa bình, Amanda Nguyễn chia sẻ: “Khi nhắc đến hòa bình, ta sẽ liên tưởng đến những cuộc chiến sống còn, có thương vong, mất mát đo đếm được. Hiếm ai nghĩ những nỗ lực trong cuộc chiến cứu lấy hàng ngàn cuộc đời từ vực sâu tăm tối mà chúng tôi ngày đêm thực hiện là sứ mệnh hòa bình.

Với 35% phụ nữ trên thế giới sống sót sau khi trải qua bạo lực tình dục, họ cần được bảo vệ để có cuộc sống bình an. Đó là những cuộc chiến vô hình, vì chúng ta đâu dễ gì thấy những xáo trộn, đau đớn trong tinh thần họ. Sự suy sụp diễn ra thầm lặng, nhưng có thể giết chết cả đời người, nhấn chìm nạn nhân xuống vũng bùn mặc cảm, sống mòn cho hết ngày tháng. Sự bất lực của họ chính là nỗi hổ thẹn trong chúng ta”. 

Do thư đề cử Amanda Nguyễn gửi muộn so với hạn xét duyệt cho năm 2018, cô được đưa vào danh sách đề cử cho giải Nobel Hòa bình 2019. Ủy ban Nobel thường nhận hàng trăm cái tên cá nhân hoặc tổ chức được đề cử, từ đó rút gọn danh sách rồi tiến hành tìm hiểu các ứng viên trước khi công bố người đoạt giải vào tháng Mười hằng năm.

 Thiên Như (Theo UN Women, Strong Womens Quad, Skoll)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI