Để công nhân vệ sinh bớt nhọc nhằn khi tết đến

22/01/2024 - 06:42

PNO - Trong 7 ngày nghỉ tết sắp tới, lượng rác phát sinh ở TPHCM được dự báo hàng trăm ngàn tấn. Để công nhân vệ sinh đỡ tất bật thu gom rác đến kiệt sức, mỗi người dân cần tự giác phân loại và đặt rác đúng chỗ.

Gom rác quần quật ngày đêm

Từ đầu năm 2024 đến nay, ngày nào, các nhân viên vệ sinh thuộc Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ công ích quận 1 cũng hì hục thu gom rác ở khu công viên Bến Bạch Đằng, phố đi bộ Nguyễn Huệ cho đến gần sáng. 

Chị Thu Thủy - công nhân vệ sinh - cho biết, do có nhiều sự kiện ngoài trời nên lượng rác thải ra nơi công cộng cũng tăng gấp 5-6 lần ngày thường. Như rạng sáng 1/1, sau sự kiện bắn pháo hoa, khu công viên Bạch Đằng bị biến thành bãi rác lộ thiên. Khu này có thùng rác nhưng không đủ sức chứa; một số người còn vứt rác bừa bãi lên các thảm cỏ, lề đường ngập tràn bìa các tông, túi ni lông, giấy báo, bao thuốc lá. “Lượng rác đêm đó nhiều gấp 10 lần ngày thường” - chị Thủy ngao ngán.

Phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1 ngập rác sau một sự kiện chào mừng năm mới 2024 ẢNH: NHÓM SÀI GÒN XANH
Phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1 ngập rác sau một sự kiện chào mừng năm mới 2024 - Ảnh: Nhóm Sài Gòn Xanh

 

Những ngày này, ở đường Nguyễn Hồng Đào, quận Tân Bình, các nhân viên vệ sinh thu gom rác từ 17g đến 23g mỗi ngày. Một công nhân vệ sinh cho biết, công ty anh đang gom 9 tấn rác/ngày, gấp 3 lần ngày thường. Công nhân vệ sinh ngán nhất là gom rác thải do người ta dọn nhà thải ra, vừa nặng, vừa cồng kềnh, rất khó xử lý.

Trên đường Hoàng Sa, quận 3, chỉ mới 8g, những chiếc xe đẩy rác đều đầy ắp, mùi hôi nồng nặc. Một nữ công nhân vệ sinh cho hay, đã làm việc quần quật hơn 7 giờ để gom rác thải sinh hoạt ở các khu dân cư, đẩy ra điểm tập kết, chờ xe chuyển đi. Hiện giờ, số công nhân gom rác chưa tăng nhưng lượng rác phát sinh đã tăng gấp 2, gấp 3 nên mỗi người phải làm việc gấp 2, gấp 3 ngày thường. 

Chị nói: “Ngán nhất là gom rác ở công viên dọc bờ kênh Nhiêu Lộc. Nhiều nhóm ngồi ăn uống rồi xả rác tại chỗ, chúng tôi vừa dọn sạch sẽ thì nhóm khác lại đến ngồi chơi, xả rác nên chúng tôi phải dọn lần 2. Nếu ai cũng có ý thức giữ gìn vệ sinh thì công nhân vệ sinh sẽ đỡ vất vả rất nhiều”.

Chị Trần Thúy An - ở chung cư EHome 3, phường An Lạc, quận Bình Tân - cho biết, chung cư này có 2 thùng đựng rác cỡ lớn ở mỗi tầng lầu, trong đó 1 thùng chứa rác hữu cơ và 1 thùng chứa chất thải rắn. Hiện tại, ngày nào, 2 thùng cũng đầy ắp rác, nhưng cư dân trộn chung 2 loại rác, vứt vương vãi cả xuống sàn nhà, bốc mùi hôi. Công nhân vệ sinh phải thu gom rác 2 lần/ngày và phải mất công phân loại. 

Gần tết, lượng rác thải sinh hoạt ở TPHCM phát sinh nhiều, khiến hệ thống thu gom, xử lý rác thải bị quá tải - ẢNH: TÚ NGÂN
Gần tết, lượng rác thải sinh hoạt ở TPHCM phát sinh nhiều, khiến hệ thống thu gom, xử lý rác thải bị quá tải - Ảnh: Tú Ngân

 

Trong tháng Chạp, nhiều gia đình tổng vệ sinh nhà cửa, đổ trộm rác thải cồng kềnh ra đường. Dọc theo tuyến kênh trên đường Tô Hiệu, quận Tân Phú, có nhiều đống mền, gối, bàn ghế cũ do người dân đổ trộm sau khi dọn nhà. Dọc theo đường Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh, vô số rác thải cồng kềnh bị vứt bừa bãi ven đường. 

Tích cực phân loại rác tại nguồn

Theo ông Tống Viết Thành - Phó trưởng phòng Quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM - TPHCM hiện có hơn 300 đơn vị thu gom chất thải sinh hoạt, gồm 280 công ty tư nhân, 35 hợp tác xã bên cạnh Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị TPHCM và các công ty dịch vụ công ích. Lượng chất thải sinh hoạt phát sinh mỗi ngày khoảng 9.500-9.800 tấn, ngày tết và cận tết nhiều gấp 1,2-1,5 lần ngày thường, cao điểm là từ ngày 23 tháng Chạp đến mùng Năm tháng Giêng. “Chúng tôi rất mong người dân chung tay hỗ trợ, bằng cách vệ sinh nơi công cộng, hạn chế việc tập kết rác sai địa chỉ” - ông nói.

Những chiếc xe đẩy rác xếp hàng dài trên đường Hoàng Sa, quận 3 trong những ngày đầu tháng 1/2024 - ẢNH: TÚ NGÂN
Những chiếc xe đẩy rác xếp hàng dài trên đường Hoàng Sa, quận 3 trong những ngày đầu tháng 1/2024 - Ảnh: Tú Ngân

 

Giáo sư, tiến sĩ Lê Huy Bá - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường, Trường đại học Công nghiệp TPHCM - nhận định, để xử lý hàng chục ngàn tấn rác thải sinh hoạt phát sinh mỗi ngày, các nhà máy xử lý rác ở TPHCM gần như hoạt động không ngừng nghỉ. Để giảm áp lực xử lý rác, nên đưa vào vận hành các lò đốt mini có công suất xử lý 500 kg/ngày, đặt ở khu dân cư. Ông nói: “Tôi đã nhiều lần đề xuất giải pháp này, nhưng đến nay vẫn chưa được áp dụng”.

Theo ông Lê Huy Bá, một giải pháp khác có tính căn cơ là đẩy mạnh việc phân loại rác tại nguồn. Hiện nay, việc phân loại rác tại nguồn vẫn khá loay hoay, chưa đồng bộ. Do rác thải hữu cơ, chất thải rắn bị dồn chung nhau nên việc xử lý vừa vất vả, vừa kém hiệu quả. 

Tiến sĩ Phạm Viết Thuận - Viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường TPHCM - cho rằng, chính quyền TPHCM cần sớm tháo gỡ vướng mắc để các nhà máy xử lý rác thải theo công nghệ tiên tiến sớm đi vào vận hành. Nếu vận hành được 3 nhà máy đốt rác phát điện theo quy hoạch đã được phê duyệt thì sẽ xử lý được 6.000 tấn rác/ngày, giải tỏa được áp lực kể cả trong dịp lễ, tết. Còn hiện nay, việc xử lý rác thải ở TPHCM vẫn chủ yếu là chôn lấp nên rác luôn quá tải. 

Các bạn trẻ của nhóm Sài Gòn Xanh gom rác ở công viên Bến Bạch Đằng để góp phần làm giảm gánh nặng cho công nhân vệ sinh trong ngày đầu năm mới 2024 - ẢNH: NHÓM SÀI GÒN XANH
Các bạn trẻ của nhóm Sài Gòn Xanh gom rác ở công viên Bến Bạch Đằng để góp phần làm giảm gánh nặng cho công nhân vệ sinh trong ngày đầu năm mới 2024 - Ảnh: Nhóm Sài Gòn Xanh

 

Theo kiến trúc sư Trần Hùng - chuyên thiết kế công trình công cộng ở TPHCM - Việt Nam đang xử lý rác chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp nhưng việc thiết kế các bãi chôn lấp còn nhiều nhược điểm, chưa tận dụng được rác thải, chẳng hạn chưa biến rác thành khí gas, phân bón: “Không phải cứ chôn lấp là lạc hậu. Một số nước vẫn chôn lấp rác nhưng theo mô hình tuần hoàn. Ở bãi rác, họ xây dựng ô chứa rác theo kích cỡ chuẩn, mỗi ô có thể chứa lượng rác phát thải trong 1 năm. Sau đó, họ ủ rác thành phân, thành khí gas. Mỗi bãi rác có thể làm 5-6 ô chứa để có thể xoay vòng, tiếp tục đổ rác xuống ô đã khai thác phân. Muốn làm được như vậy, cần có phương án khai thác rác, thiết kế ô chứa rác chuẩn và làm tốt khâu phân loại rác tại nguồn”. 

Cách bảo quản rác khi chờ công nhân vệ sinh thu gom

Theo kế hoạch, các đơn vị trong ngành vệ sinh sẽ được nghỉ làm việc ngày mùng Một, mùng Hai tết Giáp Thìn 2024. Như vậy, rác thải sinh hoạt của các hộ sẽ không được thu gom trong 2 ngày này.
Theo phó giáo sư, tiến sĩ Lê Hùng Anh - Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường, Trường đại học Công nghiệp TPHCM - để rác thải sinh hoạt không bốc mùi, gây ô nhiễm trong 2 ngày này, mỗi gia đình nên cân đối lượng thực phẩm trong mỗi bữa ăn để tránh dư thừa, gây hôi thiu cũng như lãng phí. Phần thực phẩm dư thừa cần được để riêng, buộc chặt trong túi, để nơi thoáng mát. Tận dụng lượng thực phẩm dư thừa ủ phân là cách vừa bảo vệ môi trường, vừa tạo được nguồn phân bón chất lượng cho mảng xanh của gia đình mình. Đối với đồ uống đóng chai, sau khi sử dụng, các hộ nên tráng qua nước sạch, tránh phần thức uống còn thừa lên men, bốc mùi, sau đó bán ve chai hoặc chuyển giao cho đơn vị thu gom để tái chế.

Ai cũng làm được phân hữu cơ từ rác

Cứ đến cuối tuần, bà Nguyễn Thị Đào (quận Gò Vấp) lại thu gom rau củ thừa trộn với xơ dừa để ủ phân hữu cơ, bón cho vườn rau của nhà mình. Nhờ cách này, gia đình bà vừa đỡ tốn tiền mua rau, mua phân bón, vừa không phát thải rác hữu cơ ra bên ngoài. Bà cho hay, bà học được cách làm phân hữu cơ nhờ Hội LHPN quận Gò Vấp mời chuyên gia về tập huấn cho hội viên phụ nữ. 
Phó giáo sư, tiến sĩ Lê Hùng Anh đánh giá, việc mỗi gia đình ủ phân hữu cơ từ thực phẩm dư thừa hằng ngày giúp giảm áp lực cho việc thu gom, xử lý rác thải, giúp tạo ra nguồn phân bón có chất lượng cho vườn rau, mảng xanh của gia đình. Quy trình ủ phân rất đơn giản: chuẩn bị nguyên liệu; băm nhỏ nguyên liệu (kích cỡ 1 - 2cm); trộn với mùn dừa và men vi sinh; ủ trong thùng có lỗ để thoát khí; đảo trộn mỗi tuần và thu hoạch sau khoảng 4 tuần. 

Lập nhóm tình nguyện thu gom rác thải

Trong đêm 31/12/2023, một số bạn trẻ ở TPHCM đã xuống đường nhặt rác. Họ là thành viên của nhóm Sài Gòn Xanh - một nhóm bạn trẻ tình nguyện thu gom rác để làm sạch nhiều con kênh, tuyến phố ở TPHCM. Đại diện nhóm này cho biết, họ chọn thu gom rác vào đêm giao thừa nhằm giảm bớt phần nào nhọc nhằn cho các nhân viên vệ sinh môi trường, đồng thời mong muốn hành động của mình làm lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường đến cộng đồng. Thời gian tới, nhóm sẽ tiếp tục các hoạt động thu gom rác, làm sạch môi trường.

TPHCM sẽ đổi cách phân loại chất thải rắn sinh hoạt

Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, TPHCM đang chuẩn bị thay đổi cách thức phân loại chất thải rắn sinh hoạt thành 3 nhóm gồm: chất thải rắn sinh hoạt có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác.

Từ năm 2017 đến nay, TPHCM phân loại chất thải rắn sinh hoạt thành 2 nhóm: nhóm có khả năng tái chế (người dân có thể giao dịch, bán hoặc để cho các đơn vị thu mua tái chế, tái sử dụng), nhóm chất thải giao cho các đơn vị thu gom.

Để đảm bảo tính thống nhất, liên tục trong việc triển khai phân loại chất thải rắn tại nguồn thành 3 nhóm, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM đang tham mưu, đề xuất thành phố lộ trình thực hiện. Theo đó, trước ngày 31/12/2024, UBND TPHCM giao UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện tiếp tục thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn thành 2 loại giống quy định cũ. 

Đồng thời chủ động xây dựng kế hoạch đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật đảm bảo công tác thu gom, vận chuyển tại địa phương. Có kế hoạch tuyên truyền đến đơn vị hoạt động thu gom, người dân, các tổ chức trên địa bàn để người dân và lực lượng thu gom hiểu rõ và có bước chuẩn bị thực hiện phân loại rác tại nguồn thành 3 loại. Kể từ ngày 31/12/2024 trở đi, TPHCM sẽ triển khai việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn thành 3 loại. 

Để chuyển đổi từ việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt từ 2 nhóm sang 3 nhóm, các địa phương cần phải có thời gian để trao đổi, làm việc với các đơn vị trúng thầu thu gom, phải xây dựng lại kế hoạch, rà soát trang thiết bị, phương tiện, hạ tầng thu gom… nhằm đảm bảo tính đồng bộ trong việc phân loại. Giúp tránh xảy ra tình trạng người dân đã thực hiện phân loại rồi nhưng công tác thu gom lại không đáp ứng làm lẫn lộn các chất thải với nhau, gây lãng phí nguồn lực xã hội, làm giảm hiệu quả hoạt động phân loại rác tại nguồn.

Cần nhà máy xử lý rác thải xây dựng

Hiện nay, lượng rác xây dựng mỗi ngày tại TPHCM chiếm khoảng 20% rác thải sinh hoạt (tương đương 1.800 tấn/ngày). Trong số này, chỉ một phần nhỏ được thu gom, xử lý. Phần còn lại vẫn được người dân xử lý bằng cách bán cho nơi cần san lấp, thuê người đi bỏ.

Việc thiếu nhà máy xử lý rác xây dựng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hình thành các bãi rác thải xây dựng tự phát ven đường, bên khu dân cư và ven kênh rạch. 

Để hạn chế tình trạng vứt rác thải xây dựng bừa bãi, TPHCM cần phát triển các nhà máy xử lý rác thải xây dựng. Đầu vào của nhà máy là rác thải xây dựng, đầu ra sẽ là gạch, vật liệu san lấp nền… Đừng xem rác thải xây dựng là rác mà hãy xem đó là tài nguyên.

Kiến trúc sư Trần Hùng

Diễm Trang - Tú Ngân - Hoàng Lâm

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI