Để con tự quyết định chuyện học và cuộc đời là tiến bộ?

23/12/2020 - 16:06

PNO - Mỗi lần nghe ai đó nói "để con tự quyết định” là mình thấy có vấn đề. Ban đầu thì tưởng đấy là dân chủ, hiện đại, tôn trọng con. Nhưng theo kinh nghiệm thì đó là phát ngôn cực kỳ thiếu trách nhiệm.

Chuẩn bị đến thời điểm học sinh lớp 12 phải chọn trường đại học, ngành học thì câu hỏi cha mẹ chọn hay để con quyết định luôn là vấn đề nóng hổi, không có đáp án chung thỏa đáng cho tất cả trường hợp. 

Trước đây, nhiều cha mẹ tham gia rất sâu vào quá trình đưa ra quyết định của con, thậm chí còn lựa chọn thay con. Hiện nay, phần lớn cha mẹ ở thành thị lại có xu hướng: Phải tôn trọng, cho con tự quyết định. Quyền của con!

Mỗi lần nghe ai đó nói "để con tự quyết định” là tôi thấy có vấn đề. Ban đầu thì tưởng đấy là dân chủ, hiện đại, tôn trọng con. Nhưng theo kinh nghiệm thì đó là phát ngôn cực kỳ thiếu trách nhiệm.

Học sinh cần được cung cấp đủ thông tin trước khi đưa ra quyết định về cuộc đời - Ảnh minh họa
Học sinh cần được cung cấp đủ thông tin trước khi đưa ra quyết định về cuộc đời - Ảnh minh họa

Tôi có một đứa cháu gái, gia đình khá giả và “hiện đại” nên cũng tôn trọng quyền quyết định chọn trường, chọn ngành đại học của con. Thế là năm thứ nhất cháu đi học chuyên ngành về máy tính ở Mỹ. Đến hết năm thứ hai, cháu cho rằng nghề này ở Mỹ có vẻ không được triển vọng, tươi sáng lắm, nên quyết định sang Thụy Sĩ học ngành nhà hàng khách sạn. Cha mẹ thương con cũng đồng ý. Được 1 năm, cháu chán ngành này và kết luận là cháu nên về Anh học ngành tâm lý học. Thế là trong 3 năm, cháu học ở 3 nước và tôi không biết đây có phải là quyết định cuối cùng của cháu ấy chưa.

Một trường hợp khác, một bạn vì thích thiết kế và nghe theo lời tư vấn cứ chọn ngành theo sở thích nên quyết tâm đi học ngành này tại một trường nổi tiếng ở Mỹ. Bạn tốt nghiệp loại giỏi nhưng ở Mỹ xin việc không dễ nên về Việt Nam đi làm với mức lương rất bình thường. Nếu cha mẹ có đọc thống kê thì sẽ biết ngành thiết kế và truyền thông (communication) được coi là những ngành mà cơ hội xin được việc thấp nhất. Và nếu như vậy thì họ đã có thể khuyên bạn học thêm một ngành khác để đa dạng hóa kỹ năng của bạn ấy.

Có rất nhiều trường hợp "tôn trọng" quyết định của con một cách rất máy móc, thiếu khoa học dẫn đến lỡ dở nhiều thứ. Cái mà phương Tây hay cổ suý cho việc để con tự quyết định phải là “đưa ra quyết định có thông tin” (making “informed” decision). Không phải là “tự quyết định” khi không được cung cấp đầy đủ thông tin. 

Tôi luôn khuyến khích con tự ra quyết định để làm gì và học gì. Có điều, quan điểm của tôi là phải cung cấp đủ thông tin và dạy con phân tích cùng mình để đưa ra quyết định, chứ không thể dựa trên cảm tính và ý thích nhất thời được. Mọi quyết định cần được cân nhắc kỹ chứ không phải “dân chủ hay hiện đại” nửa mùa. Tốt nhất là tìm chuyên gia thực sự để hỏi han. 

Nhiều khi con thích đi Úc chỉ vì thấy bạn bè sắp sang Úc, nhưng con lại không được giải thích là học ở Úc chưa chắc có lợi thế cạnh tranh về danh tiếng và chất lượng với nhiều thị trường du học khác.

Chọn trường đại học, ngành học là bước ngoặt lớn quyết định tương lai sau này
Chọn trường đại học, ngành học là bước ngoặt lớn quyết định tương lai sau này

Lúc tôi còn nhỏ, bố mẹ luôn đưa tôi đến gặp những người giỏi nhất mà các cụ có thể gặp mỗi khi tôi đưa quyết định quan trọng. Muốn học văn, bố cho đến gặp một ông bạn thân là nhà văn nổi tiếng. Và mình kết luận là đời văn chương... đói lắm. Sau đó, nói thích học luật và ngoại thương, ông bà liền đưa đi thăm mấy cô chú trong ngành đã từng sống ở nước ngoài và mình thấy rất hay. Thích vào học trường THPT chuyên Amsterdam thì cho gặp ngay một thầy nổi tiếng kiểm tra xem có đủ năng lực học ở Amsterdam không?... Không bao giờ bố mẹ để tôi tự quyết định mà không tham khảo những người giỏi hơn các cụ trong lĩnh vực đó. 

Không phải ngẫu nhiên mà thống kê cho thấy nhiều người giỏi thường có truyền thống “cha truyền, con nối”. Không phải là vì họ có gen sẵn. Mà vì họ được đào luyện và có đủ thông tin về ngành của họ từ khi còn bé.

Đến chúng ta, qua tuổi 40 nhiều khi còn không biết mình thích gì, muốn gì, vậy thì làm sao lại để một đứa trẻ 15-17 tuổi quyết định nếu các bạn ấy chưa từng trải nghiệm, chưa từng vấp, chưa từng được thông tin, phân tích về lựa chọn nghề nghiệp và cuộc đời? 

Do vậy tôi cho rằng đừng bao giờ để các con tự quyết định mà không đưa cho các cháu đủ thông tin, chia sẻ trải nghiệm và tư vấn từ những người giỏi (với các ý kiến khác nhau). Và đặc biệt nếu bố mẹ không biết nhiều về ngành con học/muốn làm thì đừng phó mặc cho con tự quyết. Bạn sẽ hại chúng. Đấy không phải là dân chủ hay hiện đại, đấy là vô trách nhiệm! Những đứa trẻ thành công khi lớn lên đều được cha mẹ sát cánh bên cạnh!

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Toàn

Tổng Giám đốc Tổ chức giáo dục EQuest

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI