|
Thạc sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hạnh trong một chương trình hội thảo học đường - Nguồn ảnh: Ý Tưởng Việt |
Con còn nhỏ nên mè nheo, dựa dẫm; sau này lớn, tự khắc sẽ hiểu chuyện, tự biết lo, hay phụ huynh nhất thiết phải “uốn tre từ thuở còn… măng”? Sự hy sinh vô bờ của cha mẹ có tác dụng kích thích hay làm thui chột tính tự lập, ý thức trách nhiệm của con đối với bản thân mình, với người khác, với xã hội?
Thạc sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Trung tâm Đào tạo kỹ năng sống Ý Tưởng Việt - với những chia sẻ về kiến thức và kỹ năng sẽ giúp phụ huynh phần nào bước qua những băn khoăn, lúng túng này.
Phóng viên: “Ký sinh” là do tính cách của từng đứa con hay do phong cách nuôi dạy của cha mẹ, thưa thạc sĩ?
Thạc sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hạnh: Mỗi đứa trẻ lớn lên đều chịu sự ảnh hưởng từ nhiều yếu tố như cách nuôi dạy của cha mẹ và môi trường mà đứa trẻ đó sống và tương tác. Tuy nhiên, phần nhiều là do cách giáo dục của cha mẹ, ngay trong môi trường gia đình. Việc “con ký sinh” sống phụ thuộc vào cha mẹ, dù đã lớn, cho thấy sự bảo bọc quá mức từ cha mẹ, luôn đáp ứng mọi nhu cầu của con mà không cho chúng cơ hội tự lập hoặc trải qua khó khăn. Con cái sẽ thiếu kinh nghiệm trong việc đối mặt với thử thách và tự ra quyết định. Điều này có thể dẫn đến việc chúng phụ thuộc vào cha mẹ, không cảm thấy cần phải nỗ lực hoặc tự lo liệu cuộc sống. Ngoài ra, cha mẹ không chú trọng tới việc giáo dục những kỹ năng sống cho con, tập cho con các kỹ năng tự lập, kỹ năng giải quyết vấn đề, từ đó trẻ không tự tin ra quyết định, sợ trách nhiệm, sợ sự thay đổi, cái gì cũng phải tới tay cha mẹ xử lý.
* Vì sao cùng cha mẹ, cùng phương pháp giáo dục, lại cho ra những sản phẩm rất khác nhau: đứa hiếu thảo, gánh vác gia đình; đứa chây lì sống kiếp tầm gửi?
- Tôi không nghĩ có cùng phương pháp giáo dục y như nhau, dù cùng cha mẹ, với mỗi đứa con. Thoạt nhìn thì thấy giống, nhưng thật ra cách cha mẹ tương tác lại khác nhau, thường thì chúng ta sẽ có sự thiên vị với đứa con mà ta thấy yếu ớt hoặc không được thuận lợi hơn so với những đứa con khác. Chưa kể sự khác biệt về giới tính, hoàn cảnh ra đời của con, cảm xúc của cha mẹ trong mỗi giai đoạn cuộc sống cũng tạo ra môi trường giáo dục trong gia đình có sự khác biệt.
Chúng ta không phủ nhận vai trò của tính tự ý thức hay sự tự lập của cá nhân tạo ra đứa bé hiểu chuyện hay đứa bé luôn ỷ lại, nhưng chính sự nuôi dưỡng, sự tương tác khác nhau về thái độ - cảm xúc của cha mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển nhân cách của con trẻ. Hẳn nhiên, đứa con nào cũng do mình “rứt ruột đẻ ra”, đứa nào mà không yêu thương, nhưng tương tác sai cách đã tạo ra tính cách ở mỗi trẻ khác nhau. Nhà có 2 con thì cha mẹ luôn yêu cầu đứa lớn phải làm nhiều, phải nhường nhịn, phải chịu thiệt hơn so với đứa nhỏ và đứa hiểu chuyện bao giờ cũng được “rèn” trong môi trường khắc nghiệt hơn.
|
Dạy con các kỹ năng sống cũng là một bước quan trọng để trẻ sớm tự lập. Trong ảnh: Các em học sinh cấp II làm bè vượt sông bằng tre và túi ni lông - Ảnh: Tr. Thắng |
* Xin thạc sĩ nói cụ thể hơn về “tương tác sai cách” trong trường hợp này?
- Nhiều cha mẹ nghĩ rằng, con còn nhỏ, mai mốt lớn lên tự khắc sẽ lo, sẽ biết và trưởng thành. Đây là một niềm tin cực kỳ phi lý trí. Trước khi con trẻ có nhận thức đủ đầy để trưởng thành thì trẻ làm gì có cơ hội được làm sai, được trải nghiệm mà học hỏi. Thói quen bảo bọc và làm mọi thứ thay con là tình thương “độc hại” đối với con trẻ, làm thui chột ý chí và nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ của con; làm mất đi khả năng lao động và niềm vui sáng tạo khi trải nghiệm của trẻ. Ta toàn “bơm” sự sợ hãi, sự sợ thất bại vào lòng con thì mong cầu gì có được đứa trẻ mạnh mẽ và có tính trách nhiệm. Rất nhiều năm tiếp xúc với các bậc cha mẹ khi làm tư vấn tâm lý tình yêu - hôn nhân - gia đình, tôi chỉ mong mỏi một điều là các bậc cha mẹ hãy học làm cha mẹ dạy con đúng cách. Trong đó, việc đầu tiên và quan trọng nhất là học cách bình tĩnh, kiên nhẫn và không can thiệp quá sâu vào cuộc sống của con.
* Điều gì hay động lực nào đủ mạnh để người con vốn ỷ lại có thể thay đổi, lột xác?
- Chúng ta thường nói “nhà là nơi để quay về”. Cha mẹ vẫn hay dặn con kiểu “mệt quá thì về nhà đi con”, nhưng câu nói này, theo tôi vẫn chưa đầy đủ. Cuộc sống có bao giờ là dễ, là khỏe. Ai cũng phải tự trang bị cho mình những kỹ năng ứng phó để tồn tại và phát triển, trước khi chạy về “để trốn ở nơi bình yên nhất” thì con trẻ đã cố gắng làm mọi cách, đối mặt để xử lý vấn đề chưa? Có sự lớn lên nào mà không “thay da đổi thịt”, không “trầy da tróc vảy” qua các bước chuyển mình? Tôi lại nhớ đến câu chuyện có một vị tướng quân thời xưa dẫn lính vượt qua sông để đánh giặc, khi thuyền cập bến đã hạ lệnh đốt và phá thuyền nhằm khích lệ tinh thần quyết chiến của quân sĩ khi không còn đường thoái lui. Cuộc sống ngày nay không khắc nghiệt như trên chiến trường, nhưng cũng nhắc cha mẹ chúng ta đừng quá dễ dàng chấp nhận với những mong cầu của con khi chưa tìm hiểu và xét tính cấp thiết của nó. Đừng vội dang rộng vòng tay đón con vào lòng. Hãy để trẻ sống với những khó khăn của trẻ và chịu trách nhiệm với những quyết định của mình. Đó sẽ là những động lực để con trưởng thành.
* Cách nào để cha mẹ có thể “nhào nặn” ra những đứa con dám tự đứng trên đôi chân của mình, thưa thạc sĩ?
- Cha mẹ hãy dành thời gian để dạy những kỹ năng tự lập, khuyến khích và tạo cơ hội cho con cái tham gia việc quản lý cuộc sống của mình theo năng lực của con trẻ; đưa ra nguyên tắc về ranh giới: khi nào, cái gì, tới đâu trong việc nhận hỗ trợ từ cha mẹ; sẵn sàng lắng nghe và đối thoại cởi mở với con, luôn cho phép con được quyết định mọi việc về bản thân khi con đủ hiểu vấn đề và chịu trách nhiệm về những hành động đó. Nếu con có những nỗi sợ, lo lắng, cha mẹ cần tìm đến các chuyên gia tâm lý để hỗ trợ tinh thần, phát triển sự tự tin và kỹ năng giải quyết vấn đề của con.
Để con có thể “đứng trên đôi chân của mình”, hãy để con tự kiếm tiền, mua giày và bước đi… Nhiệm vụ của cha mẹ là cho con môi trường học tập và trải nghiệm để con có đủ năng lực, vỗ tay khen ngợi con bước đi và “đỡ con” đứng lên khi cần thiết.
* Xin cảm ơn thạc sĩ.
Tô Diệu Hiền (thực hiện)