Để con quản trị cuộc sống

27/12/2017 - 11:53

PNO - Chả lẽ con gái lớn lên, ra đường tới gọt một quả cam cũng không biết, cầm cây dao cũng lóng ngóng vụng về, coi sao được.

Bà Sáu giúp việc cho gia đình tôi chừng 60 tuổi, nhưng trông vẫn khỏe khoắn, nhanh nhẹn. Bà thuộc típ người ăn to nói lớn, lại ôm đồm, nhanh nhảu, đoảng và… nói nhiều. Thú thật là, từ ngày có bà, cuộc sống gia đình tôi có phần náo nhiệt hẳn.

Ví như, tôi vừa kêu con trai nhỏ dọn cái dĩa trái cây vừa ăn xong, bà kêu lên “để đó” rồi tất tả làm ngay phần việc của thằng bé. Mỗi lần thằng nhóc thay đồ là bà đứng canh chừng ngay bên để mang quần áo của nó bỏ vào máy giặt.

Tôi sai bé Tép - con gái lớn - xếp quần áo khô vào tủ, con nói: “Bà Sáu bảo con chẳng phải làm gì hết”. Nếu tôi cương quyết bắt con “làm lụng”, bà Sáu tỏ thái độ giận dỗi, mặt mũi nhăn nhó ngay.

De con quan tri cuoc song
Ảnh minh họa

Bé Tép thích vẽ vời, nấu nướng linh tinh. Mỗi lần nó bày biện là bà cháu lại chí chóe với nhau, ồn ào cả căn bếp nhỏ. Chung quy, tại Tép hay bưng cái này, đặt cái kia lung tung cả lên, lại chậm dọn dẹp, khiến bà Sáu thấy “khó ở”.

Thành phẩm của mấy lần trổ tài của Tép là món bánh “đá” vừa cứng vừa khô, hoặc mớ chả giò, trứng chiên khét lẹt. Bà Sáu tha hồ chê bai, dè bỉu, có khi còn… lạm quyền - cấm Tép từ rày về sau không được nổi lửa nấu nướng gì nữa, muốn ăn gì thì bảo bà làm cho, để thời gian mà học hành.

Có lần vui miệng, tôi hỏi thăm bà Sáu về con cái, nhận được một câu chuyện dài, rằng gần 30 tuổi rồi mà cậu con bà vẫn cứ lông bông hoài, tới cơm cũng không biết nấu để ăn, phải nhờ dì nuôi giùm. Tháng tháng, bà nhờ tôi chuyển khoản tiền về quê cho cậu con trai lẽ ra đã có thể là trụ cột kinh tế gia đình.

Vì đâu nhà khó khăn, mẹ phải xa xứ đi giúp việc mà con trai bà Sáu lại vô tâm đến vậy? Bà kể, từ bé cậu con đã được cưng chiều, không đụng tay vào việc gì, nên lớn lên bỏ học, rồi lông bông, chẳng làm ở chỗ nào được lâu dài. Giờ bà già rồi mà vẫn phải lụm khụm nuôi con, thật là vô phước.

Nhân dịp ấy, tôi đề nghị bà Sáu hãy để các con tôi được góp sức làm việc nhà - chấp nhận ban đầu vụng về thì mới có sau này thành thạo, chứ sợ hư hỏng, mất thời gian thì ta sẽ phải cả đời “hầu” chúng. Có tự tay lau dọn, lũ nhóc mới biết giữ gìn ngăn nắp, lại tốt cho sự phát triển của hai chị em.

Chả lẽ con gái lớn lên, ra đường tới gọt một quả cam cũng không biết, cầm cây dao cũng lóng ngóng vụng về, coi sao được. Một cậu con trai không có kỹ năng tự lo những việc cá nhân thì đừng mong mai này có thể quan tâm chăm sóc ai, ngay cả người thân. Có lấy vợ về chỉ thêm khổ cho cả hai, lẫn cha mẹ.

Bà Sáu trầm ngâm. Hẳn bà đang hối tiếc vì đã để con sống cảnh “không hề phải động tay vào việc nhà” từ bé thơ tới lúc lớn tướng. Vậy mà bây giờ, bà lại muốn áp cái phương pháp giáo dục ấy lên bọn trẻ nhà tôi.

De con quan tri cuoc song
 

Tôi bỗng nhớ lại hồi nhỏ hay được mẹ biểu đi “giúp đám” trong xóm. Tức là đến nhà đang có sự kiện ma chay, cưới hỏi để phụ việc bếp núc. Ban đầu là lặt rau, thái hành, sau “nâng cấp” lên đổ rau câu, tỉa củ quả, rồi dần có thể đứng bếp, nấu món này món nọ.

Con trai cũng không ngoại lệ: lớn lớn chút là được gửi đi “coi ăn”, “bắc mâm” - giống như phục vụ bàn bây giờ, trong những dịp tiệc tùng. Người ta có thói quen khen chê, đánh giá sự ngoan, giỏi của bọn trẻ con qua những dịp lễ lạt như thế, cũng là cơ hội để bọn nhóc chứng tỏ sự trưởng thành của mình trong những việc tưởng chừng không tên, nhỏ nhặt.

Chính cái giai đoạn phụ việc linh tinh ấy đã giúp chị em tôi sau này biết quán xuyến, lo lắng trong ngoài. Ra xã hội, chúng tôi tự tin là việc tay chân gì thiên hạ làm được thì mình cũng có thể. Đương nhiên, tôi cũng như nhiều bậc cha mẹ thời nay hay xót con, sợ chúng phải vất vả; việc đâu có đáng gì mà phải để con trẻ mó tay vào.

Chính những suy nghĩ ấy đã dần biến trẻ con thành… gà công nghiệp - chỉ biết ăn ngủ, học hành, mọi cái đều ỷ lại đã có cha mẹ lo. Lỡ như gia đình xảy ra chút xáo trộn về giờ giấc hay nhân sự là hỡi ơi, biết đá biết vàng ngay. Khi ấy mới kêu trời là con mình chẳng có khả năng tự làm việc gì, dù cỏn con, thì cũng đã quá muộn. 

Bà giúp việc hay giành phần việc nhà với hai đứa con tôi, cứ như sợ tụi nó vất vả vậy. Chớ vội cho rằng bà tham công tiếc việc, sợ chủ nhà đánh giá là lười biếng này nọ nhé. Thực tế, bà khá biếng nhác, làm gì cũng qua loa, lại thêm cái tính ưa “chỉ đạo” bọn nhóc phải thế này thế nọ, nhưng lại mặc kệ chúng ngồi chơi khi cả nhà ai cũng tất bật chuẩn bị bàn ăn hay tổng vệ sinh cuối tuần.

Trò chơi ưa thích của bọn con nít chúng tôi ngày trước là chơi nhà chòi - tập làm những món bánh trái từ đơn giản tới cầu kỳ. Hằng ngày, đương nhiên phải biết quét nhà, rửa chén, cọ xoong nồi bóng loáng. Đó là cách chúng tôi học “quản trị cuộc sống”.

Lưu Ly

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI