Đẻ con gái, cho ăn trấu cũng lỗ?

26/03/2018 - 19:00

PNO - Không biết ai đã “phát minh” ra câu nói ám chỉ việc cha mẹ chẳng thể cậy nhờ ở con gái ấy, nhưng chắc chắn nó đã làm không ít cô con gái chạnh lòng.

Má tôi chưa từng nói thế, nhưng những gì má dạy, đều để chuẩn bị cho tương lai của tôi ở… một nơi khác. Tôi nấu ăn vụng hoặc làm vỡ chén dĩa, má than: “Kiểu này làm dâu là bị chửi tắt bếp”. Tôi nơm nớp lo, nhà chồng nào đó là nơi rất khắc nghiệt, chuyên bắt lỗi và rầy la. Tôi cố gắng nấu ăn ngon, dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, má lại thở dài: “Dạy khôn dạy khéo rồi cũng để thiên hạ nhờ”.

De con gai, cho an trau cung lo?
Tất cả mọi lẽ má dạy tôi đều để làm "con nhà người ta". Ảnh minh họa

Tôi hoang mang không biết đã sai ở chỗ nào. Đôi khi tôi ước mình là con trai, như thằng Út, dù nghịch phá hay lơ là học hành, ông nội vẫn hãnh diện nó là “đế lư hương” của ông. Ba thì không lo, vì đã có thằng Út kế thừa gia nghiệp lẫn chăm nuôi lúc tuổi già. Trong những câu chuyện ở thì tương lai của ba má, hoàn toàn không có bóng dáng của tôi, vì “con gái là con người ta”. Mỗi lần tôi bị ba trách phạt, má can: “Thôi ông, nó sống với vợ chồng mình chẳng bao lâu”. Vẻ thương xót của má khiến tôi tủi thân, lủi vô phòng nằm khóc, như thể ngày mai đã bị mang đi khỏi nhà.

Tôi vào đại học, má dặn: “Ráng tằn tiện nha con, mai mốt má còn phải lo cho thằng Út”. Tôi hiểu, tôi chỉ ké vào suất học của Út, nhiều nhà còn không cho con gái đi học nữa là. Đêm trước ngày tôi lấy chồng, má mang ra hộp trang sức, cho tôi sợi dây chuyền - món tôi thèm khát từ rất lâu. Tôi thích thú ướm thử chiếc vòng có dây xích treo hai trái tim bằng ngọc rất xinh. Má nói chiếc vòng là để dành cưới vợ cho thằng Út. Hơn 10 cây vàng ba má tích góp cả đời, cũng là để dành cho Út sau này làm vốn. Tôi thả lại chiếc vòng vào hộp. Từ mai, tôi đã thành “con của người ta”, tâm tư đều để vào “gia đình người ta”. Nửa đời còn lại của ba má, đều trông cậy vào Út. Tôi tranh với em làm chi một chiếc vòng.

De con gai, cho an trau cung lo?
Má tôi cả đời đều dành dụm vì  "thằng Út". Ảnh minh họa

Từ ngày Út lấy vợ, căn nhà trôi mất kỷ niệm của tôi. Nhà được sửa sang theo ý của vợ chồng Út. Khu vườn bị phá đi để xây nhà trọ. Tôi về nhà mà ngơ ngác như lạc chỗ. Má đi chợ, hỏi em dâu muốn ăn gì, là má ý tứ, sợ con dâu so bì.

“Con gái là con người ta”, nhưng ba má vẫn là ba má của tôi. Ba má nằm viện, Út nói: “Chị hiểu ý ba má hơn em. Chị ở viện chăm là hợp lý”. Tiền viện phí, Út than: “Vợ chồng em mới đi du lịch, sạch tiền, chị trả đi”. Ba má tuổi già, nay ốm mai đau. Lần đó, má bị té, gãy xương đùi, không tự chủ được việc đi vệ sinh. Mặc tã thì má bị hăm lở, tôi phải thay giặt liên miên. Đêm, cái chân gãy hành má đau, tôi phải thức trắng xoa bóp cho má. Má tôi xót con, bảo: “Má làm khổ con quá”. Tôi nghẹn ngào: “Ba má cho con ăn học đàng hoàng, con nuôi ba má là phải rồi”. Câu nói của tôi khiến má bật khóc, tôi cũng khóc theo. Con nào cũng là con, sao phải phân biệt gái trai. 

Thùy Gương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI