Để có những thế hệ tốt hơn

07/07/2017 - 12:51

PNO - Sinh con không phải là chuyện có thêm một đứa trẻ trong nhà mà còn là chuyện nuôi cho con được “hơn” thế hệ của mình: được khỏe hơn, đẹp hơn, thông minh hơn, thành đạt hơn.

Các thống kê cho thấy, tỷ lệ sinh của phụ nữ tại TP.HCM được xếp hạng thấp nhất trên cả nước; năm 2013, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 1,48. Nhìn lại thực tế quanh mình, ở cơ quan, ở nhà hay trong khu phố, đúng là lớp trẻ đang có xu hướng kết hôn muộn, sinh con muộn. Từ chỗ có con đầu lòng muộn đến chỗ quyết định chỉ sinh một con là một hệ quả dễ hình dung.

De co nhung the he tot hon
Phụ nữ tại TP.HCM đang có tỷ lệ sinh con thấp nhất cả nước.

Người ta cũng đã dần dần quen với việc một bộ phận phụ nữ thành phố tập trung cho công việc, phát triển sự nghiệp, phát triển bản thân, chọn lựa cuộc sống độc thân, tự do, tự lập. Cũng khó hình dung các bà mẹ đơn thân, hay những cặp vợ chồng đã ly hôn có đủ khả năng để sinh và nuôi nhiều con. Các trào lưu chọn lựa đời sống hôn nhân của lớp trẻ có thể được nhìn nhận từ nhiều góc độ. Nhưng khi thống kê cho thấy tỷ lệ sinh giảm, mà chỉ giảm ở khu vực thành phố, có thể thấy đây không phải là chuyện nói cho vui, không phải là chuyện thể hiện quan niệm đơn thuần, mà là chuyện có tác động trực tiếp đến xã hội. 

Chuyện điều chỉnh bây giờ nói ra cũng có khi đã muộn. Xu hướng sinh con ít được ghi nhận ở thành phố không phải chỉ trong một hai năm. Từ năm 2011, số con trung bình của mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở TP.HCM đã chỉ là 1,3; tăng lên mức 1,33 con/ bà mẹ vào năm 2012. Nhiều ý kiến đã cho rằng tỷ lệ này là đáng báo động. Bởi một khi phụ nữ đã lười sinh con, rất khó tác động đến họ để họ thay đổi quyết định của mình. Kinh nghiệm tại một số quốc gia “già” đã cho thấy các chính sách khuyến sinh hầu như chẳng tác dụng gì mấy, mặc dù chi phí bỏ ra là không nhỏ. 

Bởi, khác với những nỗ lực về kinh tế, xã hội, công nghệ, nỗ lực sinh con chỉ tùy thuộc vào một mình người phụ nữ. Thiên chức làm mẹ cũng đồng thời là một gánh nặng không ai có thể chia sẻ, gánh vác thay thế được. Sự sống tượng hình trong bụng người đàn bà, thu lấy cái tinh túy của máu thịt, tâm trí người đàn bà, trưởng thành bằng từng hơi thở, nhịp tim của người đàn bà, và chào đời bằng cơn đau sinh nở của bà mẹ. Các bà ngày xưa vẫn hay khen con gái, con dâu “đẻ giỏi”, con mạnh khỏe toàn vẹn, khen “đẻ khéo”, con trai con gái đủ nếp đủ tẻ.

Cái “giỏi”, cái “khéo” của các bà các chị ngày xưa vốn chỉ thể hiện phần lớn nơi con cái, nay được chuyển một phần sang cho cái giỏi trong công việc, làm ăn buôn bán, học hành; cái khéo trong giao tiếp cư xử và cả khéo sửa soạn cho bản thân mình. Thêm bên này thì bớt bên kia thôi, phụ nữ đâu có phân thân hay mọc thêm chân thêm tay được, chọn lựa khéo giỏi trong công việc học hành, thì đành phải giảm bớt chuyện sinh con nuôi con, biết làm sao khác.  

Cũng không thể chỉ động viên suông, theo kiểu phụ nữ phải sinh cho mạnh nòi giống, cho đông dòng tộc gia đình, phải làm tròn trách nhiệm, thiên chức… Nhiều chị em đã phản ứng với quan niệm cho rằng phụ nữ không sinh con là một khiếm khuyết. Chọn lựa sinh con là một sự hy sinh thời gian, sức khỏe, nhan sắc, khả năng tận hưởng cuộc sống… nhưng đó là hy sinh tự nguyện, là chọn lựa vì tình yêu và hạnh phúc của cá nhân họ. Trong bản tính nữ, các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế xã hội chẳng bao giờ có vị trí hàng đầu tác động đến quyết định sinh con, như mong muốn của các nhà làm chính sách, trừ phi, chính sách ấy vừa vặn phù hợp với dự định và ước muốn sinh con của họ. 

Có thể nhìn điều này từ góc nhìn của phụ nữ: khi sinh con đồng nghĩa với hạnh phúc, với sắc đẹp, với sự thành công, phụ nữ sẽ sinh con. Còn bây giờ, sự đồng nghĩa ấy chưa có: còn quá nhiều khó khăn trong việc sinh và nuôi con, chi phí còn quá đắt đỏ nhất là ở thành phố, người mẹ, ngoài việc được nghỉ sáu tháng hộ sản (mà việc nghỉ này cũng có khi là một rào cản khiến lao động nữ trong độ tuổi sinh nở khó tìm việc làm), còn chưa được chăm lo đủ để có thể trở lại với đời sống xã hội và công việc như trước khi sinh.

Một đứa trẻ, từ nhà trẻ, mẫu giáo, tiểu học cho đến về sau, là quá nhiều chi phí mà cha mẹ phải tự lo liệu lấy. Sinh con không phải là chuyện có thêm một đứa trẻ trong nhà, mà còn là chuyện nuôi cho con được “hơn” thế hệ của mình: được khỏe hơn, đẹp hơn, thông minh hơn, thành đạt hơn. Khi các điều kiện để đạt đến mục tiêu đó vẫn còn là một gánh nặng vượt quá sức, nhiều phụ nữ trẻ chọn cách nói “không” từ đầu. Đừng định kiến với họ, nên chú ý đến các rào cản đã khiến họ nói “không”. Thực tế là các bé gái đang dậy thì sớm hơn, các cô gái kết hôn muộn hơn, và những người đàn bà muốn tận hưởng cuộc đời mình dài hơn - quãng sinh đang bị thu hẹp dần, nếu cứ để tự nhiên, sự thu hẹp này còn nhanh nữa, trẻ con sẽ càng ít nữa. 

Xã hội, gia đình muốn có thêm những thế hệ tiếp nối tốt hơn, chỉ có thể bắt đầu từ việc làm cho phụ nữ hạnh phúc hơn: chia sẻ trách nhiệm chăm con, cùng gánh vác việc nhà, tạo điều kiện thời gian, kinh tế, để vị trí “làm mẹ” trở thành một vị trí được bảo bọc, được nâng niu, được tôn trọng. Đáp lại, nữ giới cần xác định một cái nhìn nội tại đối với bản thân: xét cho cùng, sự tiến bộ của phụ nữ không thể, và không bao giờ mâu thuẫn hay loại trừ việc sinh con, nuôi con. Sự giỏi giang thành đạt trọn vẹn của người phụ nữ luôn gồm có cả việc làm mẹ, bởi đó là công việc mà chị em mình đã được tự nhiên phú cho những kỹ năng tốt nhất để hoàn thành... 

Yên Ba

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI