Những đêm mưa dầm, gió lạnh, nằm co ro trong chăn, Hân mới thấm thía câu nói “bỏ chồng rồi lấy ai mà ôm”. Dũng từng nói đùa như thế trước đây, mỗi khi cô đòi ly hôn. Khi ấy, Hân đánh đồng câu nói của Dũng là một sự cợt nhả trên nỗi bế tắc, chán chường của vợ nên thường cay cú chồng nhiều hơn.
Cho đến một lần, cô ném tan chiếc điện thoại khi Dũng một lần nữa vừa cười vừa đùa “50 năm nữa hẵng bỏ nhau” mặc cho Hân như đang muốn nổi điên, gào lên: “Là em đang nói thật đấy! Anh có hiểu tiếng người không?”. Dũng khựng lại đầy bất ngờ, đau đớn. “Nếu em đã thực sự muốn vậy…”, sau đó anh xách vali bước ra khỏi nhà ngay trong đêm.
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Có những sự chia cách đôi khi lại diễn ra theo cách đơn giản đến không ngờ như thế. Dũng đi rồi, căn nhà yên tĩnh đến mức đáng sợ. Khi cho phép sự trống rỗng trong mình lên tiếng, Hân tự hỏi, rốt cuộc việc ly hôn có phải là điều cô thực sự muốn hay không? Không cần phải thấp thỏm đợi ai những lần đi làm về muộn nữa, không còn người đối diện bên mâm cơm mà mắt dính lên ti vi nữa, không cần bố chơi với con nữa, không phải thực hiện bất cứ nghĩa vụ nào với đằng nội nữa, hay muốn đi chơi đâu cũng có thể xách vali lên và đi ngay lập tức…
Nhưng sao tất cả viễn cảnh ấy, khi đã thực hiện được, Hân vẫn cảm thấy cô đơn đến thế!
Bác gái hàng xóm sang gõ cửa nhờ Hân tra xem xe buýt số bao nhiêu thì đi được đến bệnh viện. Hỏi qua thì vì “cái bụng bác bỗng to bất thường, gặp ai cũng bảo có vấn đề nên đi khám một chút”. Không hiểu sao, khi tiễn bác xuống tận dưới tầng trệt, nhìn dáng bác tập tễnh, cầm ô đi một mình sang bên kia đường để bắt xe, trong Hân lại dấy lên một sự thương cảm, xót xa.
Giá như bác trai còn sống, thì bác gái chẳng phải lủi thủi một mình như thế. Ba cô con gái ở xa, hiếm hoi lắm mới có dịp ghé về thăm mẹ. Thế nên dù cho ngày thường hay khi ốm đau, thỉnh thoảng đôi mắt của bác vẫn thường thất thần nhìn lên di ảnh chồng.
Hôm bữa còn nhớ, trong đám ma của bố anh bạn cùng cơ quan, Hân cứ ấn tượng mãi khi nghe anh bạn kể lại hình ảnh bàn tay ông nắm chặt lấy tay bà đầy lưu luyến, day dứt như không muốn để bà ở lại một mình. Nghe kể, những năm tháng cuối đời, hai ông bà đi đâu cũng có nhau, suốt ngày rong ruổi trên chiếc xe Honda cũ, dù là ghé qua chợ mua thức ăn, đi thăm người bạn hay thậm chí là lên ủy ban làm giấy tờ, thủ tục gì đó mà có khi chỉ cần một người. Cuộc sống ông cầm gáo múc nước, bà vo gạo nấu cơm ấy thường khiến bao người xung quanh phải cảm động, khâm phục. Dù cho thời còn son trẻ, ông từng làm điều có lỗi với bà đi nữa… Nhưng bà, bằng sự vị tha của mình, đã cho ông một lối quay về với gia đình, cũng như cho chính bà một cơ hội để có người nắm tay đến già.
|
Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz |
Cũng có thể, họ sinh ra ở cái thời mà “cái gì hỏng thì sửa chứ không vứt đi”, nên luôn biết cách hàn gắn những tổn thương, gắng sửa chữa những lỗi lầm để cùng xây nên một tổ ấm. Chứ không phải thời nay, cái thời mà chỉ cần mệt mỏi một chút, khó khăn một chút là đã muốn vùng lên đập đi xây lại, giống như cách mà Hân đang đuổi Dũng đi. Không biết đã bao nhiêu lần, chuyện ly hôn được mang ra nói, dù chỉ bắt nguồn từ những nguyên nhân nhỏ xíu xiu, nhẹ nhàng cười phào cũng có thể bỏ qua.
Dũng thường quên đi những ngày kỷ niệm của hai vợ chồng. Tính cách khô khan nên anh cũng chẳng hề biết tự động hỏi: “Em hôm nay mệt không? Có gì vui, có gì buồn không?”. Hay trong “chuyện ấy”, Dũng cũng chẳng tự biết Hân thích thế nào để chiều, trời lạnh cũng đãng trí quên không nhắc vợ mặc ấm hơn… Nhưng Hân lại cho rằng tất cả lỗi lầm đó là vì chồng không yêu mình nên không tìm được cách để thỏa những mong muốn trong mình.
Thì ra Hân thật lạ, bởi nếu cô nói ra tất cả cảm xúc của mình, chắc chắn phía bên kia sẽ hiểu hết cơ mà! Ngược lại, cô giữ chất chồng những suy diễn, vướng mắc, lâu dần ức chế như quả bóng muốn nổ tung…
|
Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz |
Hân nhận ra giữa mình và Dũng còn là một tình yêu rất lớn. Chia cách rồi mới thấy nhớ, mới thấy tất cả giận hờn thật sự chẳng hề đáng là chi so với tình yêu ấy. Đâu rồi lời hứa cùng chia sẻ hết với nhau mọi cung bậc cảm xúc trong cuộc sống, cùng vun vén xây đắp tổ ấm, chăm lo con cái và yêu thương nhau đến đầu bạc răng long. Hẳn là lời hứa vẫn còn đó, nếu cả hai người còn muốn, mà thực ra phần quyết định lại nằm ở Hân. Lấy chồng đâu phải chỉ để khổ như Hân luôn kêu ca, mà đúng ra phải là để có người nắm tay đến già, làm cây gậy chống cho nhau khi ai đó đã còng.
Hân thấy nợ Dũng một lời xin lỗi. Cô biết phía bên kia anh đang chờ.
Cát Tường