Cải thiện hơn nữa chất lượng xe buýt
Bà Nguyễn Ngọc Long - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 2, Q.3: Hạ tầng giao thông công cộng hiện nay theo tôi là kém, Sở Giao thông Vận tải có giải pháp gì để cải thiện tình trạng này? Sở có phương thức, hướng xử lý nào để khắc phục tình trạng quấy rối tình dục, sàm sỡ, móc túi xảy ra trên các phương tiện giao thông công cộng?
Ông Hà Lê Ân - Phó giám đốc Trung tâm Quản lý Điều hành vận tải hành khách công cộng: Đến thời điểm này, hơn 50% trên tổng số 3.000 xe buýt đã được thay mới. Trên xe buýt mới, chúng tôi đã lắp đặt đầy đủ hệ thống đèn để nhận diện tuyến, hệ thống trao trạm, hệ thống camera. Hệ thống camera hình ảnh này sẽ truyền về trung tâm điều hành trực tuyến. Đồng thời, chúng tôi cũng đã phối hợp với Công an TP.HCM để phát hiện và xử lý kịp thời những biểu hiện móc túi, đánh nhau hoặc gây rối trên xe buýt.
Trong quá trình đi xe buýt, nếu nhận thấy những sai sót, hành khách có thể gọi số 1022, nhấn số 1 để trung tâm tiếp nhận ý kiến đóng góp. Qua kiểm tra 15/24 quận huyện, chúng tôi phát hiện ra nhiều nhà chờ có rác và đã xử lý ngay. Để xử lý triệt để, căn cơ việc bỏ rác tại các nhà chờ, trung tâm đã kiến nghị giao các quận, huyện lắp đặt, bổ sung thùng rác.
Bà Võ Thị Dung - Phó bí thư Thành ủy TP.HCM: Qua ý kiến đề xuất vừa rồi, tôi đề nghị Sở Giao thông Vận tải cho thống kê lại xem có những tuyến nào cần tăng chuyến để đảm bảo người đi xe không phải chờ lâu. Muốn thu hút hành khách, chúng ta phải đưa ra nhiều tiện ích.
Nạn nhân bạo lực gia đình phải được hỗ trợ kịp thời
Bà Nguyễn Thị Thanh Luận - Chủ tịch Hội LHPN Q.Thủ Đức: Tôi đề xuất có cơ chế để các đơn vị phối hợp giúp đỡ, hỗ trợ cho nạn nhân bạo lực gia đình (BLGĐ); có sự liên thông giữa các cơ sở y tế trong quản lý, theo dõi hồ sơ bệnh án của bệnh nhân khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế; cho phép người dân mua bảo hiểm y tế tại phòng chăm sóc khách hàng của các bệnh viện.
Bác sĩ Lê Thị Mỹ Châu - Chủ tịch Công đoàn Sở Y tế TP.HCM: Sở đã chỉ đạo cho các đơn vị trong TP.HCM tiếp đón các bệnh nhân bị BLGĐ tại các cơ sở y tế, sao cho đảm bảo nhanh chóng, kịp thời trong chăm sóc, thăm khám. Đây là những bệnh nhân hết sức đặc biệt nên đội ngũ chúng tôi dùng hết tình cảm cũng như kỹ năng của mình để phát hiện kịp thời những tổn thương về mặt thể chất, tinh thần, kịp thời chẩn đoán và chăm sóc.
Các cơ sở y tế cũng bố trí nơi tạm lánh cho các chị bị BLGĐ, sau đó mới liên hệ với ban ngành địa phương. Ngày 17/5, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 24 quy định rất rõ về quy trình tiếp nhận, chăm sóc y tế, thông tin, báo cáo những trường hợp bị BLGĐ mà cơ sở y tế tiếp nhận. Trong thời gian tới, Sở Y tế TP.HCM sẽ phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM để có mạng lưới thông tin để khi có những nguy cơ tiềm ẩn, nạn nhân có thể liên lạc”.
Coi chừng “tầm thường hóa” sự hưởng thụ văn hóa
Nghệ sĩ Kim Xuân: Tôi lớn lên ở TP.HCM, nhìn thấy nhịp sống, nhịp thở của TP qua từng giai đoạn. Tôi mơ ước một nhà hát đầy đủ công năng ở TP.HCM để hoạt động của nghệ sĩ phát huy được hiệu quả. Hiện có rất nhiều nghệ sĩ rất giỏi nhưng chưa được sự công nhận chính đáng nhất bởi sự nhiêu khê về thủ tục, hồ sơ, giấy phép xét duyệt các danh hiệu.
Bên cạnh đó, chúng ta tiếp nhận nhiều luồng văn hóa nhưng chưa được định hướng rõ. Tôi mong lãnh đạo TP.HCM cùng với chúng tôi tạo ra những sản phẩm văn hóa lành mạnh và thân thiện với tất cả mọi người.
Bà Nguyễn Thị Tranh - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Sài Gòn Co.op: Công viên 23/9 là nơi khách du lịch đến để hưởng thụ và trải nghiệm các sản phẩm, cũng là nơi dành cho cư dân đến tập thể dục, giải trí. Tuy nhiên, bãi giữ xe sân khấu Sen Hồng hiện nay khá nhếch nhác. Chúng tôi muốn được tổ chức một sân khấu ngay bên sân khấu Sen Hồng để phục vụ du khách nhu cầu thưởng thức nghệ thuật.
Ông Võ Trọng Nam - Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM: Chúng tôi cũng luôn mong muốn có cơ sở vật chất, một thiết chế văn hóa xứng tầm dành cho nghệ sĩ, cho người dân TP.HCM. Hiện chúng ta đã có dự án về ba nhà hát lớn, nhưng nhà hát hiện đại thì chúng ta đang thiếu. Về việc xét tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân, Sở Văn hóa Thể thao là cơ quan thường trực để xem xét, tham mưu vấn đề này.
Sở sẽ tiếp tục đấu tranh, nhưng cũng cần có sự hợp tác của các nghệ sĩ trong việc kê khai thành tích. Sân khấu Sen Hồng, là một sân khấu có chức năng phục vụ cho thiếu nhi. Sở Văn hóa Thể thao chỉ có chức năng quản lý những hoạt động của sân khấu, còn các hoạt động khác là do các đơn vị khác.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP.HCM: Thật ra tâm tư, tấm lòng của văn nghệ sĩ là “làm nghệ thuật không phải để được khen thưởng”. Họ muốn có sự đánh giá đúng, cho thấy sự đóng góp của họ đối với xã hội, đối với nhân dân. Hiện nay, những tiêu chuẩn đánh giá của bộ khiến họ chưa hài lòng.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm: TP.HCM đầu tư nhiều cho giáo dục nhưng nếu hỏi sự đầu tư của chúng ta có công bằng, hiệu quả cho các em, các cháu hay chưa, thì xin trả lời là chưa! Chúng ta cần rút kinh nghiệm hết sức nghiêm túc về vấn đề này.
Rõ ràng, chưa có sự công bằng cho các cháu, các em trong việc thụ hưởng phúc lợi xã hội, chất lượng giáo dục hiện không đồng đều. Chúng ta phải soát xét lại, xem chỗ nào là trũng, chỗ nào là khuyết để có sự đầu tư hiệu quả, trả lại sự công bằng trong thụ hưởng giáo dục cho tất cả trẻ em.
|
Tôi đề nghị Sở Văn hóa Thể thao cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa về việc đừng hành chính hóa công tác xét duyệt, chứ không phải đề xuất từng trường hợp cụ thể.
Chúng ta phải thừa nhận rằng, việc đầu tư cho các thiết chế văn hóa còn khập khiễng và chưa xứng tầm, chưa đáp ứng được yêu cầu của giới văn nghệ sĩ và nhu cầu thụ hưởng của người dân.
TP.HCM có điều kiện nhưng chậm và lãng phí. Có những cơ sở văn hóa đã có sẵn nhưng sử dụng chưa đúng công năng, hoặc chuyển đổi công năng nhưng không phục vụ lại công năng văn hóa mà chúng ta lại phục vụ cho các hoạt động kinh tế.
Chúng ta nói đến xã hội hóa nhưng xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật có tính đặc thù riêng, cần phải quan tâm đến tác động của Nhà nước đối với lĩnh vực xã hội hóa để tạo động lực, điều kiện, định hướng cho hoạt động này.
Làm không khéo, sẽ tầm thường hóa sự hưởng thụ văn hóa của nhân dân.
Lấp đầy chỗ khuyết, chỗ trũng trong giáo dục
Bà Phạm Thị Thành - Chủ tịch Hội LHPN Q.Tân Bình: Hiện nay, học sinh bị quá tải trong học tập; vẫn phổ biến hiện tượng chạy trường, chạy lớp. Phải chăng, chất lượng giáo dục của chúng ta đang có vấn đề? Việc đầu tư cơ sở vật chất cho các trường chưa công bằng?
Bà Nguyễn Thị Đào - Thành viên Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Xây dựng gia đình hạnh phúc P.3, Q.Bình Thạnh: Vấn nạn học sinh tự tử trong thời gian gần đây theo tôi là đáng chú ý. Cần xem lại nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Nên chăng có định biên, chế độ cho người làm công tác tham vấn học đường?
Bà Bùi Thị Diễm Thu - Phó giám Đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM: Chúng ta đã đầu tư nhiều hơn cho cơ sở vật chất, đặc biệt là ở những vùng nông thôn, ngoại thành. Về chất lượng giáo dục, tôi đánh giá chất lượng như nhau. Tôi cho rằng, áp lực học hành phụ thuộc vào chương trình chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nên dù sở đã có chủ trương, đã tiến hành giảm tải, nhưng chưa triệt để.
Chúng tôi đã tổ chức rất nhiều hoạt động ngoài giờ học để các em giải tỏa tâm lý. Qua việc hai em học sinh tự tử ở Q.Bình Thạnh, sở nhận thấy, gia đình cần phối hợp nhiều hơn với nhà trường. Phía chúng tôi cũng phải nâng cao kỹ năng tư vấn tâm lý cho giáo viên.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích - Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM: TP.HCM luôn vì sự tiến bộ của phụ nữ
Cuộc gặp gỡ và đối thoại hôm nay cho thấy, lãnh đạo TP.HCM, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn lắng nghe và đặc biệt luôn quan tâm, tìm cách tháo gỡ và tạo mọi điều kiện cho sự tiến bộ và phát triển của phụ nữ. Điều đó cũng nói lên tinh thần: sự “gặp gỡ”, tính “đối thoại” của lãnh đạo TP, lãnh đạo các sở ngành và chính quyền các cấp cơ sở sẽ được duy trì thường xuyên hơn, không chỉ dành riêng cho phụ nữ mà cho mọi đối tượng nhân dân.
|
Ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó chủ tịch UBND TP.HCM: Sẽ ký kết với Hội về cơ chế chăm sóc phụ nữ và trẻ em
Qua cuộc gặp gỡ, đối thoại hôm nay, tôi sẽ đề xuất UBND TP.HCM ký kết với Hội LHPN TP.HCM chương trình phối hợp để làm thế nào chăm sóc phụ nữ, trẻ em gái tốt nhất trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, để từ đó, các hoạt động như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, y tế, giao thông, văn hóa, nghệ thuật đều phải hướng đến quan tâm, chăm sóc, bảo vệ phụ nữ và trẻ em.
Tôi cũng chính thức đặt hàng với Hội: các chị cần triển khai sớm, hoàn thiện ý tưởng về chương trình Xây dựng thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em để đến cuối tháng 11 tới đây, phải có một dự án để cùng hành động.
|
Thu Lê - Nghi Anh