Để có bình đẳng giới, phụ nữ phải... khéo léo

03/11/2015 - 11:07

PNO - Hội LHPN TP. HCM với Trường ĐH KHXH & NV tổ chức tọa đàm "thực trạng và nhận định vấn đề bình đẳng giới trong gia đình.."

De co binh dang gioi, phu nu phai... kheo leo
Theo chị Đặng Thùy Khánh Vân (đứng): “Với thế hệ trẻ , có thể có trường hợp bất bình đẳng giới… ngược”

Tham gia tọa đàm, bà Nguyễn Thị Gái, Phó chủ tịch Công đoàn Giáo dục, Sở GD -ĐT TP.HCM chia sẻ, khi phụ nữ phụ thuộc kinh tế vào chồng, rất dễ bị lép vế, và nguy cơ bất BĐG sẽ cao.

“Theo tôi, phần lớn phụ nữ làm nghề giáo tìm được sự bình đẳng trong quan hệ vợ chồng. Riêng trong đội ngũ giáo viên, tôi thấy giáo viên mầm non dường như thiếu sự BĐG trong gia đình hơn so với giáo viên THCS hay THPT. Giáo viên mầm non vốn đã rất cực trên lớp, về nhà lại khổ trong việc chăm sóc chồng con. Có lẽ , “quán tính” chăm sóc người khác ở lớp học khiến các cô về nhà cũng tiếp tục phục vụ các thành viên khác trong gia đình một cách… tự nhiên”, bà Gái nói.

Trao đổi về nhận định bất BĐG phụ thuộc vùng miền: đàn ông miền Bắc gia trưởng hơn các miền còn lại, bà Võ Thị Minh Phượng, Phó ban Nữ công, Liên đoàn Lao động TP.HCM phản biện:

“Không thể khẳng định văn hóa vùng miền ảnh hưởng đến BĐG. Tôi có thể lấy trường hợp của bản thân để minh họa. Chồng tôi người Bắc. Trước đây, khi ông ấy còn đi làm, tôi cứ ngần ngại, không dám nhờ việc nhà nhiều. Khi ông ấy nghỉ hưu, tôi dè dặt nhờ ông ấy hỗ trợ việc nhà, không ngờ ông ấy làm rất nhiệt tình và hiệu quả. Bây giờ tôi đi làm về trễ hoặc đi công tác xa đều rất yên tâm, vì đã có ông chồng đảm đang ở nhà. Trong khi đó, bốn anh rể trong nhà tôi ở những vùng miền khác, chẳng đụng tay giúp vợ chuyện gì cả ”.

Các đại biểu thừa nhận, để có sự chuyển biến rõ rệt trong vấn đề BĐG, đối tượng chính cần tác động là đàn ông. Thế nhưng, những buổi tập huấn, trò chuyện chuyên đề, hội thảo, tọa đàm về BĐG, đa số đối tượng tham dự lại là phụ nữ.

Bà Võ Thị Vân Anh, Phó chủ tịch Hội PN Công an TP.HCM cho biết: “Tôi nghĩ rằng cần tuyên truyền cho nam nhiều hơn. Vấn đề là sau khi phụ nữ lãnh hội được kiến thức về BĐG, về nhà có dám trao đổi với chồng không? Nói sao cho “lọt lỗ tai” mấy ông?”. Bà Vân Anh cũng chia sẻ “may mắn” của mình là làm việc tại đơn vị lực lượng vũ trang, nữ chỉ chiếm 11%, các chị được quan tâm nhiều.

Liên quan đến vấn đề BĐG ở thế hệ trẻ, chị Đặng Thùy Khánh Vân, một đại biểu thế hệ “8X” chia sẻ thẳng thắn: “Tôi nghĩ, trên hết, BĐG là cả hai phải được hưởng chất lượng sống ngang bằng nhau, không nên bắt bẻ hay đòi hỏi quá khắt khe. Với giới trẻ như tôi hiện nay, đôi khi tôi còn thấy xấu hổ khi mình chưa hy sinh được nhiều cho chồng trong khi anh ấy vất vả vì mình. Liệu có sự bất BĐG ngược lại không? Tôi nghĩ, trong vấn đề BĐG, việc biết nhìn nhận thực tế, biết cảm nhận hạnh phúc riêng cũng sẽ khiến người ta nhìn BĐG đơn giản, nhẹ nhàng và dễ thực hiện hơn”.

Một số đại biểu cho rằng, để tạo được sự bình đẳng, ngoài nhận thức, người trong cuộc cũng cần phải có kỹ năng. Bà Nguyễn Thị Út, Trưởng phòng Lao động - thương binh - xã hội H.Nhà Bè nhấn mạnh:

“Tôi làm việc nhà quá nhiều, thấy chồng nằm coi ti vi thì cũng bực. Nhưng thay vì cứ mắng ầm ĩ lên, tôi nhẹ nhàng phân công: anh không biết nấu ăn, em nấu anh rửa chén. Sau đó, tôi từng bước nhờ anh ấy phụ cái này cái kia, ban đầu là bóc tỏi, lặt rau, sau đó luộc rau, chiên trứng. Anh ấy nấu không ngon thì mình cũng phải ăn một cách vui vẻ để động viên. Không nên thấy chồng lần đầu vào bếp, nấu dở là chê và “đuổi” chồng ra phòng khách. Tôi thấy, nhiều khi chị em quá chi li, quá kỹ, khiến đàn ông không có cơ hội đụng vô việc nhà, rồi chị em lại than vãn là chồng không phụ mình. Sao không buông bớt cho chồng?”.

Đồng thuận ý kiến của bà Út, bà Phan Thị Phương Loan, Chủ tịch Hội LHPN H.Hóc Môn cho biết: “Bản thân tôi thấy, để nhận định được BĐG thế nào không phải dễ. Hiện nay phụ nữ nông thôn khác xưa nhiều.

Trong gia đình nếu hai vợ chồng đều đi làm sẽ có sự phân công khác, nếu có một người đi làm sẽ phân công khác. Ông xã tôi trước đây chẳng quan tâm đến việc nhà, chủ yếu do mẹ làm. Tôi nhỏ to nhiều lần với anh, rằng anh phải giúp vợ, phải biết làm việc nhà vì ra riêng sẽ thế này thế kia... Sau đó, tôi không ngờ anh ấy thay đổi rất nhiều.

Sáng ra anh ấy dậy sớm nấu cơm, đưa một đứa con đi học, tôi lo cho đứa còn lại. Theo tôi, phụ nữ nhất thiết phải có sự khéo léo phân công, động viên. Thay vì đấu tranh một cách ồn ào và gay gắt, phụ nữ nên ngọt ngào để tìm sự bình đẳng, “nói ngọt lọt đến xương” mà ”.

Trần Triều

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI