PNO - Mới đây, lãnh đạo TPHCM chỉ đạo các đơn vị, tới 30/4, phải làm chuyển biến căn bản nhà vệ sinh công cộng, để làm được điều này còn có trách nhiệm của người dùng.
Nhờ xã hội hóa TP Huế đã xây dựng được rất nhiều nhà vệ sinh công cộng phục vụ miễn phí du khách (trong ảnh: Nhà vệ sinh bằng gỗ sạch đẹp phục vụ khách tham quan Đại Nội) - Ảnh: Thuận Hóa
Mới đây lãnh đạo TPHCM chỉ đạo các đơn vị, tới 30/4, phải làm chuyển biến căn bản nhà vệ sinh công cộng. Trước đó, Huế cũng đã có các động thái nhằm cải thiện vấn đề này, mong rằng các tỉnh, thành phố khác trong cả nước cũng sớm quan tâm việc đó. Bởi càng để lâu càng khó khăn hơn trước tốc độ đô thị hóa ngày càng cao.
Xây dựng nhà vệ sinh công cộng không dễ. Đầu tiên là đất để xây dựng, do khu vực cần nhà vệ sinh công cộng cũng thường là khu có giá đất cao. Chi phí xây dựng phải cao hơn trước do nhà vệ sinh công cộng giờ đây không phải chỉ để người Việt Nam dùng mà còn phải tính đến tiêu chuẩn quốc tế để đón khách du lịch từ 4 phương đến. Các vấn đề như phân công quản lý, nguồn kinh phí để trả tiền điện, nước, để lau dọn, sửa chữa bảo trì, đảm bảo trật tự an ninh để nhà vệ sinh công cộng không biến thành nơi tắm, giặt, chứa đồ đạc hay tụ điểm tiêm chích... tất cả đều phải được tính đến khi nghĩ đến việc xây dựng nhà vệ sinh công cộng.
Những vấn đề trên tuy khó nhưng tôi tin các cấp thẩm quyền có thể giải quyết được. Cái khó hơn nữa là ý thức giữ gìn vệ sinh của người sử dụng. Thực tế cho thấy nhiều người không quan tâm gìn giữ sạch sẽ nơi giải quyết nhu cầu đi vệ sinh của mình. Tại các điểm dừng chân cứ sau mỗi đợt khách ghé qua nhân viên phải lau dọn ngay nếu không muốn nhà vệ sinh công cộng bốc mùi hôi thối.
Ngay cả nhà vệ sinh công cộng ở sân bay, nơi mà hành khách đa số có “đẳng cấp” nhất định, không hiếm khi nhìn thấy giấy vệ sinh vương vãi, bồn tiểu, bồn cầu quên dội nước, bệ xí bệt in đầy dấu giày, dấu dép… Ý thức kém như vậy làm cho việc tìm địa điểm để xây dựng nhà vệ sinh công cộng khó càng thêm khó, làm cho chi phí xây dựng, quản lý, sửa chữa, bảo trì nhà vệ sinh công cộng vốn tốn kém càng thêm tốn kém.
Nhiều người cho rằng có thể đánh giá trình độ văn minh của một cộng đồng dân cư dựa trên cách họ giải quyết vấn đề vệ sinh cá nhân như thế nào. Có thể ý kiến đó khá cực đoan, nhưng quả thật ở bất kỳ nơi nào thường xuyên tụ tập đông người đều phải tính đến vệ sinh công cộng. Từ phiên chợ vùng cao đến quảng trường sáng rực ánh đèn, người đi đến đó cũng có lúc có nhu cầu bài tiết. Mà đã là không gian của cộng đồng thì chính quyền nơi đó phải chịu trách nhiệm đáp ứng nhu cầu vệ sinh công cộng.
Mặt khác người sử dụng cũng phải biết giữ sạch sẽ sau khi sử dụng là ý thức cần có để các nhà vệ sinh công cộng luôn sẵn sàng phục vụ tốt nhu cầu chính đáng của mọi người.
Tinh giản và chống phình to biên chế rất cần cơ chế phân cấp, phân quyền, cá nhân chịu trách nhiệm. Cần hệ thống đánh giá công việc công bằng, thiết thực.