Tề gia nội trợ lâu nay vẫn được xem là trách nhiệm của phụ nữ, là ngọn lửa sưởi ấm hạnh phúc gia đình. Thế nhưng, trong xã hội hiện đại, phụ nữ còn có sự nghiệp riêng. Guồng quay cả ngày đi làm, tối về lo việc cơm nước, nhà cửa, chăm con, đôi lúc còn phải giải quyết tiếp một số việc tồn đọng ở cơ quan, khiến chị em cảm thấy mệt mỏi, áp lực.
|
Vì công việc áp lực, từ ngày lấy chồng, chị Ngọc Anh đã nghỉ làm, ở nhà để nấu ăn, chăm sóc chồng con - Ảnh: Nhã Chân |
Ám ảnh với câu hỏi “Tối nay ăn gì?”
Từ nhỏ, chị Nguyên Khánh (ngụ quận Tân Phú, TPHCM) đã nằm lòng lời dạy của mẹ: “Dù ra ngoài có giỏi giang đến đâu, về nhà, phụ nữ phải biết cách giữ lửa gia đình bằng món ăn ngon, bữa cơm nóng”. Thế nên, dù bận rộn với công việc, chị vẫn dành thời gian vào bếp. Khi lập gia đình, chị vẫn duy trì thói quen này và xem tề gia nội trợ là cách giữ gìn hạnh phúc gia đình. Đến khi có con, chị phải đảm đương việc chăm sóc, nuôi dạy con nên có lúc chuyện nấu ăn khiến chị thấy mình như mang gánh nặng.
Chị Khánh tâm sự: “5 giờ sáng tôi phải dậy để chuẩn bị bữa sáng cho gia đình. Bé học bán trú nên ở lại trường buổi trưa, vợ chồng tôi tự túc ăn trưa. Nhưng đến tối, tôi về, phải tranh thủ nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa. Cơm nước xong còn phải kiểm tra bài tập, dạy con làm bài. Chồng tôi dạy con cứ hay la nên bé sợ, cứ muốn mẹ dạy. Chưa kể những khi có dự án lớn, tôi phải cày cho kịp tiến độ công việc đến 1-2 giờ sáng”.
Chị Khánh kể thêm, lúc trước, khi rảnh rỗi hoặc cuối tuần, chị rất thích được hội họp bạn bè, đi du lịch. Thế nhưng hiện nay, rảnh một chút là chị chỉ muốn nằm vật ra ngủ. Đôi khi áp lực quá, chị ngỏ ý muốn thuê giúp việc hoặc người phụ nấu ăn. Chồng chị không ý kiến gì, nhưng mẹ chị lại khăng khăng bác bỏ. Muôn vàn lý do được bà đưa ra: “Làm việc ít lại là có thời gian lo việc nhà rồi. Bày vẽ thuê giúp việc chi cho tốn tiền. Nấu những món đơn giản, có tốn bao nhiêu thời gian đâu”. Thế là chị lại thôi, trở lại với guồng quay cũ. Thấy vợ cực, thỉnh thoảng chồng chị Khánh mua đồ ăn ngoài về nhà để gia đình ăn tối. Thế nhưng, ăn được 1-2 bữa thì ngán không chịu được, chị lại lọ mọ vào bếp.
Chị Minh Hà (nhà ở quận 7, TPHCM) có chồng rất kén ăn nên dù đang làm cho một công ty phần mềm, chị vẫn phải nấu ăn ngày 3 bữa. Sáng dậy sớm nấu bữa sáng cho chồng con, nấu cả cơm trưa cho chồng đem theo vào cơ quan, để lại cho mẹ chồng ở nhà ăn, chiều tất bật đón con, tạt qua siêu thị mua đồ nấu bữa tối. “Đã vậy, chồng tôi còn không chịu ăn trùng món, nên ngày nào cũng chỉ nấu vừa đủ ăn và đổi món liên tục. Chuyện kho nồi cá, nồi thịt to ăn vài ngày là không thể. Làm việc công ty nhiều khi còn không mệt bằng chuyện nghĩ ra phải mua cái gì, nấu cái gì cho bữa sáng, bữa trưa và nhất là bữa tối - bữa ăn sum họp gia đình” - chị Hà than.
Chị Ngọc Anh (ngụ quận 8, TPHCM) từng làm kế toán cho một công ty. Đến khi lập gia đình rồi có con, vì không đảm đương nổi việc vừa đi làm vừa nội trợ vừa chăm con nên chị quyết định nghỉ việc, ở nhà nội trợ. Thế nhưng khi nghỉ việc ở nhà, chị cảm thấy rất tù túng. Vòng xoáy tất bật nấu nướng - ban đầu chị thấy đó là niềm vui - nhưng dần dà trở nên nhàm chán và thành gánh nặng. “Có những hôm tôi nhắn tin với đồng nghiệp cũ hỏi thăm, nghe họ tâm sự chuyện công việc mà tôi tủi thân không tả nổi. Tôi ấm ức vừa khóc vừa kể với chồng, nhưng rồi cũng tự trấn an bản thân từ từ sẽ quen thôi”. Chị Ngọc Anh ước phụ nữ vừa có thể đi làm, vừa đảm đương được việc nhà - chuyện này nói thì dễ nhưng muốn chu toàn lại quá khó nếu không có ai chia sẻ, phụ giúp.
Giải quyết bài toán tề gia nội trợ
Hiện nay, để giải quyết bài toán bữa cơm hằng ngày, nhiều chị em đã chọn dịch vụ đặt đồ ăn gia đình giao tận nhà trong những ngày bận rộn. Tuy nhiên, hình thức này thường giới hạn về thực đơn và không phù hợp với những gia đình có người già hoặc trẻ nhỏ.
Một giải pháp khác được nhiều gia đình, đặc biệt là cư dân chung cư lựa chọn là nhờ người giúp việc theo giờ kiêm luôn việc nấu nướng. Chị Trịnh Thị Nguyệt - một người giúp việc tại chung cư ở huyện Nhà Bè, TPHCM - chia sẻ: ngày càng có nhiều gia đình nhờ chị nấu ăn buổi tối. Vì từng có thời gian làm bếp cho một quán ăn nên chị có thể đáp ứng các yêu cầu đơn giản, không quá cầu kỳ của các gia đình. Chị Nguyệt cho biết: "Trước khi nấu, tôi luôn trao đổi kỹ với chủ nhà về khẩu vị và các lưu ý đặc biệt. Thông thường, tôi chỉ nấu giúp vào những hôm chủ nhà bận rộn". Một số người phụ việc nhà theo giờ khác cũng kiêm luôn việc bếp núc nếu khách yêu cầu. Có thể thấy, việc kết hợp giữa dịch vụ giúp việc theo giờ và nấu ăn tại nhà đang trở thành xu hướng được nhiều gia đình lựa chọn.
Thấu hiểu sự vất vả của phụ nữ khi vừa đi làm vừa quán xuyến việc nhà, không ít ông chồng đã tự thân xuống bếp đỡ đần vợ, cùng vợ giữ lửa gia đình. Nhiều bạn nam chưa lập gia đình cũng tìm đến các lớp dạy nấu ăn để trang bị kỹ năng bếp núc.
Trao đổi với phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM, đầu bếp Bùi Tiến Dũng - giảng viên Học viện Đầu bếp - Hướng nghiệp Á Âu - cho biết: hiện nay, rất nhiều nam giới chọn học khóa nấu ăn gia đình với mong muốn sau này về nấu ăn cho vợ. Có những bé trai mới 13 tuổi cũng theo học để có thể vào bếp cùng gia đình, nâng cao khả năng tự chăm sóc, phục vụ bản thân.
|
Đầu bếp Bùi Tiến Dũng (bìa phải) hướng dẫn học viên trong một khóa học nấu ăn - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Đầu bếp Dũng hóm hỉnh chia sẻ: “Tôi sẽ không gọi chuyện nam giới đi học nấu ăn là xu hướng, vì ngày nay, chuyện nam giới chia sẻ trách nhiệm gia đình qua những công việc hằng ngày như nấu ăn là điều hiển nhiên. Xã hội hiện đại cũng bình đẳng hơn. Phụ nữ bây giờ cũng được giáo dục nhận thức nhiều hơn về nữ quyền và sự tôn trọng cá nhân, nên tôi thấy nam giới mà không biết chuyện bếp núc có khi sau này còn dễ… ế hơn đấy”.
Anh Dũng cho biết, những khóa học bếp gia đình, học viên có thể chọn học theo buổi hoặc những khóa chuyên đề từ 3-12 buổi. Học phí dao động khoảng 500.000-1.000.000 đồng/buổi, đã bao gồm nguyên vật liệu chuẩn bị cho món ăn. Các khóa học phục vụ cho nhu cầu nội trợ sẽ tập trung kiến thức về cách chọn lựa, sơ chế thực phẩm nhằm đảm bảo cân bằng dinh dưỡng, phương pháp chế biến theo hướng khoa học, tốt cho sức khỏe, đầy đủ dưỡng chất, tiết kiệm thời gian và chi phí.
Không nấu ăn suốt 2 năm nhưng nhà vẫn “ấm” Doanh nhân kiêm beauty blogger Hannah Olala khiến cộng đồng mạng thích thú khi thường xuyên chia sẻ về cuộc sống gia đình vui vẻ của mình. Nói về bí quyết giữ hạnh phúc, chị bất ngờ cho biết, gần 2 năm nay, chị chưa vào bếp nấu ăn. Vì công việc khá đặc thù và bận rộn nên khi về nhà, chị muốn dành tất cả thời gian cho chồng, con. Thay vì tiêu tốn thời gian vào việc chăm chút cho bữa ăn, chị sẽ đặt đồ ăn bên ngoài và dành thời gian ấy để chơi cùng con, dạy con học và trò chuyện, tâm sự với chồng. | Blogger Hannah Olala có căn bếp rất tiện nghi nhưng chị không có thời gian vào bếp |
Chị nói, suốt mấy năm nay, vợ chồng chị luôn duy trì thói quen cùng nhau uống trà mỗi tối. Đây là lúc vợ chồng chị tâm sự, trao đổi để hiểu nhau hơn, chia sẻ về những vấn đề của gia đình, con cái. “Dù bận rộn, tôi luôn ý thức được trách nhiệm xây tổ ấm của người phụ nữ. Phụ nữ biết nấu ăn dĩ nhiên là tuyệt vời. Nhưng đối với tôi, việc giữ ấm gia đình không nhất thiết là vào bếp. Tôi không giỏi việc bếp núc nên tôi chọn chăm sóc chồng con theo cách riêng của mình, miễn sao cách làm đó được chồng con đồng thuận và ủng hộ, miễn sao chúng tôi cùng một lòng hướng về gia đình, luôn ưu tiên gia đình là trên hết” - Hannah Olala bộc bạch. |
Nhã Chân