Để “chiếc bánh nông sản” ngày một lớn thêm

15/01/2025 - 06:12

PNO - Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những quốc gia xuất khẩu nông, lâm, thủy sản hàng đầu thế giới với kim ngạch xuất khẩu đạt tới 62,5 tỉ USD.

Xuất khẩu gạo ghi dấu mốc sau 35 năm trở lại thị trường toàn cầu với lượng gạo xuất khẩu 9 triệu tấn, mang về hơn 5,7 tỉ USD - Ảnh: Huỳnh Lợi
Xuất khẩu gạo ghi dấu mốc sau 35 năm trở lại thị trường toàn cầu với lượng gạo xuất khẩu 9 triệu tấn, mang về hơn 5,7 tỉ USD - Ảnh: Huỳnh Lợi

Năm 2024 khép lại với những mảng sáng của bức tranh kinh tế nông nghiệp. Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những quốc gia xuất khẩu nông, lâm, thủy sản hàng đầu thế giới với kim ngạch xuất khẩu đạt tới 62,5 tỉ USD. Trong đó, có tới 11 mặt hàng duy trì kim ngạch trên 1 tỉ USD, 7 mặt hàng vượt mốc 3 tỉ USD.

Nhiều kỷ lục về xuất khẩu nông sản bị xô ngã, các mặt hàng lúa gạo, cà phê cũng đạt đỉnh giá và mang về nhiều ngoại tệ. Xuất khẩu gạo ghi dấu mốc sau 35 năm trở lại thị trường toàn cầu với lượng gạo xuất khẩu 9 triệu tấn, mang về hơn 5,7 tỉ USD, trong đó vùng đồng bằng sông Cửu Long chiếm hơn 90%. Sản lượng cây trái ở vùng này cũng chiếm hơn 65% cả nước, góp phần vào kỷ lục xuất khẩu rau quả 7,2 tỉ USD, cao hơn 1,6 tỉ USD so với năm 2023, trong đó sầu riêng đạt 3,4 tỉ USD.

Năm 2024, xuất khẩu thủy sản vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt khoảng 10 tỉ USD, tăng hơn 12,7% so với năm 2023. Trong đó, tôm và cá tra là 2 mặt hàng chủ lực. Có thể nói, những thành tựu này phản ánh sự cải tiến không ngừng trong sản xuất, chế biến và mở rộng thị trường.

Nông dân miền Tây giờ đây không chỉ là những người sản xuất nông nghiệp đơn thuần mà nhiều người đang trở thành doanh nhân nông nghiệp, tiên phong ứng dụng công nghệ hiện đại như máy bay không người lái, hệ thống tưới thông minh phục vụ sản xuất, vận dụng thương mại điện tử trong khâu tiêu thụ nông sản, giúp nâng cao giá trị sản phẩm, cải thiện thu nhập.

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp và nông dân Việt Nam nói chung, nông dân đồng bằng sông Cửu Long nói riêng cũng đang đối mặt với 3 thách thức lớn. Một là, biến đổi khí hậu đe dọa sản xuất nông nghiệp với tình trạng xâm nhập mặn, sạt lở và thiếu nước ngọt. Hai là, thị trường nông sản thế giới có nhiều biến động, nông sản Việt đối mặt yêu cầu ngày càng khắt khe về chất lượng, an toàn thực phẩm và trách nhiệm với môi trường. Ba là, áp lực cạnh tranh quốc tế ngày càng lớn về nông sản trên cả sân khách lẫn sân nhà, đòi hỏi sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn chất lượng cao.

Việt Nam vẫn còn nhiều nông sản phụ thuộc vào lợi thế tài nguyên, vẫn xuất khẩu thô do chủ yếu là gia công và tỉ trọng vật tư, nguyên liệu nhập khẩu còn cao, hàm lượng tri thức, công nghệ và giá trị gia tăng từ đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn chưa nhiều. Những thách thức đó đòi hỏi chính quyền, doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân và các tác nhân trong từng chuỗi giá trị nông sản phải liên kết chặt chẽ; xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu. Việc chuyển đổi cây trồng, áp dụng công nghệ để tiết kiệm nước, mở rộng các mô hình canh tác hữu cơ là hướng đi phù hợp và cấp bách.

Cần phải có cách tiếp cận mới để “chiếc bánh nông sản” lớn thêm với cách chọn lựa “con đường nông sản mới”, không chỉ là đồng ruộng và nhà máy mà còn là không gian sáng tạo, nông nghiệp tích hợp đa giá trị với du lịch, giải trí, thời trang…

Cần xây dựng chuỗi giá trị nông sản mạnh mẽ hơn từ sản xuất đến tiêu thụ. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến sâu, phát triển thương hiệu và mở rộng thị trường xuất khẩu. Phải tăng cường năng lực khoa học công nghệ, đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp. Nông nghiệp phải tích hợp với các nguồn lực vật chất như lợi thế tự nhiên, các nguồn tài chính, khoa học công nghệ, đặc biệt là nguồn lực con người trong chuỗi giá trị nông sản.

Việc chuyển đổi sang phương thức kinh doanh nông nghiệp mới đòi hỏi phải nghiên cứu, kết nối thực tiễn, ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa khoa học công nghệ trong việc xây dựng chuỗi liên kết, chọn các tiêu chuẩn phù hợp, xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng tin cậy làm công cụ, đồng thời xây dựng các tác nhân nòng cốt tham gia chuỗi và hướng đến cộng đồng.

Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI