Để chiếc bánh nông sản giá trị hơn

16/10/2023 - 06:38

PNO - Xuất khẩu nông sản là mảng sáng nhất trong bức tranh xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2023: đạt gần 38,5 tỉ USD, tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm trước, xuất siêu 8,04 tỉ USD.

Trong khi tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước giảm 8,2% thì nông sản xuất khẩu vẫn tăng trưởng cao: kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 4,2 tỉ USD, tăng 71,8%; gạo đạt 3,66 tỉ USD, tăng 40,4%; hạt điều 2,61 tỉ USD, tăng 14,3%; cà phê 3,16 tỉ USD, tăng 1,9% và sản phẩm chăn nuôi ước đạt 369 triệu USD, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm trước.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong 5 năm gần đây, hoạt động xuất khẩu hàng hóa liên tục đạt được những kết quả ấn tượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước tăng từ 215,1 tỉ USD năm 2017 lên 371,7 tỉ USD năm 2022, giai đoạn 2018-2022 đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 11,6%/năm. 

Đặc biệt, trong 3 năm từ 2020-2022, dù chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, các chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa vẫn liên tục tăng trưởng. Vì vậy, việc xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm nay tăng trưởng âm trong khi xuất khẩu nông sản vẫn có mức tăng trưởng khá cao có ý nghĩa quan trọng. 4 thị trường xuất khẩu hàng đầu của nước ta là Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng là 4 thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất. 

Cơ cấu hàng xuất khẩu cũng chuyển dịch theo hướng tích cực: hàng thô hoặc mới sơ chế giảm từ 15,4% năm 2018 xuống còn 12,2% năm 2022. Trong khi đó, hàng chế biến, tinh chế tăng từ 84,6% năm 2018 lên 87,8% năm 2022, góp phần tăng giá trị hàng xuất khẩu.

Các mặt hàng nông sản xuất khẩu đã tạo ra 4 mảng màu sáng trong bức tranh xuất khẩu các năm qua. Một là, quy mô xuất khẩu không ngừng được mở rộng và tăng trưởng khá cao. Hai là, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu được cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến. Ba là, hàng xuất khẩu tiếp tục được mở rộng về quy mô, đa dạng về chủng loại, tận dụng tốt các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA). Bốn là, xuất khẩu nông sản đóng góp quan trọng trong việc giữ cán cân thương mại xuất siêu nhiều năm qua. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động xuất khẩu nông sản vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức và hạn chế cần được khắc phục để nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh. Sức cạnh tranh trước tiên đến từ doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân nhưng cũng có trách nhiệm của cơ quan hoạch định cơ chế, chính sách, pháp luật trong việc định ra quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. 

Năng lực cạnh tranh và hàm lượng đổi mới sáng tạo trong sản phẩm xuất khẩu hiện nay chưa cao. Yếu tố bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ môi trường của sản phẩm xuất khẩu hay quá trình sản xuất sản phẩm xuất khẩu chưa được quan tâm đúng mức. Một số mặt hàng nông sản đứng trước nguy cơ không được thị trường nước ngoài chấp nhận do chưa đáp ứng các quy định trong quá trình khai thác, đánh bắt, chế biến, sản xuất.

Muốn phát triển xuất khẩu hàng hóa bền vững, cần quan tâm toàn bộ chuỗi từ khâu sản xuất, khâu tổ chức xuất khẩu đến phát triển thị trường xuất khẩu, do đó cần sự quan tâm, vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức, hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp.

Để nâng cao giá trị nông sản, cần sự tiếp cận tổng thể, sự phối hợp đa ngành và giải quyết liên ngành. Cần có chương trình, kế hoạch, lộ trình cụ thể để mở rộng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, bao bì đủ điều kiện. Cần sớm hình thành các tổ hợp đủ mạnh để hỗ trợ, chủ động ứng phó, tạo ra giá trị gia tăng dựa trên việc khai thác hiệu quả các nguồn lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển xuất khẩu, nâng cấp cơ sở hạ tầng kho vận, giảm chi phí logistics. 

Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI