PNO - Hợp tác xã là mô hình kinh tế tập thể được TP.HCM khuyến khích và có những chính sách hỗ trợ để phát triển. Trong đó, Hội Phụ nữ có vai trò khá quan trọng.
Chị Bùi Thị Nghĩa Bình - Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Cần Giờ Tương Lai - kể, năm 2019, chị cùng 31 thành viên có cùng chí hướng đã thành lập HTX Nông nghiệp - Thương mại, Dịch vụ, Du lịch - Đầu tư và Xây dựng Cần Giờ Tương Lai (gọi tắt là HTX Cần Giờ Tương Lai) với vốn điều lệ 8 tỷ đồng, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thương mại và dịch vụ du lịch. HTX cho ra đời một cơ sở chế biến các mặt hàng cá khô một nắng, thủy hải sản đông lạnh với công suất 2 tấn/ngày, một cơ sở chế biến tổ chim yến công suất 3kg/ngày, đồng thời xây dựng ba điểm trưng bày - kinh doanh các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của HTX với 12 nhân viên chính thức, trong đó có chín nữ.
Một trong những hoạt động sản xuất tại Hợp tác xã Cần Giờ Tương Lai
Chị Bình cho biết, mặc dù được Huyện ủy Cần Giờ quan tâm, hỗ trợ, tuy nhiên, HTX vẫn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Vì chưa có quỹ đất là tài sản của HTX hoặc quỹ đất công ích do Nhà nước cho thuê để xây dựng, bố trí cho các hoạt động, nên phần lớn đất của HTX Cần Giờ Tương Lai đang sử dụng đều là thuê lại, do vậy chi phí sẽ phát sinh và không ổn định trong thời gian tới. Ngoài ra, do phải đầu tư các hạng mục công trình phục vụ cho hoạt động dịch vụ, sản xuất, kinh doanh, lại bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 kéo dài nên HTX đã gặp rất nhiều khó khăn về thị trường và tài chính. Do “sinh sau đẻ muộn” nên HTX còn gặp nhiều khó khăn ở khâu tìm đầu ra. Sau ba năm hoạt động, đến thời điểm dự kiến phải hoàn vốn, HTX chỉ còn 25 thành viên.
Cũng là một mô hình kinh tế tập thể, Tổ hợp tác May Tumun do Hội LHPN P.Tam Phú (TP.Thủ Đức) thành lập vào cuối năm 2020, do chị Nguyễn Thị Cẩm Tú làm tổ trưởng, hiện có bảy thành viên. Chị Tú cho biết, chị đã có nhiều năm thiết kế, may và bán áo dài. Đứng trước những khó khăn trong kinh doanh của những năm gần đây, đồng thời được sự hỗ trợ và tư vấn của Hội LHPN phường, chị đã kết nối những chị em cùng nghề cùng nhau hợp tác để tạo ra những sản phẩm áo dài có chung thương hiệu Tumun. Các thành viên trong tổ cùng chia sẻ ý tưởng, thực hiện sản phẩm, tổ trưởng sẽ lo đầu ra để cùng nhau có việc làm, thu nhập.
Từ khi thành lập tổ, thương hiệu áo dài Tumun thường xuyên được đưa đi giới thiệu, trưng bày trong các chương trình do Hội Phụ nữ các cấp tổ chức. Tuy nhiên, để nhiều người biết và tin dùng thì vẫn còn là một chặng đường dài. “Cái được nhất chúng tôi nhận thấy là hoạt động trong một tổ hợp tác đã tạo cơ hội để các thành viên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng nghề” - chị Tú khẳng định.
Hội cần đầu tư vào hỗ trợ kết nối
Theo bà Nguyễn Việt Hà - Phó ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Hội LHPN TP.HCM - trong tám HTX có phụ nữ tham gia quản lý được thành lập ở nhiệm kỳ trước, đến nay, gần 50% đã làm thủ tục giải thể. Nguyên nhân khiến các HTX không duy trì được là vì mô hình kinh tế tập thể cũng là một mô hình sản xuất kinh doanh, cũng cạnh tranh sòng phẳng với bao doanh nghiệp khác để có chỗ đứng, nên ở góc độ là phụ nữ, việc quản lý một HTX cũng sẽ gặp những khó khăn như quản lý doanh nghiệp.
Khó tìm người đứng mũi chịu sào ở mô hình hợp tác xã
Khu vực kinh tế tập thể hiện có các mô hình như HTX, tổ hợp tác, liên minh HTX. TP.HCM hiện có 2.675 tổ hợp tác, 554 HTX, và tám liên hiệp HTX với khoảng 59.000 thành viên. Trong đó, HTX giữ vai trò nòng cốt. HTX là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất bảy thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, nhằm đáp ứng nhu cầu chung của các thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ. Tất cả thành viên đều là chủ sở hữu của HTX.
Xác định kinh tế tập thể là một trong những thành phần kinh tế quan trọng của thành phố, giai đoạn 2021 - 2025, HĐND TP.HCM đã ban hành nhiều chính sách về hỗ trợ, phát triển kinh tế tập thể HTX, trong đó, có chính sách hỗ trợ vay vốn để các HTX đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.
Theo nghị quyết đại hội nhiệm kỳ 2021 - 2026, Hội LHPN TP.HCM có nhiệm vụ vận động, truyền thông, hỗ trợ thành lập ít nhất năm HTX. Bà Việt Hà cho biết, đây là một nhiệm vụ không hề dễ dàng. Cái khó nhất, theo bà, là tìm một người có đủ trình độ quản lý để chấp thuận đứng mũi chịu sào, trong khi chị em phụ nữ thường thiếu tự tin, không kiên nhẫn và bị chi phối bởi rất nhiều mối lo toan trong gia đình.
Suy nghĩ hơi khác, chị Bùi Thị Nghĩa Bình cho rằng: Phụ nữ không ngại dấn thân trong làm ăn kinh tế. Như chị, từ một cử nhân luật chuyển sang lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thủy hải sản, chị cũng phải học hỏi rất nhiều để nắm bắt đặc trưng của từng loại sản phẩm, quy trình sản xuất… Sự quyết tâm của HTX là có thừa. Qua ba năm hoạt động, HTX Cần Giờ Tương Lai đã mạnh dạn đầu tư dàn máy công nghiệp để đảm bảo cho ra 2 tấn sản lượng mỗi ngày. “Tuy nhiên, vấn đề đầu ra là một trở ngại lớn, bởi ở những thời điểm đơn đặt hàng đạt cao nhất thì máy móc cũng mới chỉ chạy 50% công suất” - chị Bình chia sẻ.
Chị Lê Thị Bích Thủy - Giám đốc HTX Chuỗi giá trị Về Quê - cho rằng, phần lớn các HTX hiện nay thiên về sản xuất nông nghiệp, vẫn không thoát khỏi hai chữ “giải cứu”. Do đó, một trong những việc mà Hội cần ưu tiên khi vận động thành lập HTX là đầu tư vào việc hỗ trợ kết nối để chị em thấy được nơi đầu ra sáng sủa.
Bên cạnh đó, theo chị Bình, về mặt lý thuyết, có rất nhiều chính sách ưu đãi khi tham gia HTX, tuy nhiên trên thực tế, việc tiếp cận các chính sách ưu đãi là không dễ dàng. HTX Cần Giờ Tương Lai đã lập hồ sơ vay để bổ sung nguồn vốn vận hành sản xuất và quảng bá sản phẩm, nhưng hiện vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn, vì không có tài sản thế chấp. “Chúng tôi mong Hội đề xuất cho các HTX được thuê đất công, hỗ trợ nguồn vốn, thủ tục pháp lý liên quan đến xây dựng, tổ chức nhiều hơn các chương trình đào tạo quản lý HTX, bên cạnh việc tăng cường kết nối để giới thiệu đầu ra cho chị em” - chị Bình mong mỏi.