Để chị em không quay lưng với làm đẹp ở bệnh viện công

26/03/2022 - 06:57

PNO - Vừa qua, tại Hà Nội và TPHCM xảy ra hai vụ tử vong do phẫu thuật thẩm mỹ nâng mũi và nâng ngực. Trong đó, ca tử vong tại Bệnh viện 1A (Q.Tân Bình, TPHCM) gây nhiều bất ngờ vì đây là bệnh viện công có đầy đủ trang thiết bị y tế cho cuộc phẫu thuật được bệnh nhân lựa chọn an toàn.

Đua nhau mở khoa thẩm mỹ

Theo Hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Việt Nam, chỉ trong khoảng mười năm trở lại đây, do nhu cầu và lợi nhuận, tốc độ phát triển ngành thẩm mỹ ở nước ta tăng lên “chóng mặt”. Chỉ tính riêng tại TPHCM, mỗi năm có khoảng 250.000 người thực hiện dịch vụ thẩm mỹ các loại, trong đó 12.000 ca phẫu thuật đặt túi ngực mỗi năm; khoảng 100.000 người có độ tuổi trung bình 25-35 phẫu thuật thẩm mỹ. Độ tuổi này ngày càng trở nên trẻ hóa.

Từ nhu cầu thực tế trên, tại TPHCM hiện nay, hầu hết bệnh viện (BV) chuyên khoa, đa khoa trực thuộc từ Trung ương đến thành phố đều có khoa phẫu thuật thẩm mỹ - tạo hình. Vì đây là khoa “ăn nên làm ra” khi các BV đều phải thực hiện chính sách tự chủ về tài chính, cần có nguồn thu. 

Các bác sĩ tại Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đang thực hiện một ca nâng ngực - ẢNH: BÁC SĨ CUNG CẤP
Các bác sĩ tại Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đang thực hiện một ca nâng ngực - Ảnh: Bác sĩ cung cấp 

Cũng theo Hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Việt Nam từ đầu những năm 2000, nhu cầu phẫu thuật tạo hình - thẩm mỹ tăng rất mạnh, một số BV công lập đã nhanh nhạy thành lập khoa phẫu thuật thẩm mỹ - tạo hình như BV Chợ Rẫy, BV Trưng Vương...

Sau đó, hàng loạt BV tư cũng nhanh chóng thành lập khoa giải phẫu thẩm mỹ như BV Đa khoa Vạn Hạnh, BV An Sinh, BV Hồng Đức, BV STO Phương Đông... Bên cạnh đó hàng loạt thẩm mỹ viện cũng ra đời. 

Những năm gần đây, các BV công cũng nhập cuộc và thành lập khoa hoặc đơn vị phẫu thuật tạo hình - thẩm mỹ. Ngay cả những BV quận cũng có khoa giải phẫu thẩm mỹ - tạo hình.

Tay nghề không cao dễ gây tai biến

Theo tiến sĩ - bác sĩ Đỗ Quang Hùng, nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ BV Chợ Rẫy, hầu hết BV công đều có trang thiết bị, cơ sở vật chất tốt cho một cuộc phẫu thuật thẩm mỹ. Tuy nhiên, vấn đề nguồn nhân lực, người khám, đứng mổ, kỹ thuật viên gây mê, xét nghiệm… có trình độ tay nghề, kinh nghiệm lâu năm để tổ chức cuộc mổ an toàn và dự trù hết những tai biến có thể xảy ra không phải BV nào cũng có. 

Rất nhiều BV hiện nay hợp đồng với những bác sĩ trẻ còn non tay nghề đứng mổ. Nhiều bác sĩ mới ra trường cũng có đủ chứng chỉ hành nghề 18 tháng và thực hành 36 tháng ở các BV, nhưng vấn đề bác sĩ đó thực hành ở đâu, có thực sự đứng mổ vài trăm ca hay chưa, nghiệm thu những ca mổ đó như thế nào? Chất lượng không ai biết được nhưng vẫn được bầu làm trưởng khoa, trưởng ê-kíp đứng mổ. Đặc biệt, tình trạng mổ thuê, giao khoán cho nhóm bác sĩ mỗi năm bao nhiêu ca mổ thẩm mỹ cũng có thể xảy ra.

Do đó, bác sĩ Hùng cho rằng, các BV mở ra khoa phẫu thuật tạo hình - thẩm mỹ là điều tốt để bệnh nhân không phải “lang thang” tìm nơi để mổ. Tuy nhiên, BV nào có đủ nguồn nhân lực, bác sĩ có kinh nghiệm, chuyên môn tay nghề cao thì hãy làm, còn không thì để dành nguồn lực phát triển những chuyên khoa khác. 

Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Lê Hành, Chủ tịch Hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Việt Nam và Chủ tịch Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TPHCM, cho rằng việc các BV công mở các chuyên khoa phẫu thuật tạo hình - thẩm mỹ là một động thái tốt. Bởi, dù sao các BV đều có đầy đủ các thiết bị kỹ thuật mổ và gây mê hồi sức, bác sĩ có tay nghề. Mọi vấn đề để xảy ra biến chứng rủi ro đã có giám đốc BV chịu trách nhiệm nên buộc BV phải làm nghiêm túc.

Theo bác sĩ Lê Hành, mỗi năm Việt Nam ngoài khoảng 12.000 ca phẫu thuật nâng ngực còn có hàng ngàn ca phẫu thuật nâng mũi, cắt mí… Các thủ thuật, phẫu thuật này ngày nay cực kỳ đơn giản và khá an toàn, biến chứng gần như rất ít. Túi ngực xịn, gây mê tốt thì những biến chứng lật túi, vỡ túi và nhiễm trùng rất ít (biến chứng dưới 1%). Nếu BV công không làm tốt sẽ bị mang tiếng, mất khách. Người bệnh phải chạy ra những BV bên ngoài, bác sĩ mổ dạo ngoài khách sạn, những cơ sở không đủ cơ sở vật chất, khi gặp biến chứng không xử lý kịp thời sẽ gây tử vong. 

Cần kiểm soát chất lượng

Bác sĩ Lê Hành nhận định, một cuộc phẫu thuật thẩm mỹ muốn thành công chưa nói đến vấn đề đẹp hay chưa, nhưng phải an toàn cho bác sĩ lẫn bệnh nhân. Bệnh nhân trước khi phẫu thuật phải được xét nghiệm và phân tích tổng thể về các vấn đề sức khỏe, có bệnh gì phải khai báo hết với bác sĩ để phòng tránh và lường trước những vấn đề xảy ra trong lúc mổ và sau mổ. Bác sĩ phải được đào tạo chính quy, vững tay nghề, nhiều kinh nghiệm; cơ sở vật chất phải đầy đủ, gây mê tốt. 

Khi các BV công được Sở Y tế TPHCM cấp phép mở chuyên khoa hoặc đơn vị phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, thì khi có chuyện gì xảy ra người thầy hướng dẫn trong quá trình thực hành cấp chứng chỉ, giấy phép hành nghề và giám đốc BV sẽ phải chịu trách nhiệm. Đặc biệt, các BV không nên quá dễ dãi trong việc cho các bác sĩ vào mổ thuê, mổ dạo để thu tiền trong khi chưa nắm rõ trình độ tay nghề, kinh nghiệm của các bác sĩ.

Bên cạnh đó, khi Sở Y tế cấp chứng chỉ hành nghề cho bác sĩ cần phải ghi cụ thể chuyên sâu từng vùng trên cơ thể, tránh tình trạng có những người có chứng chỉ làm được mắt, mũi mà lại nhận cả những ca làm ngực hay bụng.

Ở nước ngoài, đào tạo phẫu thuật viên phẫu thuật thẩm mỹ phải mất từ 10-15 năm, trong khi ở Việt Nam, khi ra trường, chỉ cần qua chuyên khoa định hướng (18-36 tháng) là đã có thể hành nghề.  Do đó, ngành y tế cần siết chặt việc cấp giấy phép hành nghề cho các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ.

Nếu kiểm tra tay nghề thực hành chưa đáp ứng được yêu cầu chuyên môn, cần mạnh dạn cho rớt để bác sĩ học lại. Bên cạnh đó, người có nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ, làm đẹp nên tìm hiểu kỹ cơ sở phẫu thuật, có đầy đủ thiết bị y tế, sạch đẹp, bác sĩ có chuyên môn, thâm niên tay nghề cao… để đảm bảo an toàn tính mạng. 

Hoàng Nhung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI