Ngày mai, 23/12/2021, Đại hội đại biểu Phụ nữ TP.HCM sẽ chính thức khai mạc. Đây không chỉ là ngày hội riêng của cán bộ, hội viên phụ nữ mà còn là sự kiện được đông đảo phụ nữ các tầng lớp, các ngành, các giới quan tâm. Từ những góc nhìn rất riêng của mình, các vị khách mời của Báo Phụ Nữ TP.HCM đều kỳ vọng: Làm thế nào để mỗi phụ nữ đều tìm thấy “điểm tựa” trong “ngôi nhà chung” của Hội.
Cần quan tâm chăm lo giúp phụ nữ có sức đề kháng tinh thần thật tốt
Tôi rất tâm đắc chủ đề đại hội: “Phụ nữ TP.HCM đoàn kết, sáng tạo, khát vọng vươn lên, phát triển bền vững”. Tôi cũng có những trăn trở và suy nghĩ, để có thể sáng tạo, làm chủ tri thức và phát huy được ý tưởng sáng tạo của mình đòi hỏi người phụ nữ phải có thể trạng lành mạnh, tinh thần khỏe mạnh, tri thức vững vàng và có sự tự chủ trong suy nghĩ, việc làm.
Trong đại dịch COVID-19 vừa qua, phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi. Bên cạnh công tác chăm lo đời sống vật chất thì rất cần quan tâm chăm lo hơn nữa đến đời sống tinh thần, giúp chị em có sức đề kháng tinh thần thật tốt. Có thể giúp chị em tăng cường tập luyện thể dục thể thao phù hợp với thể trạng từng người, làm sao để việc tập luyện một môn thể thao nào đó trở thành thói quen thường xuyên giúp chị em có sức khỏe tốt, chống lại bệnh tật và hạnh phúc hơn trong cuộc sống. Mặt khác, Hội cần tạo cơ hội để chị em tiếp cận được những thông tin tư vấn sức khỏe, giải quyết những vấn đề tâm lý lâu dài sau đại dịch, chăm lo cho những đối tượng cụ thể, nhất là đối tượng yếu thế trong xã hội.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM
Đại diện cho phụ nữ ngành văn hóa và thể thao, tôi thấy nhiệm kỳ mới của phụ nữ thành phố hướng tới đề cao vai trò của các giá trị văn hóa, nhất là giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình trong việc nuôi dưỡng, giáo dục, hình thành nhân cách, đạo đức con người. Những định hướng đó góp phần xây dựng, phát triển con người Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng, phát triển toàn diện, hài hòa giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần ngày càng đầy đủ. Và mục tiêu chính là sự hài lòng của người dân thành phố, là thước đo hạnh phúc gia đình.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong đó có nhiệm vụ trọng tâm là phát triển văn hóa thành phố - nhiệm vụ then chốt - với các đề án cụ thể, trong đó có đề án Xây dựng gia đình hạnh phúc, Sở Văn hóa và Thể thao đã phối hợp cùng Hội Phụ nữ thành phố tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, ban ngành liên quan để xây dựng Bộ tiêu chí gia đình hạnh phúc trên địa bàn TP.HCM với các tiêu chí cụ thể trên các lĩnh vực, phạm vi. Cụ thể là các tiêu chí về ứng xử trong gia đình; điều kiện vật chất; điều kiện tinh thần; giáo dục; y tế và chăm sóc sức khỏe. Các tiêu chí đã đề cao các giá trị văn hóa cốt lõi và nhân văn của con người, hướng đến xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững.
Giúp chị em có tri thức, tay nghề để nắm bắt tương lai
Theo tôi, công tác giới thiệu việc làm và hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nữ, nhất là chị em có tuổi, trong thời gian qua chưa đạt như kỳ vọng. Công tác hỗ trợ đào tạo nghề tuy có thu hút chị em tham gia, nhưng vẫn chưa đem lại hiệu quả thật sự cho lao động sau khóa học hoặc sau khi tham gia các tổ gia công, tổ hợp tác. Các lớp đào tạo nghề chỉ dừng lại ở bậc sơ cấp, chưa thực hiện được những khóa chuyên sâu giúp chị em có được những kỹ năng, kỹ xảo trong công việc.
Tiến sĩ Hồ Thị Minh Nguyệt - nguyên Phó Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM, nguyên Tổng Biên tập Báo Phụ Nữ TP.HCM
Từ rất lâu, chúng ta đã trăn trở và đầu tư thành lập tổ gia công, tổ hợp tác để tạo công ăn việc làm cho chị em. Đây là những mô hình hay, tuy nhiên, có nơi làm hiệu quả, có nơi chưa. Triển khai ban đầu thì rầm rộ, nhưng tồn tại không lâu. Ở các tổ hợp tác địa phương, ban đầu chị em tham gia hồ hởi, nhưng về sau họ cảm thấy nản vì thu nhập không được như mong muốn. Dần dà, chị em bỏ ra ngoài buôn gánh bán bưng hoặc đi giúp việc nhà theo giờ. Làm những công việc này, chị em phần nhiều chịu thiệt thòi do không được ký hợp đồng lao động và khi có sự cố như đợt dịch vừa qua cũng không được hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp như những lao động khác.
Về lâu dài, với vai trò của mình, Hội Phụ nữ có thể hướng dẫn chị em lao động giản đơn chuyển đổi ngành nghề sau khi đã có tuổi. Hội cần giúp đỡ, tập hợp những chị em có tay nghề vào làm trong các tổ nghề, các hợp tác xã tiểu thủ công mỹ nghệ, hoặc nếu làm nông nghiệp thì vào tổ hợp tác lao động và phải bảo vệ quyền lợi cho họ.
Để thu hút chị em lao động, chúng ta cần duy trì và phát triển các mô hình. Trong từng tổ gia công, tổ hợp tác phải có người có trình độ chuyên môn, nắm vững kỹ thuật, thay đổi mẫu mã liên tục và đặc biệt phải nắm bắt tình hình thị trường, thị hiếu người tiêu dùng. Nhiều tổ hợp tác làm việc này rất tốt, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Nếu chị em nào muốn làm trong các công ty, xí nghiệp, trước hết mình cũng cần hướng dẫn họ cách sử dụng các thiết bị, máy móc cơ bản, bắt kịp nhịp sản xuất hiện đại. Đây là thách thức không nhỏ của Hội, vì muốn làm được điều đó Hội phải tăng cường hợp tác, đồng thời rất cần một cơ chế để phối hợp với các đơn vị có dây chuyền sản xuất tiên tiến để cùng đào tạo nghề cho lao động có tuổi. Hội cần ngân sách để mở các lớp nghề nâng cao, chứ không chỉ dừng lại các lớp sơ cấp nghề.
Ngoài ra, Hội Phụ nữ địa phương cũng cần tiếp cận, giải thích rõ với chị em về lợi ích khi tham gia bảo hiểm xã hội. Chỉ khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chị em mới nhận được một số lợi ích lâu dài về sau.
Tất nhiên, mọi nỗ lực phải từ hai phía, Hội nỗ lực tìm cách chăm lo, hỗ trợ, nhưng cốt lõi vẫn ở người lao động. Họ phải có nguyện vọng và quyết định được việc làm trong tương lai của mình thì các chương trình đào tạo nghề, hỗ trợ khởi sự kinh doanh cho đến việc khởi nghiệp mới thành công.
Cần nhiều hơn những “Thẻ sen hồng”
Trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, trên địa bàn TP.HCM có rất nhiều mô hình, cách làm hay của các cấp Hội Phụ nữ. Tôi rất tâm đắc với “Thẻ sen hồng” của Hội LHPN Q.11 và nhận thấy có thể áp dụng mô hình này cho địa bàn TP.Thủ Đức.
Là thành phố trong thành phố, Thủ Đức có vị trí quan trọng đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, được xác định là hạt nhân sáng tạo dẫn dắt kinh tế TP.HCM và vùng Đông Nam bộ. Bởi vậy, Hội cũng phải vươn tầm hoạt động, đề cao tính liên hiệp, tạo nền nếp, tạo sức bật của nhiệm kỳ đầu tiên, tạo sức mạnh riêng của giới nhằm góp phần xây dựng TP.Thủ Đức thành đô thị thông minh, sáng tạo có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, phát triển nhanh bền vững. Hội LHPN TP.Thủ Đức có 39 cơ sở Hội với 214.547 hội viên. Thời gian tới, chúng tôi sẽ vận dụng “Thẻ sen hồng” để tôn vinh kịp thời những cách làm hay, hiệu quả trong phong trào phụ nữ và hoạt động Hội của các tổ chức, cá nhân.
Bà Nguyễn Hạnh Thảo - Chủ tịch Hội LHPN TP.Thủ Đức
Tôi nghĩ, thành phố chúng ta cần nhiều hơn những “Thẻ sen hồng”, bởi vì nó không chỉ mang ý nghĩa biểu dương tinh thần mà còn là sự ghi nhận, tri ân bằng những món quà vật chất đối với chị em thông qua thẻ ưu đãi. Và, để những “Thẻ sen hồng” hoặc những mô hình hay của nhiệm kỳ qua hoàn thiện và thật sự tạo được sức mạnh động viên, lan tỏa đối với cán bộ, hội viên phụ nữ, tôi mong mỏi ở nhiệm kỳ 2021 - 2026, Hội LHPN TP.HCM sẽ triển khai nhiều hơn các buổi gặp gỡ giao lưu, kết hợp tham quan thực tế giữa các đơn vị cơ sở với nhau để chúng tôi được học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và đưa những cách làm hay về áp dụng cho địa phương mình.
Mở rộng tính liên hiệp qua xây dựng tổ chức Hội tại các chung cư
Thành lập chi hội phụ nữ ở chung cư là một trong những chỉ đạo của Thành ủy và Quận ủy Q.8 và Hội Phụ nữ không đứng ngoài nhiệm vụ đó. Việc thành lập các Chi hội Phụ nữ chung cư còn góp phần nâng cao uy tín của tổ chức Hội đối với người dân, góp phần cùng Đảng bộ và chính quyền thực hiện tốt công tác quản lý đảng viên, dân cư trên địa bàn. Ngoài ra, việc thành lập chi hội phụ nữ trong các khu chung cư cũng góp phần mở rộng tính liên hiệp của tổ chức Hội, qua đó vận động, thu hút chị em phụ nữ tham gia hoạt động và trở thành hội viên của Hội. Do đó, trong nhiệm kỳ 2021 - 2026, chúng tôi xem đây là một trong ba công trình trọng điểm mà các cấp Hội LHPN Q.8 phấn đấu thực hiện.
Bà Đỗ Trương Hoàng Thảo - Phó Chủ tịch Hội LHPN Q.8
Địa bàn Q.8 hiện có tất cả 50 chung cư cũ và mới, trong đó có ba nhà tập thể. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, Hội LHPN Q.8 chỉ vừa mới thành lập được Chi hội Phụ nữ chung cư đầu tiên tại chung cư Đồng Diều (P.4) với 35 hội viên. Phụ nữ chung cư đa phần là trí thức, nhân viên văn phòng, đi làm về rất muộn nên việc tập hợp họ tham gia các hoạt động, phong trào cũng gặp nhiều hạn chế. Hơn nữa, ra đời trong bối cảnh dịch COVID-19 khiến cho chi hội chưa có điều kiện triển khai nhiều hoạt động. Tuy nhiên, họ cũng đã cùng Hội LHPN P.4 thực hiện những chương trình an sinh xã hội tại địa phương, như trao tặng góc học tập cho con hội viên khó khăn và trao những phần quà hỗ trợ chị em phụ nữ khó khăn.
Phải nói rằng, việc xây dựng các Chi hội Phụ nữ tại chung cư là một hoạt động còn khá mới mẻ đối với Hội LHPN Q.8. Tuy nhiên, qua việc thành lập chi hội tại chung cư Đồng Diều, chúng tôi nhận ra rằng, để làm được điều đó, trước hết phải xây dựng lực lượng hội viên, phụ nữ nòng cốt tại chung cư, tổ chức tham khảo nhu cầu, nguyện vọng của các chị em phụ nữ ở đó, rồi mới tổ chức các hoạt động phù hợp để thu hút chị em tham gia.
Tổ tư vấn cộng đồng cần được đào tạo chuyên sâu, tâm huyết
Trong những năm qua, các tổ tư vấn cộng đồng (TVCĐ) đã giúp tổ chức Hội làm tốt vai trò cầu nối giữa chính quyền với người dân. Thông qua khả năng, trình độ chuyên môn, từng thành viên tổ TVCĐ đã giúp người dân hiểu đúng, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Bà Lê Thị Vịnh - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Q.Gò Vấp
Trong những năm gần đây, hoạt động các tổ TVCĐ ngày càng được Hội LHPN thành phố quan tâm, đào tạo, đặc biệt là chủ động tổ chức nhiều lớp tập huấn nhằm nâng cao kiến thức cho các thành viên trong tham vấn cộng đồng. Trong nhiệm kỳ qua, tại Q.Gò Vấp, được sự hỗ trợ của cán bộ chuyên trách Hội Phụ nữ quận, Phòng Tư pháp, Hội Luật gia và các phòng ban chuyên môn, 186 tổ TVCĐ đã hỗ trợ giải quyết cho hơn 2.400 trường hợp liên quan đến các vấn đề như quan hệ xóm giềng, hôn nhân gia đình, giáo dục con cái…
Năm 2021 là năm TP.HCM chịu ảnh hưởng khá nặng nề bởi dịch COVID-19. Chính quyền và HĐND thành phố đã kịp thời có phương án chi ngân sách hỗ trợ cho lực lượng đặc thù, người lao động bị ảnh hưởng. Nhưng do sự gấp gáp và không đồng nhất trong phương thức triển khai ở từng địa phương, nên đã gây ra những búc xúc trong dân. Các tổ TVCĐ đã vào cuộc để tìm hiểu và giải thích cho dân hiểu; giám sát và báo cáo lãnh đạo chính quyền để kịp thời điều chỉnh ở một số địa phương.
Tuy nhiên, để phát huy hết khả năng tham vấn, tôi nghĩ nên thành lập tổ TVCĐ theo cụm phường/địa bàn để đội ngũ được đào tạo chuyên sâu, tâm huyết và bài bản hơn. Hiệu quả của công tác TVCĐ là “mưa dầm thấm lâu” và khả năng truyền đạt, vững chuyên môn, bản lĩnh và tạo được niềm tin cho thân chủ. Đạt được những yếu tố đó thì tổ TVCĐ sẽ góp công rất lớn cùng chính quyền ổn định an ninh trật tự tại địa phương, xây dựng khu dân cư an toàn, văn minh.
Cần quan tâm chăm lo những cán bộ Hội tại cơ sở Khi dịch COVID-19 bùng phát tại thành phố, tôi đã thấy được vai trò quan trọng của phụ nữ. Các chị là lực lượng nòng cốt, tiên phong hỗ trợ tích cực cho công tác chống dịch tại địa phương. Khi Hội cần, người dân cần thì dù gian nan, thậm chí có nguy cơ mắc bệnh, chị em vẫn chẳng từ nan. Hội LHPN TP.HCM có hệ thống chân rết rất tốt tại cơ sở. Lực lượng hội viên đông đảo là lợi thế giúp Hội tiếp cận được nhiều nhóm đối tượng, nhất là phụ nữ nghèo, phụ nữ khó khăn, bệnh tật hay công nhân lao động nhập cư xa quê. Công tác tuyên truyền, công tác dân vận cũng nhờ đó mà dễ dàng hơn, xây dựng được mối quan hệ thân thiết giữa Đảng, chính quyền với người dân.
Ông Lê Hữu Quang - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú
Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố nhiệm kỳ 2021 - 2026 sẽ mở ra một chặng đường mới 5 năm, nhưng trước mắt phải đối diện với nhiều khó khăn do dịch COVID-19 vẫn còn phức tạp. Mong rằng, Hội LHPN thành phố nhiệm kỳ mới tiếp tục phát huy được thế mạnh sẵn có, cùng thành phố thực hiện tốt các hoạt động an sinh xã hội, nhất là chăm lo cho người dân, phụ nữ và trẻ em nói riêng. Hội cũng cần quan tâm, động viên nhiều hơn đến cán bộ Hội Phụ nữ cơ sở, bởi chị em là những người trực tiếp gắn bó với dân nhất.
Mong đợi Hội kết nối thêm nhóm phụ nữ nghiên cứu khoa học
Tôi vinh dự được Thành đoàn TP.HCM đề cử tham gia Đại hội đại biểu Phụ nữ với tư cách là nữ tri thức. Đây cũng là lần đầu tiên tôi tham dự đại hội.
Tôi thấy phấn khởi khi Hội LHPN TP.HCM đã có sự kết nối Hội nữ doanh nhân, Hội nữ trí thức là các hội thành viên. Các nhóm hội nhỏ đã gắn kết được các thành viên, hội viên cùng ngành nghề, tạo điều kiện giúp các thành viên được chia sẻ và học hỏi thêm kiến thức, kỹ năng của từng lĩnh vực.
Bà Lê Ngọc Liễu - đại biểu nhóm phụ nữ tri thức
Nhưng tôi nghĩ nhóm nữ tri thức cũng cần có sự phân chia theo từng nhóm nhỏ có cùng mối quan tâm. Nếu chỉ tập hợp thành một nhóm tri thức lớn, đa ngành nghề sẽ không phát huy được hiệu quả.
Công việc của tôi liên quan đến công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, tôi mong đợi trong nhiệm kỳ mới, Hội LHPN thành phố sẽ kết nối thêm nhóm phụ nữ có cùng đam mê làm nghiên cứu khoa học.
Nhiệm kỳ 5 năm có thể không dài nhưng đây sẽ là sự khởi đầu. Cùng với mục tiêu tạo cơ hội cho phụ nữ khởi nghiệp thì khoa học công nghệ cũng là một điểm khởi đầu, tiền đề giúp phụ nữ khởi nghiệp thành công.
Những năm gần đây, khoai mỡ được giá, nhiều hộ đã tăng sản lượng. Với giá bao tiêu là 9.000 đồng/kg, người trồng khoai sẽ có lời khoảng 20 triệu đồng/1.000m2.