|
Bức tranh “Chiều tà” (còn có tên “Ngày tàn”) do ông vua yêu nước Hàm Nghi vẽ trong những ngày bị lưu đày ở Algeria. Năm 2010, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế không thắng đấu giá bức tranh này do giá gõ búa vượt quá khả năng tài chính dự kiến (ảnh do Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cung cấp) |
Đấu giá từ xa để mua lại cổ vật
Mới đây, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam đã tiếp nhận 10 cổ vật quý từ Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, gồm 1 rìu đá hậu kỳ đá mới, 3 rìu đồng và 1 nồi gốm thuộc nền văn hóa Đông Sơn, 3 tượng cá sấu đá thế kỷ I-II sau Công nguyên và 2 tẩu đồng thế kỷ XVII-XVIII.
Theo Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, các cổ vật này nằm trong bộ sưu tập 7.000 cổ vật bị 1 công dân Mỹ buôn bán trái phép. Năm 2014, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã thu hồi bộ sưu tập này. Sau đó, chủ nhân bộ sưu tập từ bỏ quyền sở hữu, hợp tác với FBI và có nguyện vọng trả lại toàn bộ cổ vật cho chủ sở hữu hợp pháp.
Năm 2018, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam cũng tiếp nhận 18 cổ vật do Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức trao, gồm 5 hiện vật thuộc nền văn hóa Đồng Nai, 5 hiện vật thời hậu kỳ Đá mới, sơ kỳ Kim khí Tây Nguyên, cách ngày nay 3.500-4.000 năm, 8 hiện vật thuộc nền văn hóa Đông Sơn, cách ngày nay 2.000-2.500 năm. Đây là số cổ vật do Cơ quan Phòng chống tội phạm, Cảnh sát thành phố Berlin thu giữ tại cửa hàng của 1 thương nhân Việt Nam cuối năm 2016.
Với những cổ vật không được cảnh sát thu giữ và đại sứ quán trao trả, đường về gian nan, tốn kém hơn rất nhiều. Khoảng năm 1939-1940, chuông chùa Ngũ Hộ của thôn Kim Đôi, xã Kim Chân, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh bị phát xít Nhật cướp, đưa về nước. Năm 1977, luật sư Watanabe thấy cổ vật này được bày bán ở trong 1 cửa hàng đồ cổ ở quận Ginza, thành phố Tokyo. Ông đọc chữ Hán trên quả chuông, biết nó có ý nghĩa rất lớn với dân làng nên muốn mua để trả lại nơi xuất xứ.
Sau khi nghe luật sư Watanabe trình bày, người bán đồng ý giảm giá từ 9 triệu yên xuống còn 5 triệu yên. Luật sư Watanabe và 1 người bạn là giáo sư sử học đã rút hết tiền tiết kiệm để đặt cọc. 2 ông cũng được 2 vị trụ trì chùa và 1 nhà văn nổi tiếng đứng ra kêu gọi quyên góp tiền với tổng tiền quyên góp được là 9,6 triệu yên. Nghĩa cử đó đã khiến ông chủ cửa hàng đồ cổ giảm giá thêm lần nữa. Năm 1978, tại chùa Quán Sứ, luật sư Watanabe đã đại diện phía Nhật Bản trao trả lại chuông chùa Ngũ Hộ cho Việt Nam.
Năm 2014, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đấu giá thành công chiếc xe kéo tay mà Vua Thành Thái đã mua tặng mẹ. Trong phiên đấu giá ở Pháp, giá khởi điểm của chiếc xe là 1.000 euro, giá chốt (gõ búa) là 45.000 euro. Bấy giờ, việc đấu giá rất khó khăn do Việt Nam chưa có tiền lệ, hành lang pháp lý cho việc đấu giá ở nước ngoài. Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cũng không thể cử người sang Pháp mà phải đấu giá qua điện thoại với sự hỗ trợ của kiều bào ở Pháp.
Khi đó, dù đã huy động mọi nguồn, trung tâm vẫn còn thiếu khoảng 10.000 euro, phải nhờ Bộ Ngoại giao ứng tiền trước để đưa cổ vật về, rồi trung tâm hoàn tiền sau. Sau khi đấu giá thành công, cổ vật này vẫn bị Bảo tàng Guimet của Pháp tranh chấp, phải nhờ sự can thiệp của Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp mới êm xuôi.
Cũng tại phiên đấu giá đó, phía Pháp bán chiếc long sàng của Vua Thành Thái với giá khởi điểm là 1.000 euro, giá chốt là 100.000 euro. Tổng chi phí cho việc đưa chiếc xe kéo tay hồi hương đã mất 55.800 euro (khoảng 1,3 tỉ đồng) nên Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế không dám đấu giá chiếc long sàng. Rất may, 1 kiều bào tại Pháp là cháu ngoại của Vua Thành Thái đã đấu giá thành công chiếc long sàng này.
Cần có chiến lược đối với cổ vật
Đến nay, chiếc xe kéo tay mà Vua Thành Thái mua tặng mẹ vẫn là cổ vật duy nhất được 1 cơ quan nhà nước đấu giá thành công. Đầu năm nay, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tiếp nhận mũ quan văn chánh nhất phẩm và áo Nhật Bình cung tần Triều Nguyễn do Công ty cổ phần Sunshine hiến tặng sau khi công ty này đấu giá thành công ở Tây Ban Nha vào năm 2021 với giá mũ 600.000 euro, giá áo hơn 160.000 euro.
|
Mũ quan văn chánh nhất phẩm Nhà Nguyễn được Công ty cổ phần Sunshine đấu giá thành công (ảnh do Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cung cấp) |
Việt Nam là một trong những nước tham gia Công ước UNESCO 1970 về các biện pháp ngăn cản xuất, nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa. Đây là cơ sở để Cộng hòa Liên bang Đức trao trả 18 cổ vật, bởi Đức cũng là thành viên của công ước. Từ đó, có ý kiến cho rằng, cần vận dụng luật pháp và công ước quốc tế trong việc hồi hương cổ vật.
Tiến sĩ Phạm Quốc Quân - nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam - phân tích, điều 5 Luật Di sản văn hóa quy định: “Nhà nước thống nhất quản lý di sản văn hóa thuộc sở hữu của toàn dân, công nhận và bảo vệ các hình thức sở hữu tập thể, sở hữu chung của cộng đồng, sở hữu tư nhân và các hình thức khác về di sản văn hóa theo quy định của pháp luật”. Khoản 2, điều 8 Luật Di sản văn hóa quy định: “Di sản văn hóa Việt Nam ở nước ngoài được bảo hộ theo tập quán quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia”.
Theo tiến sĩ Phạm Quốc Quân, Việt Nam đã và đang thực hiện ngày càng nghiêm túc cả công ước quốc tế và luật trong nước. Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng áp dụng tập quán quốc tế, điều ước quốc tế như cam kết. Chưa kể, luật pháp mỗi quốc gia còn có những quy định khác nhau về cổ vật. Thêm vào đó, khá nhiều cổ vật đã bị đưa khỏi Việt Nam từ lâu và đã thuộc quyền sở hữu của các cá nhân, tổ chức nước ngoài, phù hợp với luật pháp nước đó. Do vậy, cổ vật hồi hương qua con đường luật pháp và công ước quốc tế là vô cùng gian nan.
Theo ông, hiện tại, đấu giá mua lại cổ vật vẫn là con đường ngắn nhất để đưa cổ vật về nước. Ông cũng cho rằng, trước mắt, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản. Họ miễn thuế, đơn giản hóa thủ tục nhập khẩu với mọi món đồ liên quan đến văn hóa, lịch sử có niên đại trên 100 năm. Ông chia sẻ: “Tôi đã có dịp làm việc với những nhà nghiên cứu ở cả châu Á, châu Âu. Họ đều nói rằng, bất cứ quốc gia nào cũng không đủ khả năng mua đấu giá các di sản như mong muốn mà cần phải có lực lượng tư nhân”.
Tiến sĩ Phạm Quốc Quân cho biết, thời gian qua, định hướng xã hội hóa lĩnh vực di sản văn hóa của Đảng và Nhà nước ta đã đem lại nhiều chuyển biến tích cực, như công nhận các bộ sưu tập tư nhân, bảo tàng ngoài công lập. Tư nhân đã trở thành 1 lực lượng góp sức đưa cổ vật hồi hương. Tuy nhiên, những hoạt động này còn nặng tính tự phát, thiếu chuyên môn, chạy theo thị hiếu đám đông, lẻ tẻ. Ông nhận định, cần phải có chiến lược toàn diện và bao quát trong vấn đề hồi hương cổ vật. Trước hết, nên cho phép các tập đoàn kinh tế lớn xây dựng hoặc mua quyền quản lý bảo tàng, di tích.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng cho rằng, Việt Nam đang thiếu cơ chế, điều kiện để tham gia đấu giá và thu hồi cổ vật. Ngoài ra, cần có sự phối hợp với các quốc gia, Việt kiều các nước, các nhà sưu tập, nghiên cứu cổ vật là người Việt ở nước ngoài để điều tra, đánh giá lượng cổ vật và có kế hoạch ngoại giao văn hóa để đưa cổ vật về nước. Theo ông, tới đây, khi sửa đổi Luật Di sản, Quốc hội cần tạo hành lang pháp lý để cổ vật đang lưu lạc ở nước ngoài về nước thuận lợi theo con đường nhà nước hoặc tư nhân.
Minh Tuệ