Để cao tốc an toàn

04/03/2024 - 06:17

PNO - Đại hội XIII của Đảng đã xác định phát triển kết cấu hạ tầng là 1 trong 3 đột phá chiến lược, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đề ra mục tiêu đến năm 2030, cả nước có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc, đến năm 2025 hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông.

Gần 14 năm sau khi tuyến đường cao tốc đầu tiên (TPHCM - Trung Lương, dài 40km) được thông xe, đến nay, cả nước đã có gần 1.900km đường cao tốc. Không lâu nữa, đường cao tốc Bắc - Nam phía đông sẽ trở thành con đường vận tải xương sống của cả nước trong thời kỳ mới, giúp xe cộ chạy thông suốt với tốc độ cao từ Lạng Sơn đến tận mũi Cà Mau. 

Đường cao tốc sẽ thúc đẩy hoạt động vận tải hàng hóa và hành khách, thúc đẩy sự liên kết phát triển giữa các vùng, địa phương. Thế nhưng, sản phẩm hiện đại đòi hỏi tư duy khai thác, quản lý, giám sát phù hợp. 

Với đường cao tốc, sự thuận tiện cũng đi đôi với nguy cơ. Thực tế, đã xảy ra những vụ tai nạn thảm khốc trên các đường cao tốc mà không ít trong số đó là do thiếu hợp lý trong thiết kế, khai thác, quản lý lưu thông. Vụ tai nạn trên đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn qua tỉnh Thừa Thiên - Huế ngày 18/2 một lần nữa làm dấy lên những lo ngại về sự mất an toàn trên những tuyến đường cao tốc chưa hoàn chỉnh.

Chưa hoàn chỉnh là bởi nguồn lực hạn chế, buộc ngành giao thông phải phân kỳ đầu tư. Nhìn nhận cách làm này là phù hợp với thực tế “con nhà nghèo” nhưng phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Long - nguyên Phó chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật cầu đường Việt Nam - cho rằng, các cơ quan quản lý cần thẳng thắn công bố những đoạn đường chưa đạt chuẩn và có “hướng dẫn sử dụng”. Không nên gọi chung chung là đường cao tốc bởi nó sẽ tạo tâm lý chủ quan, thậm chí bức xúc cho người lưu thông. Theo ông, đường chưa hoàn chỉnh thì chỉ nên sử dụng như đường cấp III, cho đến khi nào nâng cấp đạt chuẩn thì mới gọi là đường cao tốc. Có như vậy, người tham gia giao thông mới chạy cẩn thận hơn, cơ quan quản lý cũng giám sát và chế tài chặt chẽ hơn.

Dù mạng lưới đường cao tốc đã “phủ sóng” nhiều nơi và mỗi ngày có hàng triệu lượt lưu thông nhưng đến nay, Việt Nam vẫn chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường cao tốc và chưa xây dựng mô hình quản lý, khai thác hiệu quả, nhất quán. Có thể xem đây là “lỗ hổng” trong khâu xây dựng, thiết kế và vận hành hệ thống đường cao tốc cần được “lấp đầy” ngay.

Bên cạnh đó, nhiều tài xế đang chạy trên đường cao tốc hiện đại với tư duy của người lái xe ở đường làng. Do đó, thường xuyên xảy ra tình trạng lấn tuyến, vượt ẩu trên quốc lộ, đường cao tốc phân kỳ không có dải phân cách cứng. Nhiều xe ngang nhiên chạy ở làn dừng khẩn cấp. Những hành vi “điền vào chỗ trống”, cắt mặt xe trước thường chỉ bị xử lý khi gây ra tai nạn. Nếu không nâng cao ý thức, xử phạt nghiêm minh tài xế vi phạm thì dù có chuẩn hóa đường, tai nạn vẫn sẽ xảy ra.

Trong cuốn Hồi ký Lý Quang Diệu - Từ thế giới thứ ba vươn lên thứ nhất, cố thủ tướng Singapore nhìn nhận: “Cơ sở hạ tầng cơ bản dễ cải tiến hơn cung cách cộc cằn của người dân”. Theo ông, chính quyền Singapore không ngừng nỗ lực đầu tư để hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, nhưng cần làm việc cật lực hơn nhiều lần để xóa bỏ những thói quen xấu và ý thức kém của người dân.
Cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành để hình thành mạng lưới đường cao tốc hiện đại khắp cả nước, rất cần có chiến lược tuyên truyền nâng cao ý thức, kiến thức và kỹ năng sử dụng đường cao tốc cho tài xế đi kèm với việc hoàn thiện hệ thống giám sát, chế tài nghiêm ngặt. Chỉ có như vậy, những tuyến cao tốc hiện đại mới thực sự là những con đường lưu thông an toàn.  

Phương Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI