Để cán bộ, công chức làm việc tại nhà hiệu quả

01/11/2023 - 05:55

PNO - Trong cuộc họp vào giữa tháng 10/2023, UBND TPHCM đã giao Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM chủ trì soạn dự thảo đề án xây dựng nền công vụ TPHCM hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024-2030, trong đó có việc thí điểm cho phép một số cán bộ, công chức, viên chức đăng ký làm việc tại nhà.

Cần có lộ trình, bản mô tả công việc

16g, sau khi giải quyết gần xong hồ sơ, bà Phạm Thị Tú Trinh - cán bộ Văn phòng UBND phường Tân Thới Nhất, quận 12 - kiểm tra lại giấy tờ, điểm lại những việc cần làm trong ngày hôm sau. Trước khi làm ở vị trí hiện tại, bà từng công tác ở lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội - lĩnh vực cần thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với dân nên bà phải luôn có kế hoạch làm việc cụ thể để tránh gây phiền hà.

Cán bộ UBND phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TPHCM nhận và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân - Ảnh: Tú Ngân
Cán bộ UBND phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TPHCM nhận và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân - Ảnh: Tú Ngân

“Công việc hằng ngày của tôi hiện giờ chủ yếu là tổ chức nhân sự và thi đua khen thưởng. Vị trí này không cần tiếp xúc với dân nhưng nếu làm việc ở nhà cũng khó, bởi có nhiều tài liệu lưu trữ ở cơ quan” - bà Tú Trinh cho biết. Nói về dự thảo đề án trong đó cho phép một số cán bộ, công chức, viên chức luân phiên làm việc tại nhà, bà Tú Trinh đề xuất, có thể để các cán bộ không làm ở vị trí tiếp dân luân phiên nhau, mỗi tuần làm việc tại nhà từ 1-2 ngày, đồng thời có lộ trình cụ thể, kế hoạch rõ ràng cho những cán bộ ở vị trí cần tiếp dân.

Một cán bộ làm việc ở quận Tân Bình cho rằng, việc thí điểm làm việc tại nhà là khả thi và mang lại nhiều lợi ích, trong đó có việc tiết kiệm thời gian đi lại, điện, giấy của cơ quan: “Nếu tận dụng khoảng thời gian cả đi lẫn về, mỗi người có thêm khoảng 1-2 giờ/ngày để nâng cao chất lượng sống, chăm lo cho gia đình nhiều hơn. Việc không phải đến cơ quan cũng giúp cán bộ chủ động hơn trong công việc, xem trọng hiệu quả công việc hơn”.

Cán bộ, công chức UBND phường Tân Thới Nhất, quận 12, TPHCM đang tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân - Ảnh: Tú Ngân
Cán bộ, công chức UBND phường Tân Thới Nhất, quận 12, TPHCM đang tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân - Ảnh: Tú Ngân

Theo vị cán bộ này, ở một số bộ phận, hiệu quả làm việc là do thái độ và năng lực của cán bộ, công chức, viên chức quyết định. Chẳng hạn, công việc của cán bộ văn phòng chủ yếu là nhập liệu, viết báo cáo, cần có không gian yên tĩnh và sự tập trung, nên làm việc ở nhà hiệu quả hơn làm ở cơ quan. “Để công việc đạt hiệu quả tối ưu, cần phải có bản mô tả công việc rõ ràng, phân công rõ người phụ trách, nội dung công việc chi tiết, tiến độ hoàn thành công việc, thưởng phạt theo mức độ hoàn thành” - ông nói.

Mô hình làm việc linh hoạt là xu thế chung

Theo ông Nguyễn Sỹ Long - Phó trưởng phòng Công chức Viên chức, Sở Nội vụ TPHCM - việc thí điểm cho phép cán bộ, công chức, viên chức làm việc ở một số vị trí không tiếp xúc với công dân đăng ký làm việc tại nhà là phù hợp với điều kiện hiện nay của TPHCM: “TPHCM là một trong những địa phương đi đầu cả nước về chuyển đổi số, trong đó bao gồm chuyển đổi số trong khu vực công. Hệ thống chính trị của TPHCM cũng đang thực hiện đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh. Do đó, các định hướng về cải cách hành chính và xây dựng chính quyền số với mô hình làm việc linh hoạt, hiện đại là phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới”. 

Người dân làm thủ tục hành chính ở trụ sở UBND phường An Lạc, quận Bình Tân, TPHCM - Ảnh: S.V.
Người dân làm thủ tục hành chính ở trụ sở UBND phường An Lạc, quận Bình Tân, TPHCM - Ảnh: S.V.

Ông dẫn chứng, trong thời gian toàn thành phố giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, cán bộ, công chức, viên chức TPHCM đã thích ứng nhanh với phương thức làm việc trực tuyến, nhận hồ sơ và xử lý văn bản bình thường trên môi trường mạng. Do đó, việc cho phép một số cán bộ, công chức, viên chức ở các vị trí không tiếp xúc nhiều với dân làm việc tại nhà sẽ không ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ của nền công vụ.

Bên cạnh đó, hiện nay, TPHCM đang tăng cường hiện đại hóa nền hành chính, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Theo đó, người dân và doanh nghiệp đăng ký sử dụng dịch vụ công và được cơ quan nhà nước trả kết quả chứ không cần tiếp xúc trực tiếp với cán bộ, công chức. Do vậy, việc một số cán bộ, công chức, viên chức làm việc ngoài công sở không ảnh hưởng nhiều đến tiến độ và chất lượng xử lý, giải quyết thủ tục hành chính. 

“Cán bộ, công chức, viên chức được tạo điều kiện làm việc linh hoạt sẽ có thêm động lực để phát huy tinh thần cống hiến, năng động, sáng tạo, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn, đồng thời đảm bảo sức khỏe và có thêm điều kiện để chăm sóc gia đình” - ông Nguyễn Sỹ Long nói. 

Sẽ áp dụng thí điểm ở  một số cơ quan, đơn vị

Việc xây dựng đề án xây dựng nền công vụ TPHCM hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024-2030 sẽ theo hướng lựa chọn một số cơ quan, đơn vị để thí điểm; các cơ quan, đơn vị đó sẽ lựa chọn một số tổ chức, đơn vị thành phần và một số vị trí việc làm cụ thể để thí điểm áp dụng, sau đó sẽ có sơ kết, đánh giá kỹ lưỡng về kết quả thực hiện, những tác dụng, hiệu quả mang lại đối với nền công vụ cũng như sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp so với trước khi thí điểm. Từ đó, các cơ quan được giao soạn thảo đề án sẽ tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc việc mở rộng phạm vi thí điểm.  

Việc cho phép cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại nhà căn cứ vào đặc thù của vị trí việc làm và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Trước mắt, chỉ thí điểm đối với các vị trí không liên quan đến việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có trách nhiệm phân công nhiệm vụ cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại nhà với khối lượng công việc tương đương khi làm việc ở công sở; theo dõi chặt chẽ, đánh giá cụ thể hiệu quả công việc. Việc đánh giá, xếp loại chất lượng của cán bộ, công chức, viên chức căn cứ vào kết quả và mức độ hoàn thành nhiệm vụ trên cơ sở các tiêu chí cụ thể, rõ ràng, công khai, minh bạch.

Cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại nhà phải cam kết thực hiện đúng tiến độ, khối lượng và chất lượng các nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền phân công yêu cầu của cấp có thẩm quyền, tuân thủ đúng quy định pháp luật và chịu trách nhiệm đối với công việc được cấp có thẩm quyền phân công. 

Việc thí điểm làm việc tại nhà không thay thế hoàn toàn cho mô hình làm việc tại công sở.

Ông Nguyễn Sỹ Long - Phó trưởng phòng Công chức Viên chức, Sở Nội vụ TPHCM

Tăng cường khả năng số hóa, đảm bảo tính bảo mật

Làm việc tại nhà là xu hướng chung của thế giới. Công ty nơi tôi đang làm việc cũng cho phép nhân viên làm việc tại nhà với điều kiện đưa ra lý do hợp lý. Có nghĩa là, làm việc tại nhà là mong muốn từ phía người lao động và chủ doanh nghiệp buộc phải nhượng bộ. Họ vẫn có nhiều lý do để không muốn nhân viên ở nhà, như sợ giảm tính kết nối với công việc, giảm sự tương tác, giảm sự gắn kết giữa các nhân viên. Nhưng theo tôi, sự gắn kết giữa các đồng nghiệp với nhau sẽ đến khi nhân viên làm việc tại nhà cần sự giúp đỡ và đồng nghiệp sẵn sàng giúp mà không cần gặp mặt. Cái khó nhất khi làm việc tại nhà là cách thức đánh giá đúng năng suất, hiệu quả làm việc của mỗi nhân viên. 

Hiện nay, năng lực số hóa trong công việc của khối hành chính nhà nước chưa cao, còn rất nhiều công việc phải làm trực tiếp bằng giấy tờ thủ công. Bên cạnh đó, chất lượng các dịch vụ công trực tuyến vẫn còn rất thấp. Do đó, nếu không tính toán kỹ, việc để cán bộ, công chức, viên chức làm tại nhà sẽ gây rất nhiều xáo trộn. Ví dụ, khi làm việc tại nhà mà thường xuyên bị cơ quan “réo” thì không thể nào tập trung hoàn thành tốt công việc được.

Thêm nữa, yếu tố bảo mật cực kỳ quan trọng. Làm trực tiếp ở trụ sở sẽ hạn chế được việc mang lượng thông tin công về nhà. Cán bộ, công chức không chủ động phát tán thông tin nhưng có thể bị đánh cắp thông tin. Đó là những vấn đề cần cân nhắc kỹ khi cho phép cán bộ, công chức làm việc tại nhà.

Anh Phạm Hồ Quốc Đại - kỹ sư cơ khí, ngụ huyện Nhà Bè, TPHCM

Cần có thời gian và sự chuẩn bị kỹ lưỡng

Có nhiều năm làm việc ở châu Âu và tham khảo thêm ý kiến bạn bè đang làm việc ở nước ngoài, chúng tôi cho rằng rất khó triển khai hình thức làm việc tại nhà có hiệu quả trong điều kiện hiện nay của chúng ta. Ngay cả doanh nghiệp khối nước ngoài cũng gặp nhiều khó khăn trong vấn đề này. 

Đó là do tính nguyên tắc, trách nhiệm, tự giác, kỷ luật trong lao động của người Việt Nam hiện nay chưa cao. Đây là những yếu tố hàng đầu cần có để làm việc tại nhà và cần có thời gian để xây dựng. Thêm nữa, tư duy lãnh đạo và công cụ để theo dõi, đánh giá, giám sát hiệu quả công việc khi làm tại nhà cũng cần có thời gian đào tạo và thực hành rất lâu. Nó đòi hỏi cả hệ thống, guồng máy phải đi đôi, ăn rơ với nhau và đòi hỏi nhiều thứ liên quan đến mặt kỹ thuật, công cụ mà hiện nay ta vẫn đang rất thiếu. Ở các nước phát triển, hình thức làm việc tại nhà hiệu quả là do mọi thứ gần như tự động hóa.

Ngoài ra, người Việt Nam ít có không gian riêng để làm việc và các thành viên trong gia đình cũng chưa có ý thức tôn trọng không gian riêng đó, khiến người làm việc dễ có xu hướng gác lại việc công để nhảy qua làm việc nhà, việc cá nhân. Do đó, chúng ta có thể triển khai hình thức làm việc tại nhà nhưng cần thêm một thời gian khá dài với sự chuẩn bị kỹ càng.

Bà Trang Jena Nguyễn - Đồng sáng lập, Phó giám đốc Survival Skills Vietnam

Tú Ngân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI