Mười bốn bài tham luận tại tọa đàm xoay quanh những vấn đề của cải lương giai đoạn 1955 – 1975: đóng góp của thầy tuồng, âm nhạc cải lương, những giải thưởng của cải lương thời hoàng kim… và những giải pháp giữ gìn, phát triển nghệ thuật cải lương trong thời điểm hiện tại.
Đừng để cải lương suy tàn
|
Sân khấu về khuya (Đoàn Thanh Minh - Thanh Nga) - một trong những vở diễn nổi tiếng thời kỳ 1955 - 1975. |
Có ba là soạn giả Thế Hữu, từng lập gánh hát Sống Chung ở Cai Lậy năm 1945- 1947, TS Mai Mỹ Duyên – người có nhiều nghiên cứu về đờn ca tài tử (ĐCTT) – cải lương trăn trở: Từng địa phương vẫn có nhiều nỗ lực vinh danh, bảo tồn cải lương, tiếc rằng khán giả lại chưa quan tâm đến những giá trị của loại hình nghệ thuật này. Nhiều khán giả đến với các chương trình cải lương chỉ vì những nghệ sĩ (NS) tên tuổi, nổi tiếng từ nhiều năm trước, nhưng lại thờ ơ với những NS trẻ.
“Có một nghịch lý, giới trẻ rất háo hức với kịch hát nhưng tại sao họ lại chưa mê cải lương? Phải chăng những vở cải lương kinh điển, được xem là mẫu mực vẫn còn khá xa lạ với giới trẻ? Thực trạng này cho thấy việc đưa âm nhạc dân tộc, ĐCTT vào trường học không thể chậm trễ hơn” – TS Mỹ Duyên khẳng định. Bà cũng bày tỏ sự ngạc nhiên khi Dự thảo Đưa âm nhạc vào trường học lại không thấy đề cập đến ĐCTT.
Vai trò của quản lý nhà nước trong việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật cải lương cũng là điều nhiều lần được nhắc đến ở buổi tọa đàm. Cải lương cần có một nhà hát đủ để NS thỏa sức sáng tạo; NS cần được đảm bảo đời sống để yên tâm làm nghề. Để làm được tất cả những điều đó, Nhà nước không thể đứng ngoài cuộc.
|
Các NS đoàn Dạ Lý Hương, một trong những đoàn hát thuộc hàng "top" của cải lương Sài Gòn thập niên 1960. |
Bên cạnh đó, ý kiến “NS không phải là chủ thể duy nhất của nghệ thuật nói chung và cải lương nói riêng mà khán giả cũng là một chủ thể quan trọng. Không có công chúng, NS biểu diễn cho ai xem? Ai bỏ tiền mua vé nuôi nghệ sĩ?” của TS Mai Mỹ Duyên nhận được sự đồng tình của TS Lê Hồng Phước, Phó trưởng khoa Ngữ văn Pháp, Đại học Khoa học-Xã hội và Nhân văn TP.HCM: “Bảo tồn và phát huy cải lương không chỉ là nhiệm vụ của người NS mà cần có sự đồng hành, chung tay của khán giả, của cộng đồng và xã hội”, ông nhấn mạnh.
NSƯT Ca Lê Hồng không giấu được xúc động khi nhắc lại những dấu ấn của cải lương thời hoàng kim. “Cải lương là loại hình nghệ thuật rất đặc biệt, có thể giao thoa với nhiều loại hình nghệ thuật khác như Hát bội, Hí kịch, nghệ thuật sân khấu của Pháp… Nhưng phát triển cải lương phải xuất phát từ âm nhạc, nhạc sĩ sáng tác âm nhạc cho cải lương phải hiểu thấu đáo về nó. Đứng ở cột mốc 100 năm cải lương mà để cải lương suy tàn là có tội với Tổ nghiệp”, giọng bà run run xúc động.
Muốn có sáng tác mới, phải chấp nhận đổi mới
Áp dụng công nghệ 4.0, sáng tạo, làm mới cải lương... là những vấn đề khá mới, được một số khán giả trẻ và sinh viên đặt ra tại toạ đàm với những ý kiến tranh luận sôi nổi.
|
NSND Nguyễn Thành Châu và NSND Phùng Há, những bậc tiền bối đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển của sân khấu cải lương. |
Duy Khang – sinh viên khoa Sáng tác, Nhạc viện TP trăn trở: “Điều khiến những người trẻ lo lắng khi sáng tác âm nhạc cải lương là những sáng tác có yếu tố mới lạ sẽ bị cho là không đúng với ĐCTT- cải lương. Còn những sáng tác giống thì bị cho là rập khuôn. Người trẻ vướng trong cái vòng lẩn quẩn và… sợ, không dám sáng tác những gì liên quan đến ĐCTT-cải lương”.
Tác giả Phạm Tân cũng khá bức xúc khi cho rằng sân khấu luôn luôn than thiếu kịch bản hay, nhưng nhiều sáng tác tốt của các tác giả trẻ lại không được sử dụng: “Mỗi thế hệ sẽ có một quan điểm sáng tác khác nhau, không thể bắt thế hệ đi sau phải giống các bậc cha chú. Xin thế hệ đi trước hãy chấp nhận sự khác biệt trước khi gò ép theo một khuôn mẫu”.
Xuất thân từ “lò cải lương”, có thời gian dài đi phụ việc với nhạc sĩ Đức Phú, nhạc sĩ Đức Trí cho rằng: “Muốn sáng tác mới, làm mới âm nhạc cải lương, cần học cho vững vàng âm nhạc truyền thống. Sau đó mới học cái hay của âm nhạc Tây phương và áp dụng để sáng tác âm nhạc mới cho cải lương. Nhưng sáng tác mới có thành công hay không, có được công chúng đón nhận hay không còn tuỳ thuộc vào bản lĩnh, tài năng và cả cái duyên của người sáng tác”.
|
Không nhiều người biết NS Đức Trí đã đến với cải lương khi mới bắt đầu theo đuổi âm nhạc và từng là người phụ việc của NS Đức Phú - NS nổi tiếng của sân khấu cải lương. |
Nhà báo Ngọc Tuyết nói thêm: “Bản thân ĐCTT, âm nhạc cải lương đã rất hay. Từng bài bản, điệu thức đã đủ sức chuyển tải những cung bậc cảm xúc, tình huống khác nhau của nhân vật, tác phẩm. Từng có rất nhiều sáng tác mới cũng đã được công chúng chấp nhận và để lại ấn tượng đẹp.
Nhưng cải lương ngày nay đang mất đi sự bài bản đặc sắc vốn có thì khoan nói đến việc sáng tác mới. Trong quá trình 100 năm của mình, cải lương luôn luôn đổi mới, chỉ có người làm nghề là không chịu đổi mới. Một tác phẩm, một kịch bản hay, phải được công chúng đón nhận chứ không thể hay vì tác giả nói nó hay!”.
Một số ý kiến, quan điểm của người trẻ về cải lương cho thấy một bộ phận giới trẻ đang hiểu về cải lương một cách mơ hồ. Thậm chí có thể cổ xuý cho những cách làm lệch lạc, bôi bẩn cải lương từng bị dư luận phản ứng như remix Dạ cổ hoài lang, Tô Ánh Nguyệt, Lan và Điệp... và cho rằng những phản ứng của dư luận, người làm nghề là quá khắt khe với suy nghĩ làm mới cải lương của giới trẻ.
Điều này một lần nữa khẳng định đưa ĐCTT- cải lương vào trường học không thể chậm trễ hơn nữa vì như phát biểu của TS Mai Mỹ Duyên: "Trẻ không biết gì về ĐCTT- cải lương sao có thể hiểu và yêu ĐCTT, cải lương?".
Một số giải pháp của Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT) TP.HCM:
- Kiến nghị các bộ, ngành Trung ương bổ sung, cụ thể hoá những quy định của pháp luật, chính sách ưu tiên nguồn lực, hỗ trợ cho nghệ thuật truyền thống. Đặc biệt hỗ trợ các đơn vị ngoài công lập như các chính sách miễn giảm thuế, hỗ trợ cơ sở vật chất, địa điểm biểu diễn.
- Cùng với việc đào tạo nhân lực cho các đơn vị nghệ thuật truyền thống trong và ngoài công lập, phải có những quy định cụ thể nhằm nâng cao chất lượng đặt hàng đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực, nhằm phát huy tính tự chủ, sáng tạo và xây dựng tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao.
- Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hoá phi vật thể ĐCTT trên địa bàn TP.HCM đang được triển khai thực hiện ở góc độ kế hoạch của Sở VH-TT, sẽ triển khai đến tất cả các trường học, địa phương trên địa bàn TP. Đây sẽ là điều kiện để ĐCTT - cải lương tiếp cận nhiều hơn với công chúng.
- Sở VH-TT cũng đã làm việc với Cục Nghệ thuật Biểu diễn để tiếp tục tổ chức Giải thưởng Trần Hữu Trang và nâng giải thưởng lên tầm quốc gia. Nhà hát Trần Hữu Trang đã xây kế hoạch thí điểm sáng đèn thường xuyên tại rạp Hưng Đạo với những kịch bản nổi tiếng, theo chỉ đạo của Sở VH-TT. Chương trình chính thức khởi động trong tháng 12 này. Tiếp tục tăng cường các suất diễn phục vụ nhân dân TP, đặc biệt là khán giả vùng ven, ngoại thành với những chương trình đổi mới và nâng cao chất lượng.
- Về cơ sở vật chất, trang thiết bị, Sở VH-TT đang tham mưu cho UBND TP, đồng thời tìm kiếm quỹ đất để đề xuất xây dựng trung tâm nghệ thuật truyền thống với sân khấu, trang thiết bị hiện đại.
- Phối hợp tổ chức các khoá đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, các lớp truyền nghề cho các thành phần sáng tạo nghệ thuật như tác giả, đạo diễn, nhạc công, thiết kế SK… ở lĩnh vực cải lương. Xây dựng cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ sinh viên nghệ thuật dân tộc mới ra trường, chú trọng ươm mầm phát triển tài năng, đặc biệt ưu tiên đầu tư cho tác giả, NS trẻ.
- Kết hợp với ngành du lịch quảng bá nghệ thuật truyền thống cho du khách đến tham quan TP.HCM.
NSƯT Thanh Thuý - Phó Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao TP.HCM
|
Thảo Vân