Để buông điện thoại cần sự hợp tác của cả gia đình

14/03/2019 - 18:00

PNO - Dùng điện thoại là một thói quen dễ lây lan, cứ thấy người khác bấm lướt là mình cũng muốn cầm ngay điện thoại để xem. Và không dễ gì buông được điện thoại nếu xung quanh đầy 'cám dỗ' như thế.

Tôi nghĩ bất cứ ai đều biết đến tác hại của việc sử dụng điện thoại quá nhiều. Ngoài việc ảnh hưởng đến các mối quan hệ gia đình còn gây hại đến sức khỏe. Dù biết như thế nhưng hầu hết chúng ta đều chủ quan vì chưa thấy hậu quả một cách rõ ràng.

Gia đình tôi cũng từng như thế. Hai vợ chồng với con gái 15 tuổi còn con trai nhỏ lên 4 tuổi. Đi làm về, ăn cơm xong, mỗi người mải mê với điện thoại của mình. Con gái lớn đã dùng điện thoại từ năm lớp 6. Lúc đầu, con trai út xem tivi nhưng sau dần đòi chơi điện thoại.

De buong dien thoai can su hop tac cua ca gia dinh
Mỗi thành viên chăm chú vào điện thoại trong bữa cơm là tình trạng phổ biến của mọi gia đình. (Ảnh minh họa)

Để dỗ con, vợ chồng tôi thay nhau cho con mượn điện thoại chơi, và rồi không ít lần cãi nhau: “Cho con chơi máy anh hay máy em”. Bởi thế, tôi mua ngay cho con một chiếc ipad.

Từ đó, không khí gia đình có vẻ dễ chịu hơn nhiều vì ai cũng máy riêng. Buổi tối chỉ nghe âm thanh lướt trên máy chứ không có bất kì câu trò chuyện nào. Vợ tôi mải mê xem livestream bán hàng trên mạng còn tôi hết lướt Facebook đến chơi game.

Con trai ngoan ngoãn ôm ipad xem hoạt hình. Cho đến khi, con trai bị đau mắt, đưa đi khám mới phát hiện bị cận thị tới 2,5 độ. Tôi bàng hoàng bởi hai vợ chồng tôi không ai bị bệnh về mắt trong khi con còn quá nhỏ.

Bác sĩ bảo có thể do chúng tôi để con chơi điện thoại quá sớm và quá nhiều trong khoảng cách gần. Lúc đó, tôi mới thấy sợ, sự chủ quan đã để lại hậu quả nhãn tiền. Việc đầu tiên cần làm là phải cách ly con khỏi cái ipad.

Nhưng làm như thế đồng nghĩa vợ chồng tôi cũng phải buông chiếc điện thoại khi về nhà. Việc tưởng chừng như rất dễ lại hóa ra thật khó. Thỉnh thoảng đang chơi cùng con lại tranh thủ liếc vào điện thoại. Con thấy thế lại đòi chơi, phải mất một lúc mới dỗ được.

Tôi thống nhất với vợ và con gái, khi về nhà tuyệt đối không dùng điện thoại ở phòng khách hay bếp. Nếu có việc cần có thể vào phòng ngủ để con trai khỏi nhìn thấy. Tôi mua thêm đồ chơi cho con và cùng chơi với con. Vào những khung giờ thường hay sử dụng điện thoại như sau giờ ăn cơm, vợ chồng đưa con ra ngoài chơi. 

De buong dien thoai can su hop tac cua ca gia dinh
Gia đình tôi chỉ nghĩ đến việc buông điện thoại khi phát hiện con trai út bị cận thị. (Ảnh minh họa)

Tôi nghĩ để có thể thành công khi tập thói quen buông điện thoại cần có sự hợp tác của cả gia đình. Bởi người này dùng mà người kia không dùng lại thấy rất khó chịu, không có sự thống nhất.

Dùng điện thoại là một thói quen dễ lây lan, cứ thấy người khác bấm lướt là mình cũng muốn cầm ngay điện thoại để xem. Và không dễ gì buông được điện thoại nếu xung quanh đầy 'cám dỗ' như thế.

Đến bây giờ, tuy chưa buông được hẳn điện thoại nhưng thời gian “cắm” mặt vào máy của gia đình tôi cũng giảm đi rất nhiều. Tôi tiếc vì mình đã không làm điều này sớm hơn cho gia đình, đến khi con trai bị cận mới nhận ra. Nhưng thà muộn còn hơn không, hy vọng dần dần, chúng tôi sẽ buông được điện thoại, ít nhất 1 giờ/ngày.

Nguyễn Triều (Quận 3, TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI