Để bước chân già bớt gian nan trên đường tìm việc

21/10/2024 - 06:47

PNO - Được làm việc là nhu cầu của một bộ phận người cao tuổi, dù có thể mục đích của họ khác nhau: người muốn cống hiến, người phải mưu sinh... Nhưng, không phải người nào cũng dễ dàng tìm được công việc phù hợp với năng lực, trình độ, sức khỏe khi mà lực lượng lao động này vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức

Chật vật tìm việc ở tuổi xế chiều

Mấy năm trước, ông Nguyễn Văn Thành (quận 8, TPHCM) nghỉ hưu, lòng nặng trĩu buồn lo. Con trai ông yếu ớt, chậm phát triển trí tuệ, không thể tự chăm sóc bản thân nên ông rất muốn kiếm thêm thu nhập ngoài lương hưu để nuôi con.

Ông từng nghĩ đến việc đầu tư kinh doanh nhưng số vốn tích cóp được quá ít. Sau khi rời Công ty TNHH Cảng sông TPHCM, ông bắt đầu đi kiếm việc làm.

Gánh hàng rong của một người phụ nữ lớn tuổi ở công viên Tao Đàn, quận 1, TPHCM ẢNH: PHÙNG HUY
Gánh hàng rong của một người phụ nữ lớn tuổi ở công viên Tao Đàn, quận 1, TPHCM ẢNH: PHÙNG HUY

Không rành mạng internet, ông chỉ tìm việc trực tiếp. Ông rong ruổi khắp các con đường, ngõ hẻm ở TPHCM nhưng không có việc làm hợp với chuyên môn cũ (nhân viên văn phòng) nên chỉ có thể ứng tuyển làm những công việc chân tay.

Hơn 1 tháng tìm việc không kết quả, ông được người quen giới thiệu vào làm bảo vệ cho một xưởng sản xuất rượu. Ông tâm sự: “Có người thuê trông coi công ty, hàng hóa là mừng rồi”. Ông chấp nhận mức lương bảo vệ chỉ bằng phân nửa chỗ cũ, làm việc ngoài trời chứ không ngồi phòng máy lạnh như ở công ty cũ.

Nghỉ hưu được 2 tháng nay, ông Ngô Văn Bảy - từng làm cán bộ trong lực lượng vũ trang cấp huyện ở TPHCM - vẫn có nhu cầu đi làm, kiếm thêm thu nhập lo cho gia đình. Do kết hôn muộn nên hiện tại, ông vẫn nuôi 2 con học đại học, lương hưu của ông lại không cao.

Thấy ông loay hoay mãi mà không tìm được việc làm phù hợp, một người bà con đã cho ông mượn một vuông nhỏ để nuôi tôm, cua. Theo ông, rất đông người tới tuổi hưu nhưng cơ thể vẫn khỏe mạnh, trí tuệ minh mẫn và vẫn muốn tiếp tục làm việc để phục vụ xã hội, chăm lo gia đình. Do vậy, Nhà nước cần có chính sách việc làm phù hợp cho họ.

Không có lương hưu như ông Thành, ông Bảy, cuộc sống của bà Lê Thảo Hà (TP Hà Nội) chật vật hơn bội phần. Chồng hay ốm đau, con gái chuẩn bị vào đại học nên bà là lao động chính trong gia đình. Trước đây, bà làm việc cho một xưởng may nhỏ, không được đóng bảo hiểm xã hội. Khi tuổi cao, năng suất lao động giảm, lưng đau triền miên, bà bị cho nghỉ việc.

Để gánh gồng kinh tế gia đình, bà làm đủ nghề như bán trà đá, dọn dẹp vệ sinh cho các công ty, gia đình, rửa chén thuê... “Nghĩ đến việc con gái vào đại học, tôi vừa mừng, vừa lo bởi tương lai con rộng mở thì kinh tế gia đình lại càng eo hẹp”.

Trên các sàn giao dịch việc làm trực tuyến (online) ở TP Hà Nội, công việc dành cho phụ nữ cao tuổi chủ yếu là giúp việc nhà, trông trẻ, tạp vụ, còn cho đàn ông cao tuổi chủ yếu là chạy xe công nghệ, làm bảo vệ, môi giới nhà đất. Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Hà Nội, nhu cầu tuyển dụng trong các phiên giao dịch việc làm chủ yếu là người lao động ở nhóm tuổi 18-25.

Luật hóa việc làm cho người cao tuổi

Theo Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA), Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Những người từ 60 tuổi trở lên chiếm gần 12% dân số vào năm 2019 và chiếm hơn 25% dân số vào năm 2050.

Ông Phan Văn Hùng - Phó chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam - thông tin, Việt Nam có 16 triệu người từ 60 tuổi trở lên và con số này đang tăng rất nhanh. Tuy nhiên, có tới 2/3 người cao tuổi không có lương hưu. Số người từ 60-69 tuổi chiếm trên 65% tổng số người cao tuổi, vẫn còn khỏe mạnh, có nhu cầu rất lớn về việc làm.

“Nhiều người cao tuổi không chỉ muốn làm việc để kiếm thu nhập mà còn để cống hiến, khẳng định vị thế, coi lao động là niềm vui và sức khỏe” - ông nhận định.

Người đàn ông lớn tuổi chạy xe đạp bán vé số gần giao lộ Điện Biên Phủ - Cách Mạng Tháng Tám, quận 3, TPHCM  - ẢNH: PHÙNG HUY
Người đàn ông lớn tuổi chạy xe đạp bán vé số gần giao lộ Điện Biên Phủ - Cách Mạng Tháng Tám, quận 3, TPHCM - ẢNH: PHÙNG HUY

Theo thống kê chưa đầy đủ của Hội Người cao tuổi Việt Nam, có 7 triệu người cao tuổi đang làm việc nhưng thời gian qua, họ chưa được quan tâm dạy nghề, chuyển đổi nghề, vay vốn. Thu nhập bình quân của nhóm này thấp hơn so với mặt bằng chung. Họ khó tìm được việc làm bởi ngay cả những người 45-50 tuổi vẫn bị doanh nghiệp sa thải hàng loạt.

Ông Phan Văn Hùng nói: “Trong bối cảnh già hóa dân số, cần tận dụng lực lượng lao động cao tuổi”. Ông cho biết, đã tổ chức nhiều hội thảo lấy ý kiến của người cao tuổi để đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi, bổ sung) dự kiến trình Quốc hội khóa XV trong kỳ họp thứ tám sắp tới.

Nhiều người cao tuổi ở huyện Bình Chánh, TPHCM mưu sinh bằng nghề lặt bồn bồn, thu nhập vài chục ngàn đồng/ngày - ẢNH: HOÀNG LÂM
Nhiều người cao tuổi ở huyện Bình Chánh, TPHCM mưu sinh bằng nghề lặt bồn bồn, thu nhập vài chục ngàn đồng/ngày - ẢNH: HOÀNG LÂM

Trong dự thảo luật, Nhà nước sẽ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, tư vấn và giới thiệu việc làm cho người cao tuổi còn khả năng lao động, có nhu cầu làm việc.

Các trung tâm dịch vụ việc làm có trách nhiệm, chức năng giới thiệu việc làm cho người cao tuổi; Chính phủ tạo điều kiện cho người cao tuổi vay vốn tự tạo việc làm. Dự luật có điều khoản riêng về hỗ trợ việc làm cho người cao tuổi, khuyến khích người sử dụng lao động tuyển và sử dụng người cao tuổi làm việc phù hợp với sức khỏe và khả năng của họ.

Giáo sư, tiến sĩ Giang Thanh Long - giảng viên Khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế quốc dân - cho rằng, cần có sự thay đổi trong chính sách để người cao tuổi tiếp cận việc làm dễ dàng hơn nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội.

Theo ông, qua 3 cuộc điều tra quốc gia về người cao tuổi (2011, 2019, 2022), tỉ lệ người cao tuổi phụ thuộc vào con cháu vẫn cao nhưng đang có xu hướng giảm dần. Nhưng người cao tuổi khi đi làm chỉ nhận được tiền lương bằng khoảng 38,5% mức lương bình quân trên thị trường. Đó là do hầu hết người cao tuổi làm ở các vị trí công việc yêu cầu trình độ thấp. Định kiến của người sử dụng lao động và tâm lý e ngại của chính người cao tuổi cũng là rào cản.

Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều quy định, chính sách về khởi nghiệp, dạy nghề cho người cao tuổi nhưng theo ông Giang Thanh Long, chúng chưa thực sự phát huy được hiệu quả như mong muốn. Để cải thiện công việc cho người cao tuổi, cần có những chính sách cụ thể hơn. Ông cho rằng, cần có sự hỗ trợ người cao tuổi về đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm, vay vốn ưu đãi, có kênh trung gian để kết nối doanh nghiệp với người lao động cao tuổi.

Nhã Chân - Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI