Diễn đàn: Sinh con - Chuyện không phải của riêng phụ nữ

Để bớt sợ cảnh ôm con đi bệnh viện

02/08/2024 - 17:16

PNO - Sức ép kinh tế, giáo dục, y tế và hoạt động xã hội cũng tác động ít nhiều đến quyết định sinh con của các cặp vợ chồng trẻ. Tuy nhiên, nhìn theo hướng tích cực, hiện các bậc cha mẹ không đơn độc trong hành trình này.

Trẻ bệnh, mệt mỏi quấy khóc, cha mẹ cũng căng thẳng. Việc chăm sóc y tế cho trẻ nhỏ còn nhiều khó khăn góp phần gây nên nỗi ám ảnh khi nuôi con nhỏ với nhiều gia đình. Các bậc cha mẹ mong muốn có thêm nhiều tiện ích, cải tiến thủ tục, nhiều nơi khám chữa bệnh đáng tin cậy để nhẹ lo mỗi khi con gặp vấn đề sức khỏe, từ đó mới dám mạnh dạn sinh thêm con.

Một bệnh nhi điều trị tại Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi Đồng 2 - ảnh Phạm An
Một bệnh nhi điều trị tại Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi Đồng 2 - ảnh Phạm An

Ngán cảnh con bệnh

Những ngày qua, thời tiết lúc mưa lúc nắng làm cho trẻ nhỏ sụt sịt không dứt, bé bệnh nhẹ thì ho sốt vài ngày, nặng phải vào bệnh viện điều trị viêm phổi, viêm tiểu phế quản… Mỗi lần đưa con vào bệnh viện là một lần chị Trần Thị Thu Hằng (34 tuổi, ở quận Tân Phú, TPHCM) muốn bệnh theo. “Chỉ trong 3 tháng, con tôi vào bệnh viện 2 lần vì viêm phổi, hen suyễn, oải lắm” - chị Hằng mệt mỏi.

Theo chị Hằng, sợ con chờ đợi lâu, 5g sáng chồng chị đã thức dậy đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM chờ bốc số. Vừa có số thứ tự, anh liền quay về đưa cho vợ rồi mới chuẩn bị đi làm. Chuẩn bị xong sữa, tã cho bé, mẹ con chị Hằng tự bắt xe ôm đi khám bệnh. Vào đến nơi khoảng 7g sáng, các hàng ghế cũng đã chật kín. Nếu may mắn sẽ đến lượt ngay, còn không thì phải chờ 15-20 phút mới có thể vào khám. Các em bé mệt, khó chịu, thay nhau quấy khóc.

Có lần, con của chị Hằng bị sốt cao, trời lại quá nóng, chị chạy vội từ cổng vào khoa khám bệnh định xin các phụ huynh khác cho con vào khám trước. Chạy tới nơi thì thấy bé nào cũng như con mình, chị không nỡ xin ưu tiên. Sợ con co giật, chị ôm bé chạy sang khoa cấp cứu của bệnh viện, tới nơi thì bé co giật thật, phải nằm viện gần 1 tháng mới được về.

“Con gái tôi đã hơn 3 tuổi, sắp phải đi nhà trẻ, lúc đó còn lo hơn nữa. Vậy mà ai cũng hối thúc tôi đẻ thêm con. Đẻ con tôi không sợ, chỉ sợ những lúc con đau bệnh, đưa đi khám vô cùng vất vả. Những lúc như vậy chỉ mong khâu khám chữa bệnh cho trẻ thuận lợi, nhanh chóng hơn” - chị Hằng nói thêm.

Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM có 80 phòng khám và hơn 200 bác sĩ, trung bình tiếp nhận trên dưới 3.000 trẻ đến khám mỗi ngày, cao điểm lên đến 3.500-4.000 trẻ. Lượng bệnh nhi lớn, nhân viên y tế làm việc hết công suất vẫn không kịp. Hiện tại tất cả khu ngồi chờ của bệnh viện đều được bố trí mái che mát, điều hòa, quạt gió… để phục vụ bệnh nhi. Các tòa nhà mới của bệnh viện khá khang trang, rộng rãi, có nơi còn được lắp máy lạnh. Tuy nhiên, khó để phục vụ được chu đáo khi bệnh nhi và người nhà quá đông.

Cha mẹ bệnh nhi đang chờ thông tin con trước Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1
Cha mẹ bệnh nhi đang chờ thông tin con trước Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1

Đổi mới chăm lo cho bệnh nhi

Theo các chuyên gia y tế, ngày nay nhiều cặp vợ chồng trẻ đã có nhận thức cao hơn về việc sinh và nuôi dạy con, qua việc chủ động lập kế hoạch, chuẩn bị cả về chi phí lẫn tâm lý, sao cho đảm bảo chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho con. Sức ép kinh tế, giáo dục, y tế và hoạt động xã hội cũng tác động ít nhiều đến quyết định sinh con của các cặp vợ chồng trẻ. Tuy nhiên, nhìn theo hướng tích cực, hiện các bậc cha mẹ không đơn độc trong hành trình này khi hiện tại có rất nhiều cơ quan, tổ chức đơn vị đồng hành như hội bà mẹ và trẻ em, các câu lạc bộ sức khỏe cộng đồng.

Một tin vui là hiện nay, ngoài bệnh viện, hầu hết trạm y tế tại các quận, huyện và TP Thủ Đức đã tiếp nhận, điều trị bệnh thông thường cho trẻ em. Để thuận tiện hơn, nhiều trạm triển khai khám, cấp thuốc bảo hiểm y tế, liên kết với nhiều bệnh viện chuyên khoa nhi nhằm hỗ trợ nhanh nhất trong tình huống trẻ nặng.
Bác sĩ Trần Thị Vân Anh - trạm y tế phường 21, quận Bình Thạnh - cho biết: “Gần đây, số trẻ em đến khám tại trạm y tế có dấu hiệu tăng. Đây là điều đáng mừng bởi người dân tin tưởng trạm. Các bác sĩ tại trạm đều được đào tạo và có đủ năng lực để khám, điều trị bệnh cho trẻ”.

Các bệnh viện chuyên khoa nhi, bệnh viện phụ sản ngày càng phát triển, phối hợp chặt chẽ hướng tới mục tiêu chăm sóc toàn diện cho bà mẹ và trẻ em. Điển hình nhiều năm qua, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM đã có nhiều đầu tư, cải thiện hơn về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, thuốc điều trị, triển khai nhiều kỹ thuật chuyên sâu, hợp tác với các bệnh viện chuyên khoa khác kịp thời hội chẩn, đưa ra phương pháp điều trị tối ưu nhất cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, kể cả những kỹ thuật can thiệp bào thai…

Đầu năm 2024, ê kíp thông tim can thiệp, siêu âm tim thai của Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM đã phối hợp cùng ê kíp phẫu thuật của Bệnh viện Từ Dũ can thiệp tim bào thai cho 2 thai nhi mắc bệnh tim bẩm sinh nặng. Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM - cho biết, đây là kỹ thuật mới lần đầu tiên được thực hiện ở các nước Đông Nam Á giúp điều trị bệnh tim bẩm sinh từ trong bào thai. Nhiều căn bệnh hiếm gặp ở trẻ nhỏ cũng được phát hiện và điều trị từ rất sớm, giảm bớt nguy hiểm liên quan đến sức khỏe, tính mạng của trẻ, cũng như gánh nặng về kinh tế cho gia đình, xã hội.

Bên cạnh đó, để trẻ không phải xếp hàng chờ đợi lâu, bệnh viện mở nhiều cửa tiếp nhận người bệnh, triển khai ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Cha mẹ cũng có thể đăng ký lịch khám bệnh qua ứng dụng di động, website, tổng đài của bệnh viện. Khi thực hiện siêu âm, X-quang, xét nghiệm…, bệnh viện trang bị các kiosk lấy số thứ tự tự động giúp thân nhân bệnh nhi không phải xếp hàng lấy số như trước. Sau khi khám, bác sĩ kê đơn xong thì thông tin đơn thuốc được liên thông với nhà thuốc, nhân viên phát thuốc thực hiện trên phần mềm máy tính, giúp rút ngắn hơn một nửa thời gian khám. Người bệnh còn được nhận tin nhắn qua ứng dụng di động thông báo đến nhận thuốc.

“Hiện nay, ngành y tế TPHCM gần như hoàn thiện từ khâu chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ mang thai đến quá trình theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho trẻ, nhằm đảm bảo sự phát triển toàn diện của trẻ về thể chất, tinh thần. Điều này giúp các gia đình, đặc biệt là các cặp vợ chồng trẻ đang có con nhỏ hoặc có kế hoạch sinh thêm con yên tâm hơn với quyết định của mình” - bác sĩ Hùng chia sẻ.

Phạm An

Cảnh xếp hàng chờ khám bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM
Cảnh xếp hàng chờ khám bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM - ảnh Đinh Tiên

Là dân tỉnh lên thành phố lập nghiệp và xây dựng gia đình, tôi nhận thấy quyết định sinh con ở quê có lẽ sẽ nhẹ nhàng và đơn giản hơn so với ở thành phố. Ở quê, chi phí ăn ở, học hành, y tế… của một em bé sẽ có phần dễ chịu hơn ở thành phố khá nhiều.

Sống tại TPHCM, là cha của 2 em bé, tôi thấm thía những trải nghiệm như bao cha mẹ khác ở thành phố đông dân nhất nước này: chen chúc, ngộp thở mỗi khi con đau bệnh vì các bệnh viện thường xuyên quá tải. Cha mẹ kiệt sức trong những cuộc đua tìm trường tốt, gần nhà cho con. Chưa kể áp lực đưa đón hằng ngày cũng tiêu hao đáng kể thời gian, năng lượng.

Đã có nhiều chính sách của nhà nước để khuyến khích các cặp vợ chồng có thêm con. Kinh nghiệm của các nước cũng là những gợi ý đáng để tham khảo như hỗ trợ nhà ở xã hội, giảm chi phí y tế, hỗ trợ giáo dục, thêm thời gian nghỉ thai sản và các phúc lợi đi kèm, các chính sách đặc biệt cho các đối tượng yếu thế… Tất cả để tạo ra một môi trường tốt sẵn sàng chào đón các em bé đến với cuộc đời. Thế nhưng, đến cuối cùng, dù nhà nước có thêm nhiều chính sách hỗ trợ các cặp vợ chồng, thì việc sinh con thật ra vẫn là quyết định mang tính cá nhân của mỗi cặp vợ chồng. Có một bộ sách rất hay với tựa đề: “Nuôi con không phải là một cuộc chiến”. Đó không phải cuộc chiến nhưng cần rất nhiều nỗ lực và hy sinh của vợ chồng.

Sau rất nhiều vất vả là hạnh phúc không gì đong đếm nổi mà những thiên thần nhỏ mang đến khi hiện diện trong đời sống vợ chồng. Hạnh phúc đôi khi đơn giản chỉ là bước chân con chập chững chạy về phía ba, giọng con bi bô gọi mẹ, tiếng con khóc cười. Nhìn con lớn lên, cùng con vui buồn sẽ là điều ý nghĩa lớn nhất mà các cặp vợ chồng nhận được, là động lực giúp họ mạnh dạn đi đến quyết định sinh con - quyết định quan trọng nhất cuộc đời.

Tôi cho rằng các thông điệp truyền thông cho chính sách khuyến sinh cần nhấn vào khía cạnh niềm vui, niềm hạnh phúc khi được làm cha mẹ.

Viễn Đông

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI