Để Bông sen vàng, bạc tỏa hương

29/11/2023 - 06:09

PNO - Liên hoan phim Việt Nam (LHP VN) lần thứ 23 đã khép lại với một kết quả tương đối làm hài lòng giới chuyên môn và công chúng.

Trong số các giải thưởng năm nay, giải “Bông sen bạc” Mẹ ơi, bướm đây thực sự là một ẩn số vì phim chưa từng trình chiếu ở trong nước, ngoài suất chiếu tại Hà Nội, Đà Nẵng ở Tuần phim chào mừng LHP VN lần thứ 23 và tại Đà Lạt (Lâm Đồng) trong khuôn khổ những ngày diễn ra LHP. 

“Bông sen bạc” còn lại - Đào, phở và piano cũng mới chiếu giới thiệu trong Tuần phim chào mừng LHP VN lần thứ 23 và tại LHP VN. Trước đó, phim có suất chiếu ra mắt giới truyền thông vào tháng Chín vừa qua.

Bông sen bạc - Đào, phở và piano do Nhà nước đầu tư chỉ mới được chiếu ra mắt tại Hà Nội và chiếu trong Liên hoan phim Việt Nam chứ chưa ra rạp
Bông sen bạc - Đào, phở và piano do Nhà nước đầu tư chỉ mới được chiếu ra mắt tại Hà Nội và chiếu trong Liên hoan phim Việt Nam chứ chưa ra rạp

Ở LHP VN năm nay, ngoài Đào, phở và piano, đại diện phim nhà nước đầu tư  còn có phim Hồng Hà nữ sĩ và cũng chỉ có khán giả của LHP cùng giới truyền thông phía Bắc đã xem được phim. Một phim dự thi khác là Hoa nhài, do tư nhân sản xuất, cũng chưa phát hành chính thức ở rạp, chỉ mới chiếu rải rác ở một vài sự kiện  điện ảnh.

LHP đã khép lại, giải thưởng đã trao, nhưng điều quan trọng đối với một tác phẩm điện ảnh vẫn là đời sống ngoài rạp của chúng. Phim làm ra phải được phổ biến rộng rãi đến công chúng mới có ý nghĩa, nhất là những bộ phim được làm bằng ngân sách nhà nước. Trong số 16 phim truyện dự thi năm nay, có đến 4 phim (2 do nhà nước đầu tư, 2 do tư nhân đầu tư) chưa được phát hành rộng rãi. Đây là tỉ lệ khá cao so với các kỳ LHP trước.

Những ngày diễn ra LHP, cụm từ “phát triển ngành công nghiệp điện ảnh” luôn được những người trong cuộc nhắc đến. Để tiến lên thành ngành công nghiệp, thị trường cần cả phim nghệ thuật và phim thương mại giải trí. Việc đưa những bộ phim dự thi LHP, nhất là những phim đoạt giải cao, thuộc dòng nghệ thuật ra rạp cũng là cách để lan tỏa giá trị, tầm vóc của giải thưởng, nhưng quan trọng hơn là góp phần nâng cao trình độ thưởng thức nghệ thuật và khả năng cảm thụ nghệ thuật của công chúng.

Vẫn biết phim nghệ thuật sẽ kén khách nên các đơn vị sản xuất, phát hành ngại đưa phim ra rạp, nếu có cũng không mạnh tay chi cho khâu quảng bá. Do đó phim kén khách lại càng kén khách. 

Phim Mẹ ơi bướm đây
Phim Mẹ ơi, bướm đây

ALHP đã tìm ra những tác phẩm chất lượng cao, nhưng nếu dừng ở đó, thông điệp “Xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam giàu bản sắc dân tộc, hiện đại và nhân văn” chưa thể được chuyển tải tròn trịa. Để xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam, thị trường phải có những tác phẩm chất lượng cao và công chúng phải được tiếp cận với chúng. Dòng phim giải trí hoàn toàn không thể giúp điện ảnh nội tạo dựng vị thế của một ngành công nghiệp văn hóa.

Đời sống hậu LHP của tác phẩm mới chính là thước đo thực tiễn giá trị của giải Bông sen vàng, Bông sen bạc. Một sự “tranh thủ” hào quang giải thưởng của LHP để đưa phim ra rạp là cách phát hành “ăn theo” phù hợp, kịp thời nhất. Kể cả phim đoạt giải đã phát hành rồi nhưng doanh thu chưa khả quan cũng có thể áp dụng cách này vì hiện nay ngoài rạp thỉnh thoảng vẫn có các “bom tấn” nước ngoài cũ được đem ra chiếu lại.

Chỉ khi các phim chất lượng cao của LHP có được một đời sống tốt hậu LHP, các nhà làm phim mới có động lực làm thêm nhiều sản phẩm tốt và mở ra cơ hội để khán giả được xem những bộ phim tử tế, nghiêm túc.

Sẽ thật tiếc nếu như những bộ phim tốt chỉ dành cho giám khảo của LHP thưởng thức. Được giới chuyên môn đánh giá cao là vinh dự, nhưng vinh quang lớn nhất của một bộ phim hẳn phải nằm trong lòng số đông công chúng.

Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI