Để bộ sử về phong trào phụ nữ TP.HCM đến được với mọi người

11/05/2022 - 10:00

PNO - Bộ sử 85 năm phong trào phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh (1930 - 2015) - một công trình trọng điểm tại Đại hội đại biểu Phụ nữ TP.HCM lần thứ X, nhiệm kỳ 2016 - 2021, đã ra mắt và hiện đang được chuyển về các cơ sở Hội.

Bộ sách gồm hai tập, 972 trang với nhiều nội dung được chọn lọc về phong trào phụ nữ Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định (1930 - 1945) và phong trào phụ nữ TP.HCM (1975 - 2015). 

Hình ảnh tại buổi giao lưu, giới thiệu bộ sách “85 năm phong trào phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh (1930 - 2015)”do Hội LHPN Q.6 tổ chức
Hình ảnh tại buổi giao lưu, giới thiệu bộ sách “85 năm phong trào phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh (1930 - 2015)”do Hội LHPN Q.6 tổ chức
Phụ nữ các giới phấn khởi trong ngày ra mắt bộ sách (Từ phải sang: Bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch UBMTTQ Thành phố, bà Nguyễn Thị Ánh – Nguyên Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM, bà Nguyễn Trần Phượng Trân - Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM, NSƯT Kim Xuân và diễn viên Hạnh Thúy
Phụ nữ các giới phấn khởi trong ngày ra mắt bộ sách (Từ phải sang: Bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch UBMTTQ Thành phố, bà Nguyễn Thị Ánh – Nguyên Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM, bà Nguyễn Trần Phượng Trân - Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM, NSƯT Kim Xuân và diễn viên Hạnh Thúy)

Là người tham gia trực tiếp vào quá trình thực hiện bộ sách, phó giáo sư - tiến sĩ Hà Minh Hồng - nguyên Trưởng khoa Lịch sử Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM) - nhận định, bộ sách là sản phẩm của trí tuệ, của phong trào, của giới, là một công trình nghiên cứu đầu tiên về lịch sử giới trong không gian rộng lớn của một thành phố và trong một giai đoạn lịch sử dài gần trăm năm. Nhưng làm sao để nội dung sách đến được với đông đảo người đọc, làm sao để thế hệ trẻ bỏ thời gian để ngồi đọc bộ sách dày gần ngàn trang là vấn đề mà các cấp Hội và những người cùng thực hiện bộ sách đang rất quan tâm và đã có những giải pháp cụ thể. Tại Q.6, TP.HCM, ngày 7/5 vừa qua, Hội Phụ nữ quận đã tổ chức chương trình giao lưu để giới thiệu bộ sách. Dự kiến, sau giới thiệu quyển sách, Hội sẽ phát động cuộc thi viết cảm nhận về quyển sách và sẽ sân khấu hóa những nhân vật lịch sử tiêu biểu trong sách vào dịp kỷ niệm 20/10. 

Thế nhưng, để nội dung sách đến được với đông đảo người đọc, theo phó giáo sư - tiến sĩ Hà Minh Hồng, chúng ta cần “báo tường hóa”, “mạng hóa” những câu chuyện cảm động, gần gũi, cụ thể và đủ sức khái quát được thời kỳ bằng những cách thức mà lớp trẻ hiện nay quan tâm, giúp họ tiếp cận những câu chuyện lịch sử một cách tự nhiên. “Hãy dùng những câu chuyện nhỏ, cảm động, đủ sự chắt lọc để khơi gợi nhu cầu hiểu về quá khứ, hiểu về nội lực của những người phụ nữ, hiểu về những người bà, người mẹ của mình, từ đó mới chuyển tải, truyền lửa cho họ để họ tự thắp lên những ngọn lửa của riêng mình. Khi đó, sách sẽ tự nhiên gần gũi với các tầng lớp nhân dân” - vị phó giáo sư tin tưởng. 

Phó giáo sư Hồng cho rằng, công việc sẽ bắt đầu từ cơ sở, để làm được như thế, chi hội phụ nữ cơ sở là những chân rết quan trọng, là cầu nối để chuyển những câu chuyện từ sách đến với tất cả mọi người. 

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI