Dễ bị lừa khi đổi tiền lì xì qua mạng

29/01/2024 - 06:16

PNO - Mức phí đổi tiền mới để lì xì trên thị trường “chợ đen” hiện khoảng 7 - 8%, thậm chí 12%. Năm nay, hoạt động rao đổi tiền mới trên mạng xã hội rầm rộ hơn mọi năm, dịch vụ lừa cũng nhiều hơn.

Loại tiền càng khan hiếm, phí càng cao

Theo ghi nhận của chúng tôi, những năm trước, tiền mới có mệnh giá nhỏ (1.000, 2.000, 5.000 đồng) được đổi nhiều nên phí đổi luôn cao. Năm nay, tiền mới có mệnh giá 10.000, 20.000, 50.000 đồng mới có phí đổi cao.

Chủ một điểm đổi tiền trên đường Cao Thắng, quận 3, TPHCM cho biết, loại tiền mới 20.000 đồng đang khan hiếm nên phí đổi là 12% và sắp tới có thể lên 15%. Điểm này hiện chỉ còn 1 xấp 100 tờ tiền mới 20.000 đồng. Các năm trước, tiền mới 20.000 đồng cũng khan hiếm nhưng phí đổi chỉ khoảng 7%, cao nhất là 10% (lúc cận tết). “Kinh tế khó khăn, tờ 20.000 đồng dễ lì xì hơn các mệnh giá khác nên phí đổi bị đẩy lên cao” - người này giải thích. 

Một số nơi rao đổi tiền mới 20.000 đồng có độ mới từ 50 - 60% với mức phí đổi 5%. Ngọc Như - làm dịch vụ đổi tiền mới ở TP Thủ Đức, TPHCM - nói: “Do nhiều người tiết kiệm chi phí nên họ muốn đổi loại tiền này hơn loại tiền có độ mới 100%”.

Nhiều tài khoản trên Facebook nhận đổi tiền với hình ảnh những cọc tiền mới với đủ mệnh giá. Hầu hết những hình ảnh này đã có từ nhiều năm trước
Nhiều tài khoản trên Facebook nhận đổi tiền với hình ảnh những cọc tiền mới với đủ mệnh giá. Hầu hết những hình ảnh này đã có từ nhiều năm trước

Ở các điểm đổi tiền mới khác, phí đổi tiền có mệnh giá 10.000, 50.000 đồng là 7 - 8%, các mệnh giá 2.000, 5.000, 100.000 và 200.000 đồng là 2 - 5%, phí đổi tờ tiền 1 USD là 5.300 đồng/tờ, tờ tiền 2 USD là 10.600 đồng/tờ.   

Một nhân viên tín dụng của Ngân hàng Quốc Tế (VIB) cho biết, các năm trước, nhân viên nào cần, đều đổi được các loại tiền mới 10.000 đồng, 20.000 đồng, 50.000 đồng nhưng năm nay chỉ đổi được các tờ có mệnh giá từ 100.000 đồng trở lên do Ngân hàng Nhà nước không in tiền có mệnh giá nhỏ. 

Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM - thông tin, những năm qua, NHNN có chủ trương không phát hành tiền mới có mệnh giá nhỏ vào dịp tết Nguyên đán nhằm tiết kiệm chi phí, tránh lãng phí (người dân thường dán, rải tiền lẻ ở chùa, miếu). Nhờ không phát hành tiền lẻ mới vào dịp tết, từ năm 2019 đến nay, NHNN tiết kiệm được hơn 3.500 tỉ đồng. 

Dễ bị rút ruột, chiếm tiền cọc

Năm nay, dịch vụ đổi tiền trên mạng xã hội rầm rộ hơn mọi năm. Nhiều người rao đổi tiền mới với phí đổi rẻ hơn 2 - 3% so với mức phí chung trên thị trường, cam kết giao tiền tận nhà. Điều đáng chú ý là phần lớn tài khoản nhận đổi tiền trên Facebook đều mới được lập, thông tin chủ tài khoản rất mơ hồ. 

Tài khoản K.N. vừa rao đổi tiền mới, cam kết độ mới 100%, giao đủ số tờ. N. nói do có người thân làm trong ngân hàng nên phí đổi rẻ hơn 2 - 3% so với mức chung trên thị trường. Phí đổi tiền mệnh giá 20.000 đồng là 10%, các mệnh giá khác đều đồng mức 5%. Khi chúng tôi nói có nhu cầu đổi tiền mới, N. yêu cầu chuyển tiền cọc trước, mới giao tiền. Qua kiểm tra, chúng tôi nhận thấy, hình ảnh các xấp tiền mới mà N. đăng trên Facebook đều được lấy từ trên mạng và tài khoản K.N.  cũng vừa được lập từ tháng 1/2024. 

Mới đây, quản trị viên một nhóm trên Facebook đã đăng cảnh báo về việc xuất hiện các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ việc đổi tiền lì xì, nên sẽ không duyệt đăng các bài rao đổi tiền mới. Các hình thức lừa đảo gồm rút bớt tiền trong xấp tiền mới, nhận tiền cọc rồi chặn 
liên lạc. 

Theo ông Võ Đỗ Thắng - Giám đốc Trung tâm Đào tạo quản trị và an ninh mạng Athena - tình trạng lừa đảo đang gia tăng ở Việt Nam nói riêng, toàn cầu nói chung do nền kinh tế đang diễn biến phức tạp. Những giao dịch nào đang diễn ra sôi động đều bị đối tượng lừa đảo tập trung khai thác. Cận tết, các đối tượng này thường rao bán sản phẩm làm đẹp, vé máy bay, đổi tiền lì xì với giá rẻ hơn mức bình thường, kèm theo các sản phẩm khuyến mãi tri ân để thu hút sự quan tâm, dẫn dụ khách hàng chuyển khoản tiền đặt cọc rồi chiếm đoạt. Theo ông, khi mua hàng hoặc chọn dịch vụ trên mạng xã hội, nên tìm hiểu kỹ thông tin, không nên chuyển tiền khi không biết rõ người bán, điểm bán là ai; tốt nhất là chọn hình thức thanh toán sau khi đã nhận được hàng. 

Lý giải việc tiền mới vẫn được rao đổi rầm rộ dù NHNN hạn chế phát hành, ông Nguyễn Đức Lệnh cho rằng, các điểm rao đổi trên mạng xã hội đều đăng hình các cọc tiền được sản xuất vào các năm 2020, 2021. Những năm trước, các ngân hàng chi ra nhiều tiền mới có mệnh giá nhỏ và các điểm này có thể đã đến đổi rồi để dành. Hiện chỉ có chi nhánh NHNN các tỉnh, thành, các tổ chức tín dụng mới được phép thu, đổi tiền mới, tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông. Mọi hành vi thu, đổi tiền mới, tiền lẻ của cá nhân, tổ chức không có chức năng đều vi phạm pháp luật. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI