Để bệnh nhân COVID-19 không bị kỳ thị

16/09/2021 - 06:23

PNO - Theo các chuyên gia, cả hai mặt khách quan và chủ quan của kỳ thị người bệnh đều đang xảy ra trong đại dịch COVID-19 và sẽ để lại di chứng tinh thần dài lâu.

Bị kỳ thị và sang chấn dai dẳng 

Sáng 14/9, chúng tôi gọi đến số máy của T.T.B.T. (ở phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TPHCM) để hỗ trợ nhu yếu phẩm, chị cho hay mình đang chuẩn bị hành trang cùng con gái sáu tuổi đi cách ly điều trị tập trung. Trước đó, ba người khác trong gia đình - gồm mẹ già, người chị khiếm thính và con gái lớn của chị T. - đều dương tính, đã được đưa đi.

Có thể nhiều người rất sợ phải đi cách ly tập trung, nhưng với người đàn bà 27 tuổi bơ vơ trong xóm trọ này, điều đó lại như một lối thoát. Từ nay, chị và con sẽ thoát khỏi những gièm pha, ánh mắt cảnh giác.

Anh L.V.Đ. (Q.11, TP.HCM) sau khi tự điều trị khỏi COVID-19 đã tham gia làm tình nguyện viên trong công tác thiện nguyện tại địa phương  và thành phố, trước đó anh phải giấu tình cảnh F0 của mình
Anh L.V.Đ. (quận 11, TPHCM) sau khi tự điều trị khỏi COVID-19 đã tham gia làm tình nguyện viên trong công tác thiện nguyện tại địa phương và thành phố, trước đó anh phải giấu tình cảnh F0 của mình

“Dù chung dãy cũng có nhà F0, nhưng họ có điều kiện cách ly tại chỗ, còn tôi nghèo quá, ở trọ, nên họ rất sợ mẹ con tôi”, T. nói và cho biết hơn 10 ngày nay chị ở suốt trong nhà. T. nhờ bạn bè gửi lời kêu cứu đến các nhà hảo tâm và nhận thực phẩm được đặt trước cửa nhà luôn đóng chặt. 

Bi kịch cũng đã xảy ra với một tài xế xe cấp cứu mắc COVID-19 hồi đầu tháng Sáu. Vào một buổi sáng hơn một tháng sau, nhiều người sống ở chung cư Ehome 3 (phường An Lạc, quận Bình Tân) không khỏi bùi ngùi chứng kiến cảnh người đàn ông thui thủi phía sau những sợi dây văng trắng đỏ. Điều trị COVID-19 thành công, anh T.V.T. được xuất viện về lại nơi cư trú để tiếp tục tự cách ly tại nhà 14 ngày. Thế nhưng, anh không được vào trú trong chỗ trọ trước kia nữa, đành chọn ở tạm dưới mái hiên quán cà phê sát chung cư trong điều kiện hết sức thiếu thốn.

Bảo đảm các điều kiện tự cách ly, tự chăm sóc điều trị cho các trường hợp F0 tại nhà, câu chuyện của một đạo diễn truyền hình nổi tiếng (ở quận 3, TPHCM) không mấy sáng sủa hơn bởi những người hàng xóm khắt khe. “Chúng tôi theo lời khuyên nhà có người dương tính thì phải mở cửa thông thoáng hứng gió, nắng để mau hồi phục. Nhưng hễ nhà có F0 mà mở cửa ra là ăn chửi. Thậm chí, bất cứ ai trong nhà tôi mà xuất hiện ở ban công đứng hứng nắng hoặc hít thở thì đều bị hàng xóm nhắc nhở vì cho rằng đang đưa virus ra ngoài không khí”, vị này kể. 

Ngoài ra, ông còn cho biết nhà F0 cũng rất khó khăn trong vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt. Dù chưa đến mức bị ùn ứ do có sự hỗ trợ từ tổ trưởng dân phố, nhưng mấy hôm nay nhân viên đi thu gom rác của khu xóm cũng đã dương tính, nên nhà ông rất khó khăn để di chuyển ra đầu hẻm tập kết rác mà không khỏi bắt gặp sự khó chịu cố hữu.

Trường hợp gia đình anh N.M.D. (ở quận Tân Phú, TPHCM) có bốn F0 hồi giữa tháng Bảy càng thêm xót xa. Do là những ca nhiễm đầu tiên nên bây giờ nhà anh bị mang tiếng là ổ dịch lây cho cả xóm. Dù âm tính, nhưng lần ra ngoài đi tiêm vắc xin COVID-19, theo lời D. tâm sự, chỉ cần trông thấy anh từ xa thì ai nấy cũng đều lùi vào trong nhà đóng sập cửa.

Trường hợp hai người thân khác của anh cũng dương tính bên phường 13, quận 10 (TPHCM) cũng không tránh khỏi “số phận F0” tại cộng đồng. Trước khi có kết quả xét nghiệm, vợ chồng già vẫn được một số người hàng xóm chuyển giúp lương thực, thuốc men từ đầu hẻm vào nhà. Nhưng từ lúc biết ông bà nhiễm virus, người thân gần đó mang nhu yếu phẩm đến như thường lệ thì gặp phải sự thoái thác.

Trao đổi với Báo Phụ Nữ TPHCM, phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Thị Bay, Trường đại học Y Dược TPHCM, xác nhận, sự kỳ thị F0 là thực tế không thể phủ nhận. Tham gia công tác truyền thông chăm sóc, theo dõi sức khỏe tại nhà cho người mắc COVID-19, cứ mỗi ca trực tổng đài trong vòng hai giờ đồng hồ, bà Nguyễn Thị Bay tiếp nhận 35 - 40 cuộc gọi tham vấn tâm lý trị liệu. Không ai trực tiếp nói ra hay than phiền gì, nhưng qua cách hỏi và các câu hỏi, tham vấn viên biết rằng họ đang gặp vấn đề kỳ thị tiềm ẩn trong cộng đồng, như biểu hiện của nỗi sợ hãi, sự giấu giếm bệnh tật… 

Cảm nhận mình bị kỳ thị xảy ra ở cả những người thiếu hiểu biết cũng như giới trí thức, theo bà Nguyễn Thị Bay. Người biết nhiều quá cũng sợ, trong đó có sợ bị xa lánh. Và họ giấu giếm bằng cách kiếm một chỗ nào đó biệt lập để tự uống thuốc, tự điều trị. Tuy sự kỳ thị đã giảm dần theo số lượng F0 ngày càng nhiều hơn, sự giấu giếm đã được cải thiện thông qua biện pháp hành chính dự kiến “thẻ xanh” đi đường, nhưng tâm trạng lo sợ ở người nhiễm COVID-19 vẫn còn. 

Tình thương được lan tỏa, kỳ thị sẽ nhỏ lại

Bà Nguyễn Thị Bay đưa ra trường hợp khá điển hình để cho thấy các vết thương tinh thần hậu COVID-19 rất khủng khiếp. Đó là nhiều người lớn tuổi không chịu tiêm vắc xin, đồng thời, muốn che giấu chuyện nhiễm bệnh. Con cái trong nhà rất khổ tâm. Từ khuyên nhủ chuyển thành chuyện xào xáo gia đình. Có không ít người vì sợ cha mẹ lây cho các cháu nên đã có thái độ gay gắt, làm tổn thương người già.

“Làm công việc tham vấn này tôi thấy vấn đề đáng lo ngại. Sau một lần bị tổn thương khi con cái đẩy đi cách ly điều trị tập trung, cha mẹ trở về nhà lại bị các con tìm cách gửi cho ở nơi khác. Họ sợ người lớn tuổi ảnh hưởng con cái mình”, bà Nguyễn Thị Bay cảnh báo và cho rằng những trường hợp tương tự sẽ còn tiếp diễn do người dân không tiếp cận được các phương tiện truyền thông chuẩn xác về dịch bệnh. 

Anh N.M.Q., 33 tuổi, làm nghề trang trí nội thất, ở quận Bình Tân, TPHCM,  sau khi khỏi bệnh đã quay trở lại làm tình nguyện viên chăm sóc người mắc COVID-19 tại Bệnh viện thu dung dã chiến số 3
Anh N.M.Q. (33 tuổi, ở quận Bình Tân, TPHCM) sau khi khỏi bệnh đã quay trở lại làm tình nguyện viên chăm sóc người mắc COVID-19 tại Bệnh viện thu dung dã chiến số 3 

Tương tự, tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thị Thanh Tú, Đại học Ottawa (Canada), nhìn nhận, vấn đề kỳ thị F0 là rất rõ từ trong thực tế cho đến tham gia công tác tham vấn. “Chính gia đình tôi cũng đã gặp phải trường hợp người thân từ TPHCM trở về quê và dương tính. Hàng xóm nhanh chóng biết có người F0 và họ rất e ngại. Sự e ngại dần trầm trọng hơn khi gia đình tôi bị cô lập và bị mang một thành kiến rất nặng là kẻ mang mầm bệnh về xóm làng. Cái đó là kỳ thị”, bà Nguyễn Thị Thanh Tú nói.

Tuy nhiên, theo chuyên gia này, cần xem xét hai khía cạnh khách quan và chủ quan của kỳ thị. Có thể thấy sự kỳ thị F0 xuất phát từ sự loại trừ nhau vì sợ hãi làm cho khoảng cách người với người lớn hơn. Mặt khác, sự kỳ thị này còn xảy ra do chính sự kiêng khem, tuân thủ các biện pháp phòng tránh lây nhiễm COVID-19, từ đó khiến F0 cảm nhận họ bị kỳ thị. Trong đại dịch lần này, cả hai khía cạnh đó của kỳ thị đều đang xảy ra.

“Nhiều ca cần tư vấn nói họ cảm thấy rất cô đơn ngay tại nơi họ ở bởi phải giữ vệ sinh, tự cách ly ngay trong gia đình. Có thể người thân không có suy nghĩ gì, không có ý định gì gọi là kỳ thị, nhưng chính bản thân người đó có cảm nhận như vậy. Họ thấy mình bị cô lập. Cái này đang xảy ra bởi vì nó mang tính chủ quan cao”, bà Nguyễn Thị Thanh Tú phân tích.

Giải pháp giảm kỳ thị và những di chứng kéo dài của nó, theo chuyên gia tâm lý, đó là làm sao giáo dục tâm lý để người dân ý thức và cảm thông “người trong cuộc” khổ sở biết chừng nào, đồng thời, không ai muốn mình là F0 cả. Giải pháp thứ hai, khuyến khích toàn xã hội nói những lời nâng đỡ. Ở đây dẫn đến giải pháp thứ ba, đó là vai trò của các nhà báo. Hãy “chịu khó” loan những tin tích cực.

“Tích cực ở đây hiểu theo nghĩa khuếch đại, lan rộng được tình thương của cộng đồng dành cho F0 thì sự kỳ thị sẽ nhỏ dần lại”, bà đề nghị. 

Về thông tin Sở Y tế TPHCM ban hành văn bản giám sát F0 tuân thủ cách ly tại nhà, trong đó nêu trường hợp F0 tự điều trị tại nhà, nếu không khai báo y tế địa phương thì không có cơ sở để được cấp giấy xác nhận hoàn thành cách ly, từng mắc và khỏi bệnh COVID-19, trao đổi với chúng tôi ngày 14/9, bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi Đồng 1) không tán thành chủ trương này. 

“Nếu không xem xét cho những người đó là mình trật rồi. Vì khi người ta là F0, thời điểm khó khăn mình không lo nổi cho họ, họ phải tự lo. Khi người ta tự lo được rồi, thoát hiểm rồi thì mình phải có trách nhiệm tiếp tục chứng minh người ta đã là F0 khỏi bệnh hoặc cho họ tự chứng minh chứ”, bác sĩ Trương Hữu Khanh nêu quan điểm.

Theo ông, việc chứng minh đó có thể dễ dàng thực hiện bằng xét nghiệm kháng thể. Người dân có thể tìm tới nơi nào có phòng xét nghiệm để kiểm tra kháng thể. Những thiết bị này cũng không có gì đặc biệt đối với các phòng xét nghiệm vì đã có từ trước COVID-19 để chẩn đoán nhiều bệnh khác. Rất dễ làm, chỉ cần cho sinh phẩm vào là ra kết quả.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết thêm, F0 đã khỏi bệnh thì cũng không cần bàn đến vấn đề tải lượng virus. Về nguyên tắc, khỏi bệnh là có kháng thể và bảo vệ được cơ thể.

Quốc Ngọc

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI