Để bệnh không lờn thuốc

11/11/2023 - 06:21

PNO - Ở Việt Nam, ai cũng có thể dễ dàng mua được thuốc kháng sinh mà không cần đơn thuốc. Nói như ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), việc mua thuốc kháng sinh dễ như mua rau ngoài chợ.

 

Ở Việt Nam, việc mua thuốc kháng sinh dễ như mua rau ngoài chợ
Ở Việt Nam, việc mua thuốc kháng sinh dễ như mua rau ngoài chợ


Khi trẻ bị ho sốt, nhiều bậc cha mẹ không cần đưa trẻ đi khám mà tự ra tiệm mua 4-5 loại thuốc cho con; có người lại tìm đơn thuốc nhờ Google, TikTok. Khi bị đau bụng, đau đầu, đau lưng, người lớn thường đến một hiệu thuốc gần nhà khai bệnh, sẽ được bán cho cả túi thuốc, trong đó thường có vài loại kháng sinh đi kèm.

Bị bong nứt 10 đầu ngón tay, một du học sinh Việt Nam ở Mỹ đã tìm tới các hiệu thuốc nhưng không thể mua được thuốc do không có đơn của bác sĩ. Thế nhưng, nếu ở Việt Nam, anh ta dễ dàng được hiệu thuốc bán cho loại kem trị bá bệnh với thành phần gồm corticoid chống viêm, kháng sinh chống vi khuẩn và chống nấm. 

Từ năm 2013, Bộ Y tế đã phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn 2013-2020, đặt ra mục tiêu tăng cường, hoàn thiện hệ thống giám sát quốc gia về sử dụng kháng sinh và kháng thuốc; tăng cường sử dụng kháng sinh hợp lý, an toàn trong trồng trọt và chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản. 

Năm 2017, Bộ Y tế tiếp tục ban hành kế hoạch triển khai đề án “Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020”, trong đó đặt mục tiêu tới năm 2020, toàn quốc triển khai mô hình hoạt động kiểm soát việc kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn. Tuy nhiên, tới nay, tình trạng bán thuốc không kê đơn vẫn chưa được kiểm soát.

Mới đây, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc. Một trong những giải pháp được đề ra trong chiến lược là triển khai chương trình quản lý việc sử dụng kháng sinh, quản lý việc kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn, giám sát việc bán thuốc kháng sinh theo đơn ở các cơ sở bán lẻ. 

Việc quản lý như trên là biện pháp hiệu quả để cải thiện tình trạng kháng thuốc ở Việt Nam. Nhưng để đạt được hiệu quả, cơ quan chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra trên diện rộng và có những biện pháp mạnh tay hơn đối với các nhà thuốc bán thuốc không theo đơn. Việc kiểm tra, xử lý cần đồng bộ, nhất quán, tránh tình trạng nhà thuốc này không dám bán thuốc tùy tiện nhưng nhà thuốc gần đó lại tùy tiện bán mà vẫn vô sự, dẫn đến sự phân bì và tâm lý sợ mất khách.

Năm 2018, Bộ Y tế thí điểm kết nối mạng đối với hệ thống nhà thuốc ở 4 tỉnh trên cả nước nhằm kiểm soát việc kê đơn, kiểm soát giá bán thuốc, kiểm soát việc thu hồi thuốc và hạn chế kinh doanh thuốc giả. Nhưng không hiểu sao, việc áp dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý như trên lại chưa mang lại hiệu quả và chưa được nhân rộng. 

16 năm trước, quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi chạy mô tô từng bị hoài nghi về tính khả thi. Thế nhưng, với sự vào cuộc quyết liệt, xử phạt nghiêm minh của các đơn vị chức năng, việc đội mũ bảo hiểm nay đã thành thói quen của hầu hết người tham gia giao thông. Do đó, để việc mua bán, dùng thuốc kháng sinh đi vào nền nếp, đúng quy định, có trách nhiệm, điều quan trọng là phải kiểm tra, xử lý nghiêm minh, công bằng chứ không nên chỉ hô hào, kêu gọi ý thức tự giác. 

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI