Đề án thí điểm Chính quyền đô thị TP.HCM: Người dân được lợi gì?

12/08/2013 - 15:37

PNO - PN - Ngay sau khi Báo Phụ Nữ có bài viết Đề án thí điểm chính quyền đô thị TP.HCM: Tăng tự chủ, tăng trách nhiệm trước dân ngày 9/8, nhiều bạn đọc bày tỏ sự quan tâm, đề nghị làm rõ những bất cập của đô thị hiện nay sẽ...

Cắt giảm thủ tục hành chính

TP.HCM đưa ra mô hình chính quyền đô thị (MHCQĐT) hai cấp và có bốn thành phố vệ tinh: Đông, Tây, Nam, Bắc. Việc giảm từ ba xuống còn hai cấp chính quyền địa phương sẽ tạo thuận lợi cho dân ra sao? TS Hoàng Thạch (nguyên giảng viên Viện đại học Huế) phân tích: Đường đi của các văn bản chỉ đạo trước đây thường phải qua ba bước: trung ương (TƯ) - TP-quận-phường-xã.

Nay nếu theo mô hình mới sẽ đi từ TW - đến TP, TP - TP vệ tinh; TP - đến chính quyền cơ sở. Hoặc trước đây, khi người dân muốn kiến nghị một vấn đề lên TP, phải qua nhiều cấp ngành khác nhau, nhưng nếu theo MHCQĐT người dân ở TP nào sẽ kiến nghị trực tiếp lên thị trưởng (người đứng đầu) các TP vệ tinh đó. Nếu người dân ở 13 quận nội thành thì khiếu nại trực tiếp lên TP… Như vậy, khi cần, người dân liên hệ với cơ quan hành chính dễ dàng hơn, không phải qua nhiều khâu như trước. Việc rút ngắn đường đi của các văn bản chỉ đạo không chỉ rút ngắn khoảng cách giữa dân và chính quyền cấp TP mà còn tạo cơ sở cho việc cắt giảm chi phí quản lý.

Với cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của MHCQĐT cộng với truyền thống năng động của TP.HCM sẽ tạo những cú hích giúp TP ngày càng phát triển, đời sống người dân giàu mạnh hơn. Ông Văn Đức Mười - Tổng giám đốc Công ty Vissan - đại biểu HĐND TP.HCM nhận định: Trước đây, công tác tổ chức và quản lý đô thị chưa khoa học, chưa phân biệt được quản lý đô thị với quản lý nông thôn, chức năng phát triển kinh tế các quận, nội ngoại thành còn chồng chéo. MHCQĐT thành lập bốn TP vệ tinh: TP Đông với chức năng kinh tế phát triển các ngành dịch vụ cao cấp tài chính, tín dụng, công nghệ cao, du lịch sinh thái… TP Nam với chức năng phát triển công nghiệp, dịch vụ cảng; TP Tây chủ yếu phát triển các ngành dịch vụ, khu công nghiệp. Sự phân bố trên rất phù hợp bởi các địa bàn không giống nhau, mỗi nơi một thế mạnh. Do đó, đề ra nhiệm vụ phát triển cụ thể cho từng TP như trên rất phù hợp với tiến trình đô thị hóa và xây dựng đô thị theo quy hoạch.

De an thi diem Chinh quyen do thi TP.HCM: Nguoi dan duoc loi gi?

Một phần của Thành phố Nam với chức năng phát triển công nghiệp, dịch vụ cảng

Nếu như cơ chế quản lý ngân sách hiện nay chưa đảm bảo để TP giải quyết tốt các vấn đề an sinh cho người dân thì theo dự thảo đề án, chính quyền đô thị TP.HCM sẽ có thẩm quyền phân định rõ ngân sách TƯ và ngân sách địa phương. Trước đây, trong lĩnh vực y tế, TP chỉ được chi theo định mức áp dụng chung cho cả nước thì sẽ không đảm bảo chất lượng vì giá cả tại TP.HCM luôn đắt đỏ hơn nhiều địa phương khác. Với MHCQĐT, TP sẽ chủ động được mức đầu tư để đảm bảo giải quyết tốt nhu cầu của người dân.

Ông Mười cho rằng, theo MHCQĐT, đối với ngân sách TƯ, việc thu chi theo cơ chế ủy nhiệm chịu sự giám sát của TƯ, còn đối với ngân sách địa phương thì hoàn toàn tự chủ thu - chi và tự chịu trách nhiệm. Điều này sẽ khắc phục được sự thiếu minh bạch về thẩm quyền, trách nhiệm và phân cấp ngân sách như hiện nay, tiến tới xóa bỏ cơ chế xin - cho trong phân bổ ngân sách. Nhờ vậy, những yêu cầu phát sinh trên địa bàn thuộc thẩm quyền sẽ được giải quyết nhanh hơn. Khi trở thành một thành phố tự chủ, đồng thời cũng đòi hỏi lãnh đạo và cán bộ cấp dưới phải thường xuyên đổi mới, sáng tạo, chủ động trong các kế hoạch.

Quản lý hiệu quả, nhiều cái lợi

MHCQĐT sẽ tạo ra tính chủ động, trách nhiệm cho bộ máy chính quyền, do đó đòi hỏi công tác quản lý cần phải thống nhất, nhanh nhạy, phối hợp chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực và phải thật sự chuyên nghiệp. Bộ máy phải đáp ứng các đòi hỏi đặt ra theo yêu cầu của đối tượng quản lý, lấy người dân làm trung tâm. Chất lượng dịch vụ công phải hoàn hảo, vì nếu đơn vị cung cấp dịch vụ công không hiệu quả, làm thiệt hại quyền lợi người dân thì có thể bị người dân khiếu nại và người lãnh đạo phải bồi thường thiệt hại.

TS Võ Trí Hảo - Khoa Luật, ĐH Kinh tế TP.HCM nhận định: MHCQĐT sẽ xóa cơ chế xin - cho. TP sẽ chủ động hơn trong việc lên kế hoạch xây dựng, phát triển và đáp ứng các vấn đề an sinh xã hội cho người dân. Ví dụ, trước đây để đầu tư một công trình có quy mô lớn, TP phải xin ý kiến, ngân sách TƯ “rót” xuống. Nay, TP sẽ chủ động lên kế hoạch và ngân sách để thực hiện. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức lớn với bộ máy CQĐT, đòi hỏi người lãnh đạo phải năng động hơn trong công tác quản lý để thu hút đầu tư, tạo ra ngân sách thực hiện. Tương tự, bộ máy CQĐT sẽ được chủ động để đưa ra những quyết sách, điều luật riêng trong việc quản lý đô thị cho phù hợp với tình hình thực tế. Để thực hiện tốt những điều này, bộ máy CQĐT phải năng động, làm việc có trách nhiệm. Bộ máy CQĐT là do người dân bầu lên, nếu làm việc không hiệu quả, không được dân tín nhiệm là “mất ghế” ngay.

Việc TP được giao thẩm quyền sẽ giúp TP phát triển nhanh hơn, từ đó chất lượng sống của người dân cũng được nâng cao hơn.

 Quỳnh Mai - Phan Trí

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI