Lời tòa soạn: Sau bài viết “Siêu phố đi bộ”, cần không? đăng tải trên Báo Phụ Nữ TPHCM số ra ngày 7/10/2020, báo đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ giới chuyên gia về đề án tổ chức các phố đi bộ khu vực trung tâm TPHCM được báo cáo bởi Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (Sở Giao thông Vận tải TPHCM). Dưới đây là ý kiến của kiến trúc sư Đặng Thanh Hưng về những điều mà đề án này chưa đề cập.
Đường đi bộ Nguyễn Huệ, TPHCM - Ảnh: H.N.
Chưa kết nối với không gian chung
Nghiên cứu đề án, tôi nhận thấy các phương án vẫn đang tập trung vào yếu tố vật lý hữu hình nhưng lại thiếu tính vĩnh cửu (timeless). Có một yếu tố không được nhắc đến là tiện nghi ngoài trời của người sử dụng (vật lý và tâm lý). Yếu tố tâm lý liên quan đến chất lượng thiết kế cảnh quan và sự đa dạng, hấp dẫn của các hoạt động xã hội được tổ chức ở phố đi bộ; sự dễ dàng tiếp cận; sự thuận tiện cho người khuyết tật.
Yếu tố vật lý là mức độ tiện nghi nhiệt của con người ở các không gian công cộng như phố đi bộ - một yếu tố quan trọng phản ánh lên tần suất sử dụng của họ. Trên phố đi bộ bao gồm không gian ngoài trời, bán ngoài trời, và chuyển tiếp từ trong ra ngoài. Ở từng loại không gian, mức độ tiện nghi sẽ khác nhau. Đừng quên, điều kiện khí hậu nóng ẩm ở Việt Nam là một thử thách trong việc đạt được tiện nghi nhiệt cho con người ở cả bên trong và bên ngoài các tòa nhà. Sự tiện nghi ngoài trời bị tác động bởi thiết kế cảnh quan (cây xanh, mặt nước, vật liệu hoàn thiện đường/vỉa hè), quy hoạch (hình thái đô thị), kiến trúc của các tòa nhà và khí hậu nhiệt đới đặc trưng.
Ở các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia hay trên thế giới, tiện nghi nhiệt ngoài trời tại các không gian công cộng đã được nghiên cứu và ứng dụng như một tiêu chuẩn trong thiết kế và quy hoạch không gian công cộng. Ở Việt Nam, cảm giác nhiệt đô thị của con người vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ. Trong đề án, yếu tố này cũng không được đề cập và phản ánh lên phương án thiết kế, trong khi nó phản ánh đáng kể mức độ tiếp cận và sử dụng phố đi bộ của cư dân có thường xuyên hay không.
“Siêu phố đi bộ” đang được xem xét như một địa điểm du lịch nhằm thu hút sự dịch chuyển của con người và đầu tư thương mại dịch vụ tập trung vào một vị trí nhất định của đô thị. Khi định hướng như vậy, nó có thể phản ánh tính chất hoạt động theo một hướng khác. Người sử dụng (gồm cư dân địa phương và khách du lịch) sẽ tập trung với mật độ cao vào một thời điểm và trong một khoảng thời gian nhất định, dễ dẫn đến hiện tượng như khi mọi thứ tập trung cực lớn vào một điểm, sau đó tản ra, sẽ để lại một môi trường không sức sống. Điều này có thể được phản ánh bởi mức độ và thời điểm đi bộ không thường xuyên của cư dân trong khu vực quận 1 được tìm thấy qua cuộc khảo sát bởi nhóm thực hiện đề án.
Thay vì vậy, phố đi bộ cần được xem xét và quy hoạch trên bức tranh vĩ mô của đô thị. Chúng phát triển có hệ thống, có tính kết nối và có cấp độ khác nhau theo từng khu vực đô thị. Nó phải là nơi con người sử dụng, vận hành, đi ngang và sử dụng, cảm nhận chúng hằng ngày. Họ sẵn sàng dừng lại trên phố hay tấp vô một cửa hàng nào đó một cách thuận tiện và tự nhiên.
Không gian của phố đi bộ sẽ có diện tích cho ghế nghỉ, cây xanh, hồ nước, không gian pop-up, đặc biệt là nơi của vô số hoạt động của con người: đi lại, gặp gỡ, thư giãn, sáng tạo, biểu diễn, mua sắm, giải trí… Phố đi bộ được hoàn chỉnh khi kết nối với các tòa nhà (cửa hàng, khách sạn, phòng triển lãm, nhà hát, chợ, công trình tín ngưỡng) hay các vị trí cảnh quan (không gian xanh quy mô nhỏ, công viên, tác phẩm điêu khắc, tượng đài) dọc theo các tuyến phố để hình thành các con phố sinh động và hấp dẫn.
Vì vậy, sự sử dụng các phố đi bộ nên thường xuyên với các hoạt động cố định, bên cạnh là những sự kiện đặc biệt có thể diễn ra vào một hay vài ngày nhất định trong tuần, tháng hay năm. Ngoài ra, các phố đi bộ cũng nên được quy hoạch với khả năng kết nối cao về mặt đô thị để tạo thành một hệ thống không gian công cộng đa dạng và thu hút.
Phố Notting Hill (London) - nơi tập hợp các cửa hàng thời trang, đồ nghệ thuật, hiệu sách, nhà hàng và cà phê (ảnh do tác giả cung cấp)
Những áp lực đè lên cơ sở hạ tầng
Khi “mổ xẻ” đề án, dễ thấy, quy mô của phố đi bộ trong tương lai khá lớn. Điều này có thể ảnh hưởng đến mô hình vận hành của chính nó và gây áp lực lên cơ sở hạ tầng của thành phố. Hệ thống tiện ích của đô thị hiện tại và trong tương lai gần có thể không tương xứng với sự vận hành của phố đi bộ trong thực tế. Vì vậy, với diện tích phố đi bộ khá lớn được quy hoạch, các con đường cần được đánh giá và phân loại với cấp đi bộ khác nhau như đi bộ toàn thời gian hay bán thời gian, hay ưu tiên đi bộ. Dù là cấp độ đường phố đi bộ loại nào thì thiết kế không gian vỉa hè bao gồm lối đi, cây xanh, ghế nghỉ, không gian pop-up cũng cần được chú trọng.
Với các phố đi bộ thành công trên thế giới, việc tiếp cận chúng luôn dễ dàng bởi sự hoàn chỉnh của nền hạ tầng đô thị, cụ thể là hệ thống giao thông công cộng. Cả hệ thống đô thị, bao gồm cả phố đi bộ, phát triển song hành cùng nhau. Người sử dụng tiếp cận phố đi bộ thường ngày bằng các cách phổ biến như đi bộ, xe đạp, xe buýt, tàu điện, taxi, hay thuyền chạy bằng điện dọc các con kênh; trong khi, việc sử dụng phương tiện cá nhân như xe hơi sẽ bị hạn chế vì phí lưu thông cao do trong khu trung tâm số lượng bãi xe hạn chế, chi phí đậu xe cao.
Ngược lại, văn hóa giao thông ở Việt Nam lại cho thấy sự khác biệt khi mà việc di chuyển bằng phương tiện cá nhân như xe máy và xe hơi là chủ đạo. Nếu giao thông công cộng chưa phát triển đủ tốt sẽ gây áp lực lên quy hoạch và hạ tầng giao thông thành phố như phân luồng giao thông, tổ chức bãi xe...
Trong đề án, các bãi xe tại khu vực trung tâm được thống kê, tuy nhiên, tính chất phục vụ của từng bãi xe không được làm rõ. Hệ thống giao thông công cộng hạn chế cũng ảnh hưởng đến môi trường và sự tiện nghi của phố đi bộ và xung quanh nó do sức xây dựng tăng và sự tập trung lớn các phương tiện giao thông. Chúng sẽ là nguồn ô nhiễm về nhiệt độ, tiếng ồn và mùi, hay thậm chí sự an toàn cháy nổ. Nên chăng, quy mô của phố đi bộ tại khu trung tâm được phát triển theo sự kiện toàn của hệ thống giao thông công cộng và cơ sở hạ tầng hoặc chia nhỏ quy mô của phố đi bộ theo từng cụm phố.
Chức năng công trình trong khu phố đi bộ cũng phải được quy hoạch hợp lý. Theo bản khảo sát sử dụng đất trong phạm vi quy hoạch, chức năng của công trình quá đa dạng (văn phòng hành chính nhà nước, văn phòng cho thuê, cơ sở lưu trú, nhà ở, nhà hàng, cửa hàng, chợ, tín ngưỡng, thư viện, trường học, bảo tàng, nhà hát, trung tâm thương mại). Điều này chưa chắc là một thuận lợi khi quy hoạch phố đi bộ, đặc biệt là giao thông.
Về thực hiện khảo sát, một số góp ý rất mong nhóm thực hiện đề án chú ý và giải thích thêm. Thứ nhất, số lượng người tham gia khảo sát không được nêu rõ. Thứ hai, cuộc khảo sát đánh giá bảy khía cạnh khác nhau như tổng thời gian đi bộ, tổng quãng đường đi bộ, vị trí đậu xe, phương tiện dùng để đi đến khu vực đi bộ... Kết quả khảo sát mới chỉ dừng ở mức độ giới thiệu mà thiếu sự phân tích và cho thấy mối liên hệ hay ý nghĩa khi đề xuất các phương án ở phần sau.
Ví dụ, sao mọi người hay đi bộ vào buổi tối? Hay giải thích nào cho tần suất chỉ đi bộ vài ba lần trong năm tại khu vực quận 1? Các vị trí bãi xe được xác định trong khu vực nghiên cứu mang tính chất phục vụ thế nào? Bãi xe nào có thể sử dụng cho phố đi bộ trong tương lai? Về mô phỏng các mô hình giao thông với các kịch bản khác nhau, các thông số đầu vào không được giải thích rõ cơ sở. Nếu có một sự cải thiện tình hình giao thông (giảm xe cá nhân, các tuyến metro hoàn thành, khuyến khích xe đạp) thì mô hình giao thông sẽ thay đổi ra sao?
Cuối cùng, đề án chưa đi sâu vào sáng tạo và thiết kế cảnh quan của phố đi bộ; liên kết của phố đi bộ với các tòa nhà; không gian mở và đóng; bài toán cho cây xanh hiện hữu và trồng mới; giải pháp kỹ thuật trong thiết kế, quản lý và bảo trì cảnh quan hiện đại.
Hiện nhiều tỉnh, thành của vùng ĐBSCL đang khẩn trương xây các hồ trữ nước ngọt nhằm ứng phó nguy cơ thiếu nước ngọt cho sinh hoạt, sản xuất trong mùa khô.