Đề án đổi mới giáo dục: Thay đổi toàn diện chương trình, thi cử

20/09/2013 - 11:01

PNO - PN - Thừa nhận giáo dục (GD) còn nặng bệnh thành tích, chất lượng GD còn thấp, đặc biệt ở bậc đại học; quản lý GD còn nhiều yếu kém…, Đề án Đổi mới căn bản, toàn diện GD và đào tạo (ĐT) vừa được Bộ GD-ĐT hoàn thành...

edf40wrjww2tblPage:Content

Chiều 19/9 tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT đã tổ chức họp báo giới thiệu đề án Đổi mới căn bản, toàn diện GD và ĐT dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển.

De an doi moi giao duc: Thay doi toan dien chuong trinh, thi cu

Thi đại học 2013. Ảnh: Tiêu Hà

Ông Bùi Mạnh Nhị, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ GD-ĐT cho biết, so với đề án trình Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 6 (khóa XI) tháng 10/2012, đề án này đã thẳng thắn hơn trong đánh giá về những yếu kém của GD-ĐT, trong đó chỉ rõ những yếu kém về chất lượng, về chương trình cũng như sự lạc hậu, bất cập trong thi, kiểm tra; về quản lý GD, đội ngũ nhà giáo cũng như chính sách và cơ chế tài chính. Trong đề án mới, Bộ GD-ĐT đã đưa ra chín giải pháp nhằm thay đổi mạnh mẽ GD-ĐT cả về tư duy, chương trình, thi - kiểm tra, quản lý GD, đội ngũ nhà giáo…

Hai trong những mục tiêu quan trọng của đề án này là đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ mục tiêu, nội dung, phương pháp GD theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học, từ đó đổi mới căn bản hình thức và phương pháp kiểm tra, thi và đánh giá chất lượng GD. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh, sự thay đổi này nhằm chuyển GD từ trang bị kiến thức sang mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực của người học. GD đổi mới theo hướng tinh giản, cơ bản, hiện đại. Nội dung GD phổ thông được thiết kế theo hướng tích hợp cao các môn học ở lớp dưới và phân hóa dần ở lớp trên, giảm số môn học bắt buộc, tăng số môn học chủ đề.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, việc giảm tải không phải vì kiến thức quá cao, quá nhiều mà do sách giáo khoa hiện nay chỉ có một bộ. Người làm sách muốn phải đảm bảo tính khoa học nên sách sinh giống khoa học sinh học, sách toán giống khoa học toán học, nhiều kiến thức hàn lâm được đưa vào sách. Trong khi đó, chương trình lại bị cắt khúc giữa các cấp, các môn nên kiến thức bị thừa, học sinh (HS) phải học đi học lại. Ông Hiển cũng thừa nhận, mục tiêu GD hiện nay nặng về GD toàn diện, mọi người giống nhau chứ không phát huy được năng lực của từng người. GD chỉ chú trọng đến trang bị kiến thức chứ chưa chú ý đến phương pháp học nên chủ yếu là đọc chép để cốt sao có nhiều kiến thức. Ông Hiển khẳng định, việc tích hợp kiến thức trong các môn học phổ thông sẽ giúp giảm tải chương trình, số môn học ít đi, nội dung không bị chồng lấn. Giải pháp này cũng khắc phục được tính đồng loạt, phát huy năng lực riêng của từng HS. Dạy học tích hợp cũng giúp giáo viên và HS tiếp nhận kiến thức một cách tổng hợp để giải quyết vấn đề, kiến thức bớt hàn lâm, sát thực tế.

De an doi moi giao duc: Thay doi toan dien chuong trinh, thi cu

Ảnh: P.Huy

Về sự thay đổi căn bản trong thi, kiểm tra và đánh giá chất lượng GD, ông Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, đổi mới thi phải gắn với chương trình, khi chương trình chưa thay đổi thì thi - kiểm tra cũng chỉ thay đổi được phần nào. Khi chương trình và sách giáo khoa thay đổi như đề án đưa ra, thi và tốt nghiệp phổ thông sẽ được thay đổi theo hướng kiểm tra năng lực của HS, thiết thực, tin cậy và kết quả này sẽ được dùng để làm căn cứ cho tuyển sinh của nhiều trường ĐH, CĐ. Việc tuyển sinh ĐH được đổi mới theo hướng kết hợp kết quả GD phổ thông và yêu cầu của ngành ĐT.

Bộ GD-ĐT nhận định, những yếu kém trong công tác quản lý, bao gồm cả quản lý ngành và quản lý các cơ sở GD là nguyên nhân của nhiều yếu kém khác. Chính vì thế, quản lý GD sẽ được đổi mới một cách căn bản, tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở GD. Theo Ông Bùi Mạnh Nhị, nhân sự của ngành GD phụ thuộc vào nội vụ; bổ nhiệm hiệu trưởng, phòng GD cũng không được tự quyết mà phải do phòng nội vụ. Thời gian tới, các cơ quan quản lý GD địa phương sẽ được chủ động quyết định hoặc tham gia trực tiếp quản lý nhân sự, tài chính cùng với quản lý thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Một đổi mới quan trọng mà Bộ GD-ĐT đưa ra là sẽ xây dựng cơ chế thu nhận và xử lý thông tin trong quản lý GD. Đồng thời với việc cấp trên đánh giá cấp dưới sẽ thực hiện cơ chế người học đánh giá hoạt động GD, nhà giáo tham gia đánh giá cán bộ quản lý, cơ sở GD tham gia đánh giá cơ quan quản lý nhà nước về GD. Bộ GD-ĐT cũng sẽ đo lường mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan quản lý nhà nước về GD và của các cơ sở GD.

 Dung Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI